Từ 5-2-2014: DN được thỏa thuận trước về giá tính thuế

06/01/2014 09:33 AM

Sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm cho phép một số doanh nghiệp lớn hoạt động tại Việt Nam thực hiện phương pháp thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn DN áp dụng APA trong quản lý thuế và có hiệu lực thi hành từ ngày 5-2 tới.

Có 2 hình thức APA

Theo quy định của Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ thực hiện 2 hình thức APA là: APA đơn phương và APA song phương, đa phương. Theo đó, APA đơn phương là APA được đàm phán và ký kết giữa cơ quan Thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA; Còn APA song phương, đa phương là APA được đàm phán và ký kết giữa cơ quan Thuế Việt Nam, người nộp thuế và một hoặc nhiều cơ quan Thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế.

Đối tượng áp dụng APA tại Việt Nam là các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau (bao gồm cả các quốc gia, vùng lãnh thổ); Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, mỗi một cơ sở thường trú sẽ được xem là một doanh nghiệp (người nộp thuế) riêng và hoàn toàn tách biệt khỏi trụ sở chính hay các cơ sở thường trú khác của doanh nghiệp.

Các giao dịch được phép thực hiện APA được Bộ Tài chính quy định cụ thể: Các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh  liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

Người nộp thuế được quyền đề nghị một hoặc nhiều giao dịch liên kết để áp dụng APA. Hoặc người nộp thuế có thể gộp chung nhiều giao dịch liên kết có tính chất phụ thuộc lẫn nhau thành giao dịch tổng thể để phản ánh tính khách quan phù hợp với thực tiễn, thông lệ kinh doanh tương ứng với chức năng, tài sản và rủi ro kinh doanh liên quan đến nghĩa vụ thuế theo kỳ khai thuế phù hợp với quy định của văn bản pháp luật hướng dẫn về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết cho mục đích khai thuế.

Thời hạn APA là 5 năm

Theo quy định, APA tại Việt Nam sẽ có hiệu lực trong thời gian tối đa 5 năm. Thời điểm bắt đầu hiệu lực không trước ngày người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA. Ngoài ra, DN có thể được gia hạn tiếp APA nhưng không quá 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc như: Phạm vi giao dịch liên kết và các bên liên kết không có thay đổi mang tính trọng yếu; Biên độ giá thị trường chuẩn hoặc tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời làm cơ sở phân tích so sánh có sự ổn định trong thời gian được gia hạn...

Cơ quan Thuế có trách nhiệm giám sát việc thực hiện APA của người nộp thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Phạm vi giám sát thực hiện APA bao gồm: Xác định thực tế việc chấp hành các quy định tại APA đã ký (bao gồm cả phương pháp xác định giá thị trường); Kiểm tra việc khai, nộp thuế và điều chỉnh thu nhập chịu thuế theo các quy định tại APA; Kiểm tra, xác định thông tin báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất do người nộp thuế báo cáo phù hợp với thực tế phát sinh. Việc giám sát của cơ quan Thuế không nhằm mục đích đánh giá hoặc thẩm định lại APA.

Ngoài ra, cơ quan Thuế và người nộp thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin, dữ liệu được sử dụng trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ APA (bao gồm tất cả các thủ tục, trình tự đánh giá hồ sơ, thảo luận, đàm phán, ký kết, lưu hành APA) theo các quy định về thông tin thuế. Trường hợp hồ sơ APA bị dừng đàm phán, bị rút đơn, bị huỷ bỏ hoặc bị thu hồi thì các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp tại hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức, cung cấp theo yêu cầu, báo cáo APA thường niên, báo cáo đột xuất sẽ không được cơ quan thuế sử dụng làm chứng cứ hay chứng từ để phục vụ các mục đích kiểm tra, thanh tra hay ấn định thuế của người nộp thuế.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Vụ trưởng- Phó trưởng Ban Cải cách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Quang Tiến kỳ vọng vào hiệu quả của cơ chế  APA; đây sẽ là công cụ hữu hiệu, tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, chống chuyển giá tại các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bởi trong quá trình tham vấn, người nộp thuế phải cung cấp, giải trình đầy đủ các thông tin, dữ liệu và các bằng chứng hỗ trợ để Tổng cục Thuế có cơ sở đưa ra các phản hồi, đánh giá, nhận xét về phương pháp xác định giá thị trường được đề xuất; quyết định về việc chấp thuận hoặc từ chối việc người nộp hồ sơ đề nghị APA chính thức...

Thu Hằng

Theo Hải Quan Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,001

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn