Chính sách mới >> Quốc tế 21/08/2014 09:48 AM

Trung Quốc và 'chiến lược cải bắp' ở Biển Đông

21/08/2014 09:48 AM

Trong kế hoạch hiện thực hóa yêu sách chiếm gần trọn Biển Đông, Trung Quốc sử dụng các tàu cá của ngư dân làm vũ khí lợi hại, cùng với tàu hải giám và tàu chiến tạo thành vành đai tầng tầng lớp lớp như cây cải bắp.

Trên Defense News, tác giả Wendell Minnick nhận định, việc sử dụng chiến thuật dàn trận bằng tàu cá để khẳng định và bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang là một xu hướng "không thể dừng được".

"Việc đưa các tàu tới để bao vây khu vực có tranh chấp hoặc tạo nên rào chắn để ngăn các tàu hải quân hoặc tuần duyên của nước khác tạo nên một hình ảnh mềm hơn, không gây tác động tiêu cực bằng tàu chiến",  Sam Tangredi, tác giả cuốn sách Cuộc chiến chống xâm nhập, viết. "Hình ảnh các tàu cá có thể được diễn giải thành một hình thức đấu tranh hòa bình tự phát, từ lòng nhiệt thành của dân chúng".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình Trung Quốc trước đây, Thiếu tướng Zhang Zhaozhong đề cập tới chiến lược cải bắp của Bắc Kinh. Khi có tranh chấp lãnh hải, đầu tiên Trung Quốc đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh. 

Ví dụ nổi bật nhất cho chính sách dùng tàu cá của Trung Quốc là hồi tháng 5, Bắc Kinh huy động hàng chục tàu của ngư dân tham gia hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 tại Hoàng Sa, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Khi đó, các phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tiếp vu khống các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam đâm va và phá hoại các tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên dư luận thế giới sau đó được chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 27/5. Các ngư dân Trung Quốc cũng thừa nhận họ đi đánh cá ở vùng biển của láng giềng.

"Chúng tôi vượt qua ranh giới trên biển rất nhiều, nếu không thì làm sao đủ cá?", Financial Times dẫn lời Liang Ya Pai, một ngư dân Trung Quốc nói khi ông đứng trên buồng lái tàu cá có treo hình Mao Trạch Đông, đậu ở cảng Tam Á, Hải Nam. Liang rút ra một tấm bản đồ hàng hải, chỉ vào một loạt đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa của Việt Nam. 

Theo nhóm chuyên gia tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia của Anh, việc Bắc Kinh liên tiếp có những hành động quyết đoán nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông và tăng đầu tư cho hải quân, khiến cho ngư dân Trung Quốc cảm thấy có nhiều động lực hơn trong việc đánh bắt xa hẳn bờ biển nước này.

Hơn thế, ngư dân Trung Quốc còn được chính phủ hỗ trợ tích cực về mặt tài chính và kỹ thuật. Theo Xinhua, tính đến cuối năm ngoái, hơn 50.000 tàu cá của Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, giúp kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc mỗi khi có sự cố trên biển. Họ chỉ phải trả 10% giá trị thiết bị, còn lại chính quyền hỗ trợ. Các ngư dân ở đảo Hải Nam nói với Reuters rằng chính phủ khuyến khích họ đi đến các vùng có tranh chấp. Mỗi tàu có động cơ 500 mã lực được trả 320-480 USD mỗi ngày.

Bình luận trên National Interest, tác giả Harry J. Kazianis cho rằng vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không phải là quân sự mà có thể là các tàu cá.

Dean Cheng, một chuyên gia quân sự của Trung Quốc làm việc tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), cho rằng việc Bắc Kinh huy động đội quân tàu cá khiến đối phương bị đặt vào tình thế khó xử. Nếu các nước sử dụng hải quân thì sẽ khiến căng thẳng gia tăng và mất đi sự ủng hộ về chính trị của thế giới, nhưng nếu không làm gì thì chủ quyền sẽ vào tay Bắc Kinh và mất kiểm soát về mặt hành chính trên biển.

"Khía cạnh cơ bản trong chiến lược của Trung Quốc là đưa ra cho đối phương những lựa chọn khó nuốt, theo lý lẽ 'ngửa tôi thắng, sấp anh thua', kiểu gì cũng thắng, buộc đối phương tự rút lui để tránh phải lựa chọn", Cheng nói.

Khánh Lynh

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,230

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn