Chính sách mới >> Tài chính 07/05/2012 14:03 PM

07/05/2012 14:03 PM

Theo phân tích của một số chuyên gia, việc áp trần lãi suất cho vay vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán vốn từ ngân hàng cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng vẫn là giải quyết đầu ra của hàng hóa.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng đây là một động thái kịp thời theo diễn biến của thị trường vốn. Và hiện tại cũng đã có nhiều gói vay của các ngân hàng dành cho các lĩnh vực như trên cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi xoay quanh mức 15%.

Tuy vậy, ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại không còn là lãi suất mà là rủi ro quá nhiều khiến ngân hàng ngần ngại.

Ông phân tích, lãi suất liên ngân hàng hiện dưới 5%, tín phiếu cũng chỉ trên dưới 10%, nhưng các ngân hàng vẫn rót tiền vào những kênh đó thay vì cho vay. Điều này có thể lý giải rằng ngân hàng muốn cho vay, vì chỉ cho vay mới có lãi nhưng lại không dám. Có đảm bảo được rằng khoản vay sẽ thu hồi được không? Có đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ trả nợ đúng hạn không? Những điều đó rất khó chắc chắn trong bối cảnh hiện nay.

Thêm vào đó, doanh nghiệp có thực sự muốn vay không? Eximbank đã có một gói vay 1.500 tỉ đồng danh cho doanh nghiệp thu mua lương thực, với lãi suất ưu đãi 14%, nhưng cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 600 tỉ đồng. Các gói vay khác có lãi suất dao động từ 13,5-15% cũng đã được triển khai nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà.

Ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại là tổng cầu đang giảm, doanh nghiệp có sản xuất cũng không bán được hàng. Làm thế nào để tiêu thụ được hàng hóa là vấn đề quan trong nhất trong bối cảnh hiện nay. Có khơi thông được đầu ra, thì các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm lãi suất mới thực sự có hiệu quả.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở TPHCM cũng cho rằng hiện tại nhiều ngân hàng đang có vốn rẻ, từ việc huy động dưới 1 tháng, lãi suất dưới 5%, đến việc tìm được tiền từ các khoản tiền gửi thanh toán… để có thể cho vay với lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn mức trần mà NHNN mới đặt ra.

Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, vốn ít, giá vốn cao thì việc giảm lãi suất xuống mức này là một thách thức cho lợi nhuận năm nay. Ông cho biết việc cho vay khó (biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao) nên năm nay ngân hàng đành chấp nhận tìm thu nhập từ các dịch vụ khác, nhưng ông cũng dự báo tình hình của ngành ngân hàng năm nay sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp còn tiếp tục xoay xở không lối ra như thế.

Đồng thời việc xếp hạng tín dụng để cho vay như hiện tại, thì sẽ không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay. “Không phải doanh nghiệp nào nằm trong 4 nhóm trên đều được vay, vì ngân hàng hiện nay sẽ xem xét rất kỹ lưỡng để tránh nợ xấu. Cũng vì thế sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục không được vay với mức lãi suất trên dù NHNN đã quy định”, vị này nói thêm.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, NHNN rất có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động lần nữa vào nửa sau của tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục giảm. Nhưng lãi suất cho vay, sẽ không giảm mạnh do hầu hết các lĩnh vực áp dụng đều đã nằm trong danh sách ưu tiên của các ngân hàng. Ngoài ra, trần lãi suất cho vay cũng không tránh được tình trạng các ngân hàng tính “phí cho vay”. Và cuối cùng, tác động lên các công ty xuất khẩu cũng ở mức tối thiểu vì nhiều công ty xuất khẩu vay đô la Mỹ thay vì tiền đồng Việt Nam.

Theo Thanh Thương
TBKTSG


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,417

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn