Chính sách mới >> Tài chính 29/03/2014 08:35 AM

Rào cản DNNVV tiếp cận nguồn vốn

29/03/2014 08:35 AM

DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế nhưng cũng là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất.


Các DNNVV thường xuyên gặp phải khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các TCTD. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức “Đối thoại Công-Tư của APEC về: Giải quyết những rào cản của DNNVV và DN siêu nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại” hôm 27-3.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết: Sự tồn tại của DNNVV rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong khối các quốc gia tham gia APEC, số lượng lao động trong các DNNVV chiếm tới hơn 50% tổng số lao động. Sự phát triển của loại hình DN này góp phần đáng kể vào việc nâng cao GDP, chuỗi sản xuất cũng như chuỗi giá trị trong khu vực, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong nền kinh tế. Khó khăn điển hình của DN chính là thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Khó khăn này ngày càng rõ nét, khiến DN khó vượt qua ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển.

Theo bà Hà Thu Giang, Phó trưởng phòng Tín dụng Chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ở Việt Nam, dư nợ vay của các DNNVV không ngừng tăng trưởng trong những năm qua và luôn duy trì ở mức khoảng 30% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong việc tiếp cận nguồn vốn của các TCTD, các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn từ bản thân nền kinh tế, thị trường và cơ chế chính sách. Sự suy giảm, biến động của nền kinh tế thế giới, thị trường bất động sản, chứng khoán đóng băng, hàng hóa tồn kho ứ đọng không tiêu thụ được, lợi nhuận giảm. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ DN kinh doanh có lãi, đóng góp cho ngân sách địa phương chiếm chưa đầy 50% trong tổng số DN còn hoạt động.

Đặc biệt, điểm khó lớn nhất lại đến từ chính DN. Hầu hết hệ thống báo cáo tài chính của những DNNVV phản ánh thiếu chính xác, chưa được kiểm toán theo quy định, dẫn tới TCTD thiếu thông tin khi thẩm định đề nghị xin vay của DN.

Bên cạnh đó, kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các DN thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động của giá cả thị trường; tài sản đảm bảo của DN chưa đáp ứng được yêu của của TCTD.

Bà Giang cho rằng, để DNNVV thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn, cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân DN. Cụ thể như, các TCTD cần xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp đối với các DNNVV; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của DN sau khi giải ngân; tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu…

“Quan trọng nhất là bản thân DN phải tự hoàn thiện cơ chế quản lý, kế hoạch kinh doanh, tài chính, đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ quản lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững không đầu tư dàn trải, mạo hiểm…” bà Giang nhấn mạnh.

Theo ông Sergio Arzeni, Giám đốc Trung tâm Doanh nhân, DNNVV và Phát triển địa phương (CFE): Một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao vai trò của định chế tài chính công, khuyến khích các thỏa thuận hỗ trợ tài chính và chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của cơ chế thị trường để mở rộng công cụ cho vay đối với DN.

Thanh Nguyễn

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,330

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn