Chính sách mới >> Tài chính 22/04/2015 08:34 AM

HĐND TPHCM: Mức tăng giá nước 10,5%/năm là cao

22/04/2015 08:34 AM

Đề xuất tăng giá nước 10,5% mỗi năm từ 2015 - 2019 của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã vấp phải một số ý kiến không đồng thuận của các đại biểu HĐND thành phố, bởi nhiều đại biểu cho rằng người dân còn phải gánh nhiều chi phí tăng thêm khác như giá điện, xăng dầu, thực phẩm chứ không chỉ có giá nước.

Đại biểu HĐND TPHCM Trần Văn Thiện tại cuộc họp về giá nước chiều nay - Ảnh: Văn Nam

Đại biểu HĐND cho rằng mức tăng 10,5%/năm là cao và cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Chiều nay (21-4), các đại biểu HĐND thành phố, Sawaco và các sở ngành thành phố có cuộc họp thảo luận về lộ trình tăng giá nước tại TPHCM giai đoạn 2015 – 2019.

Sawaco: tăng giá nước để có tiền đầu tư

Tại cuộc họp, Sawaco đề xuất giá nước bình quân tại TPHCM trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 10,5% mỗi năm. Giá nước bình quân đối với định mức sử dụng thấp nhất sẽ tăng từ mức hiện nay là 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 (chưa thuế) vào năm 2019.

Theo lập luận của Sawaco, việc tăng giá nước là cần thiết để phát triển ngành nước thành phố bởi chi phí đầu tư chiếm khoảng 72% giá thành nước sạch trong giai đoạn 5 năm tới. Tổng công suất nước cấp từ các nhà máy nước cho người dân thành phố sẽ phải tăng lên khoảng 3,7 triệu m3/ngày vào năm 2025, gấp 2,2 lần so với công suất hiện nay. Do vậy, tăng giá nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển ngành nước.

Sau khi có ý kiến của đại biểu HĐND TPHCM, quyết định cuối cùng về việc tăng giá nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2019 sẽ do UBND thành phố ban hành trong thời gian tới.

Một số nhà máy sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng như nhà máy nước Thủ Đức 3 (300.000 m3/ngày); nhà máy nước Tân Hiệp 2 giai đoạn 2 (300.000 m3/ngày); phát triển thêm 351 km đường ống cấp 1, 2, 1.300 km đường ống cấp 3, gắn thêm 308.000 đồng hồ nước, thực hiện các dự án giảm thất thoát nước với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước từ mức 33% hiện nay xuống còn 25% vào năm 2025.

“Tổng vốn đầu tư cần cho ngành nước thành phố từ nay đến 2015 rất lớn, lên đến khoảng 68.000 tỉ đồng”, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Sawaco cho hay tại cuộc họp chiều nay.

Số liệu khác được Sawaco nêu ra cho việc tăng giá nước là mức tăng thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng tại thành phố (Sawaco lấy từ Cục Thống kê thành phố) từ năm 2006 đến 2012 là 21,6% mỗi năm nên mức tăng giá nước 10,5%/năm từ nay đến 2019 là không tăng cao so với thu nhập của người dân (?).

Ví dụ Sawaco đưa ra là nếu theo giá nước mới, một hộ gia đình có 4 người, sử dụng trong định mức 4m3/người/tháng thì trong năm 2015 khoản tiền phải trả mỗi tháng theo giá nước mới là 96.000 đồng, tăng 12.000 đồng so với mức phải trả hiện nay là 84.000 đồng.

Đại biểu HĐND: Người dân còn chịu nhiều chi phí khác

Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều nay nhiều đại biểu HĐND thành phố tỏ ra không đồng tình với lập luận của Sawaco về nguyên nhân tăng giá nước sắp tới.

Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, hiện nay tỷ lệ thất thoát nước tại thành phố vẫn còn rất cao đến hơn một phần ba (33%), trong khi còn hơn 300.000 hộ dân tại 46 xã trên địa bàn thành phố chưa có nguồn nước sạch.

Bà Hạnh đồng tình theo lộ trình cần tăng giá nước để ngành nước có thêm nguồn lực, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với mức tăng 10,5% mỗi năm là cao có thể sẽ kéo theo các khoản chi phí khác bị đội lên nên cần phải cân nhắc kỹ, xem xét lại đề xuất mức tăng này.

Còn theo đại biểu HĐND thành phố Trần Hữu Trí, người dân phải gánh nhiều chi phí sinh hoạt khác nữa như điện, xăng dầu, thực phẩm, trong đó điện và xăng dầu vừa tăng giá gần đây, không riêng gì giá nước nên cần phải xem xét thận trọng mức tăng, tránh tăng cao sẽ tác động đến sinh hoạt người dân.

Đại biểu Trần Văn Thiện tỏ ý băn khoăn liệu mức tăng giá nước 10,5% mỗi năm có hợp lý, Sawaco đã khảo sát các tác động đến xã hội khi giá nước tăng hay chưa, nguồn thu từ tăng giá nước được Sawaco sử dụng, đầu tư thế nào … cần phải được Sawaco làm rõ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về tăng giá nước sạch.

Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng có văn bản gởi UBND thành phố cho rằng: phương án tăng giá nước 10,5% mỗi năm cần phải nghiên cứu để có tỷ lệ tăng giá nước phù hợp theo hướng những năm về sau tỷ lệ tăng giảm dần.

Tại cuộc họp đầu năm nay, các đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đề nghị thành phố xem xét kỹ về lộ trình tăng giá nước sao cho người dân, doanh nghiệp đồng thuận, tránh gây thêm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Bảng giá nước đề xuất tăng theo lộ trình từ 2015 – 2019 (đơn vị tính: đồng/m3):

Đối tượng sử dụng

2015

2016

2017

2018

2019

Sinh hoạt hộ nghèo (đến 4m3/người/tháng)

5.300

5.800

6.500

7.100

7.900

Sinh hoạt hộ dân cư:

 

 

 

 

 

 - Đến 4m3/người/tháng

6.000

6.600

7.300

8.100

8.900

 - Từ 4 – 6 m3/người/tháng

9.600

10.600

11.700

13.000

14.400

 - Trên 6 m3/người/tháng

11.800

13.100

14.400

16.000

17.700

Đơn vị sản xuất

9.800

10.800

12.000

13.200

14.600

Cơ quan, đoàn thể hành chính sự nghiệp

10.800

11.900

13.200

14.500

16.100

Đơn vị kinh doanh, dịch vụ

17.800

19.700

21.700

24.000

26.600

Khu chung cư, ký túc xá, khu lưu trú công nhân có hệ thống ống nội bộ

Giảm 10% đơn giá nước sinh hoạt nêu trên

Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất có hệ thống ống nội bộ

Giảm 10% đơn giá nước sản xuất nêu trên

Khu thương mại dịch vụ, các chợ đầu mối có hệ thống ống nội bộ và phân phối cho đối tượng sử dụng nội bộ

Giảm 10% đơn giá nước kinh doanh, dịch vụ nêu trên

Văn Nam

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,997

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn