Chính sách mới >> Tài chính 19/04/2012 08:00 AM

19/04/2012 08:00 AM

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng HSBC cho rằng, có 3 phương án tăng vốn khả dĩ mà ngân hàng có thể lựa chọn.

Thưa ông, các ngân hàng muốn tăng vốn nên chọn giải pháp nào trong bối cảnh hiện nay?

Ngân hàng có 5 phương án cơ bản để tăng vốn, với những khó khăn, thuận lợi riêng.

Việc tăng vốn từ cổ đông hiện hữu chỉ thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỷ lệ sở hữu; sẽ bất lợi nếu cổ đông hiện hữu không đủ sức mạnh tài chính. Đặc biệt, nếu cổ đông hiện hữu bị yêu cầu phải rút vốn đầu tư ngoài ngành và thanh khoản thị trường gặp khó khăn, việc tăng vốn từ cổ đông hiện hữu sẽ rất khó.

Tăng vốn từ phát hành thêm cổ phiếu chỉ thuận lợi khi thị trường cổ phiếu tăng trưởng tốt, song thị trường chứng khoán hiện đang khó khăn và chưa sớm khởi sắc, do thanh khoản còn yếu.

Phương án tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất có lợi, vì nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý. Trong khi phương án sáp nhập với ngân hàng nội chỉ phù hợp khi một ngân hàng mạnh sáp nhập với ngân hàng yếu hơn.

Phương án cuối cùng là phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 trên thị trường quốc tế. Ngân hàng có tên tuổi trên thị trường và có tiềm lực tài chính phù hợp với cách này, bởi chi phí phát hành lớn hơn nhiều so với phát hành cổ phiếu. Thời điểm này, tôi nghĩ 3 phương án sau cùng là phù hợp nhất để ngân hàng tăng vốn.

Trong 3 phương án này, có vẻ như nhiều ngân hàng vẫn băn khoăn giữa chọn bán cổ phần cho đối tác ngoại hay sáp nhập với ngân hàng trong nước?

Nếu một ngân hàng nội mạnh sáp nhập với một ngân hàng nội yếu hơn sẽ thuận lợi nhất về mặt văn hóa, cách thức kinh doanh, sự hiểu biết thị trường trong nước. Tuy nhiên, bất lợi là các ngân hàng mạnh cũng đang phải tập trung lành mạnh hóa hoạt động của mình, không muốn gánh thêm ngân hàng yếu kém. Hơn nữa, sự sáp nhập giữa hai ngân hàng nội với nhau cũng khó mang lại sự thay đổi căn bản về mặt quản trị.

Trong khi đó, nếu có sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài, ngân hàng nội sẽ tận dụng được sức mạnh tài chính và kinh nghiệm quản trị. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm tỷ lệ cổ phần tối đa 20% và không có tiếng nói quyết định trong điều hành ngân hàng, thì việc thay đổi phương thức kinh doanh cũ, thay đổi căn bản tổ chức về quản trị bộ máy và rủi ro, nâng cấp nhân lực và đem lại sức mạnh cho tổ chức cũng rất khó thực hiện.

Những bất đồng mà ngân hàng nội và ngân hàng ngoại thường gặp khi bắt tay nhau là gì, thưa ông?

Điều chúng ta thường thấy tại các ngân hàng nội có vốn đầu tư nước ngoài là các cổ đông lớn trong nước thường muốn ngân hàng tăng trưởng nhanh, lợi nhuận càng cao càng tốt. Đây là điều gây bất đồng với các cổ đông chiến lược, vì nó dễ tạo rủi ro hoạt động. Vì vậy, nếu ngân hàng nội quyết định bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, họ nên lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam và thành công trên thị trường tài chính quốc tế. Ngân hàng nội cũng nên xác định chấp nhận cái mới, cải tổ phương thức kinh doanh, quản rị rủi ro… Chỉ khi đó, ngân hàng nội mới tận dụng được kinh nghiệm của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bên cạnh tận dụng nguồn lực tài chính mạnhn.

Theo Báo Đầu tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,985

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn