Chính sách mới >> Tham nhũng 28/04/2016 15:53 PM

Thủ tướng chỉ thị tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng

28/04/2016 15:53 PM

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi; công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít; việc điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng kéo dài; việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống tham nhũng.

Kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị để khuyến khích mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng; đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng.

Đồng thời có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trong năm 2016, nhất là các lĩnh vực mà các vụ án tham nhũng ngày càng có số lượng trưng cầu giám định tăng lên như tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, trong đó xác định rõ thời gian thực hiện giám định và các quy chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật cụ thể được áp dụng trong quá trình thực hiện giám định đối với từng loại việc để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định; rà soát, củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên ở những lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trên cơ sở nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra. Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng, có biện pháp kiên quyết để xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra.

Kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp để thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản do tham nhũng mà có được phát hiện trong quá trình thanh tra, xử lý vụ việc tham nhũng. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có biểu hiện bao che trong quá trình thanh tra, thiếu kiên quyết trong việc kết luận thanh tra, xử lý đối với các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Chủ động xác định những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để xây dựng Định hướng chương trình thanh tra hàng năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng.

Khen thưởng kịp thời người tố cáo tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí để mở rộng việc tiếp nhận thông tin, nâng cao hiệu quả việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và tuyên truyền kết quả công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Khen thưởng kịp thời, xứng đáng với người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng. Tiếp nhận, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống người khác.

Thanh tra Chính phủ tăng cường hoạt động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế đa phương, song phương về phòng, chống tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy trình điều tra đảm bảo tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các tiêu cực trong quá trình tiếp cận, thu thập thông tin, xác minh, khởi tố, điều tra của cán bộ và người có thẩm quyền trong quá trình thực thi công vụ.

Bộ Công an tiếp nhận và xử lý kịp thời các tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do cơ quan Thanh tra, Kiểm toán và các cơ quan tổ chức khác phát hiện, kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra; thông báo kết quả xử lý tới cơ quan chuyển hồ sơ sau khi kết thúc vụ việc.

Xử lý nghiêm hành vi bao che tham nhũng

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an quy định cụ thể về các trường hợp, biện pháp bảo vệ người tố cáo; xử lý kịp thời các hành vi trả thù người tố cáo. Thực hiện công khai các quy định về bảo vệ người tố cáo; áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh, trưng cầu giám định tư pháp kịp thời, chính xác, chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra xử lý vụ việc, vụ án. Xử lý nghiêm các hành vi bao che tham nhũng, thiếu kiên quyết trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; xây dựng, ban hành quy chế phối hợp, thông tin về công tác giám định tư pháp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh về giám định tư pháp trong quá trình chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về công tác phòng, chống tham nhũng.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan thông tin báo chí tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện, giám sát việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Phan Hiển

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,720

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn