Chính sách mới >> Tài chính 30/11/2011 11:35 AM

30/11/2011 11:35 AM

Theo một số chuyên gia kinh tế, dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng mà NHNN đang lấy ý kiến đóng góp còn phải sửa nhiều bởi dự thảo nghị định trên chưa đủ điều kiện để quản lý thị trường vàng.

Một chuyên gia kinh tế cho biết Ngân hàng Nhà nước đã họp lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia và những người nghiên cứu kinh tế có uy tín để xem xét dự thảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Vị này cho biết, trong cuộc họp trên, đa phần ý kiến đều cho rằng phải giảm bớt các quy định liên quan đến kinh doanh nữ trang hay chế tác các sản phẩm trưng bày bằng vàng, bởi đây chỉ là hoạt động buôn bán bình thường, và vàng trong trường hợp này ít có ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng là quan trọng hơn, nên đưa ra các giải pháp tổng thể để thị trường vàng ổn định.

Theo vị này, dự thảo nên thay đổi theo hướng phục vụ cho nhu cầu của người dân là chính đáng, thay vì siết hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp như hướng đã đưa ra trong dự thảo nghị định vừa qua. Vì hiện tại người dân vẫn mua vàng tại các cửa hàng vàng, nếu không cho hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh vàng thì người chịu ảnh hưởng chính là người tiêu dùng. “Phải đảm bảo quyền sở hữu tài sản chính đáng của dân cư, theo quy định như trong luật dân sự”, vị này khẳng định.

Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng chưa đưa ra được các biện pháp để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới. Điều này là rất quan trọng, vì chính người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng vì mua vàng giá cao như trong thời gian qua. Đồng thời việc chênh lệch giá cũng tạo cơ hội cho vàng lậu vào Việt Nam qua biên giới, tác động không nhỏ đến tỷ giá nói riêng và tình hình kinh tế vĩ mô nói chung.

Một vấn đề rất quan trọng mà nghị định chưa đề cập đến, là làm cách nào để hút được lượng vàng còn rất lớn trong dân, trên 500 tấn vàng, một con số không nhỏ nếu quy đổi thành ngoại tệ hay tiền đồng. Có được lượng vàng này thì dự trữ của Việt Nam cũng sẽ an toàn hơn. Và khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể bán vàng ra, bình ổn thị trường, thay vì để một số ngân hàng và SJC bán vàng ra như hiện tại, gây nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia cũng là một cách làm đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy vậy cần phải có một thời kỳ quá độ, chuyển đổi để cả người dân và doanh nghiệp không bị “sồc”, gây nên những xáo trộn không đáng có. Việc cần thiết nữa phải đưa vào nghị định là bỏ hạn ngạch xuất nhập vàng, điều này đã tạo ra cơ chế xin cho, gây nên sự không minh bạch cho thị trường, nên thay vào đó là công cụ thuế.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cũng cho rằng, hiện tại Ngân hàng Nhà nước nên trấn an người dân về việc không bán tháo các loại vàng miếng khác bằng việc khẳng định có thể mua lại số vàng này làm vàng nguyên liệu để SJC dập ra bán cho dân, hoặc cũng có thể cho phép doanh nghiệp đăng ký với SJC để dập vàng, giúp doanh nghiệp không gặp khó khăn mà người dân cũng yên tâm vì vàng miếng mình đang giữ có thể bán được đúng giá thị trường.

Nghị định kinh doanh vàng chưa ra đời nhưng hiện tại, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia thì trên thị trường đã diễn ra hiện tượng nhà đầu tư không còn mặn mà với các loại vàng khác mà chỉ chọn mua vàng SJC.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết, trong tuần trước, lượng vàng SJC bán ra rất nhiều, hơn 1,57 tấn, nhưng ngoài việc người dân bỏ tiền mua loại vàng này thì hoạt động đầu cơ chờ chính sách có thể cũng diễn ra. Vì nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân mua vào với số lượng lớn, rất bất thường so với thời điểm trước đó, khi chỉ có người dân mua vàng cất giữ. Điều này đã khiến công ty phải bán vàng giới hạn 5 lượng cho một người mua.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,177

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn