Cơ quan chức năng nói về quy định “nổ súng” bắn đối tượng chống người thi hành công vụ

13/03/2013 08:15 AM

(Chinhphu.vn) – Đề xuất cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng” nếu có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ,… đang được dư luận quan tâm. Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với Đại tá Trương Quang Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách hành chính, Vụ Pháp chế, Bộ Công an xung quanh quy định này.

 


Lâm tặc tấn công bất chấp tính mạng của kiểm lâm

PV: Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Xin ông cho biết lý do Bộ đề xuất quy định về vấn đề này?

Đại tá Trương Quang Hưng: Tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn ra rất phức tạp, có tính chất nguy hiểm, nhiều đối tượng manh động, không chỉ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn cả kỷ cương phép nước.

 

Trong 10 năm qua, cả nước đã xảy ra 8.513 vụ chống người thi hành công vụ. Chỉ tính riêng trong lực lượng Công an, trong 10 năm này đã có 10 chiến sỹ công an phòng, chống ma tuý hy sinh, 40 đồng chí bị thương, 280 đồng chí bị phơi nhiễm và 7 đồng chí bị nhiễm HIV/AIDS do các đối tượng tội phạm chống người thi hành công vụ. Ngoài ra nhiều tài sản, cơ sở vật chất bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng…

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chưa có quy định của pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

 

Năm 2011, Chính phủ đã có Nghị quyết số 88 về tăng cường giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giao Bộ Công an xây dựng một Nghị định về các giải pháp phòng, ngừa hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông.

 

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy việc chống người thi hành công vụ không chỉ diễn ra đối với công an mà trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác như hải quan, thuế vụ, đặc biệt là kiểm lâm và bộ đội biên phòng. Do đó, Bộ Công an đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng quy định đảm bảo an toàn cho người thi hành công vụ nói chung.

Cục Kiểm lâm ủng hộ đề xuất cho phép “nổ súng”

 

Liên quan đến đề xuất cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng” bắn đối tượng chống người thi hành công vụ, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ cũng đã trao đổi với ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng Tuyên truyền Phát triển lực lượng, Cục Kiểm lâm xung quanh quy định này.

 

Theo ông Bạt, thực tiễn công tác bảo vệ rừng cho thấy tình trạng lâm tặc chống đối cán bộ kiểm lâm đang diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Nhiều trường hợp lâm tặc tấn công một cách quyết liệt, bất chấp mạng sống của kiểm lâm.

 

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay đã có 8 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

 

Nguyên nhân của tình trạng lâm tặc manh động và “nhờn luật” có thể do nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý nghiêm khắc; hoặc do tài sản vi phạm giá trị lớn, ví dụ, chỉ một khúc gỗ sưa giá trị đã lên tới bạc tỷ, nên đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ để bảo vệ tài sản phạm pháp và bảo vệ đồng bọn…

 

Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do cơ sở pháp lý về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chưa đầy đủ, tạo điều kiện cho cán bộ chấp pháp thực thi nhiệm vụ.

 

Trong quy định hiện hành, ranh giới giữa trường hợp được phép, không được phép nổ súng chưa được rõ ràng. Dẫn tới, anh em được “giao súng nhưng không dám bắn”.

 

Vì vậy, việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là hết sức cần thiết.

 

Quy định này không chỉ giúp lực lượng chức năng phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ để ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra đối với xã hội mà còn giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của cán bộ tốt hơn. Đồng thời, quy định này còn tạo điều kiện để anh em tự tin thực thi nhiệm vụ.

 

Còn lo lắng về khả năng “lạm quyền” của dư luận nêu, theo ông Bạt không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã có quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.

 

Các cơ quan thực thi đã và sẽ quán triệt, tập huấn kỹ lưỡng cho anh em các kỹ năng nhận định và xử lý tình huống theo đúng quy định của pháp luật.

 

“Nếu người nào vi phạm, người nào lạm quyền, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Bạt nhấn mạnh.

 

Về nguyên tắc, giải quyết vấn đề chống người thi hành công vụ là một quá trình chặt chẽ, với mục đích lấy phòng ngừa là chính. Đồng thời phải thận trọng, chủ động, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ. Đặc biệt là chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, các biện pháp cưỡng chế cần thiết sau khi đã áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục người có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không có hiệu quả,…

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, cũng như căn cứ vào thực tiễn, ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan và quy định của pháp luật hiện hành tại: Bộ luật hình sự năm1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 , Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Pháp lệnh về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2011 và Luật tổ chức Chính phủ,... Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo. Đồng thời công bố công khai lấy ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét ban hành.

 

PV. Hiện nay dư luận rất quan tâm về quy định cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm” nêu trong dự thảo, ông lý giải thế nào về đề xuất này?

Đại tá Trương Quang Hưng: Dự thảo Nghị định này là lần đầu tiên đề cập đến việc bắn trực tiếp vào đối tượng chống người thi hành công vụ hoặc phương tiện.

 

Hiện nay, trước khi nổ súng ngay vào đối tượng thì người thi hành công vụ phải bắn chỉ thiên trước nhưng nhiều khi lại bị đối tượng bắn hoặc tấn công trước nên người thi hành công vụ sẽ không bảo vệ được mình và bảo vệ được người khác.

 

Thực tế đã xảy ra trường hợp tội phạm ma túy xả súng tấn công lực lượng công an, biên phòng; hoặc trường hợp lâm tặc sử dụng vũ khí tấn công bất chấp tính mạng kiểm lâm,… do vậy việc cho phép người thi hành công vụ được nổ súng là cần thiết.

 

Vì những lý do trên, tại Điều 18 của dự thảo, Bộ Công an đề xuất quy định: Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác, hoặc có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ…

 

Đây là quy định cần thiết để người thi hành công vụ phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ đối tượng.

 

Mặt khác, pháp luật Hình sự cũng đã quy định cụ thể trường hợp nào được coi là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” để lực lượng chấp pháp có căn cứ nhận định và hành động, đồng thời cũng làm căn cứ để ngăn ngừa việc lạm dụng quy định.

 

PV. Nổ súng trấn áp tội phạm là cần thiết, tuy nhiên dư luận vẫn lo ngại tình trạng lạm dụng?

Đại tá Trương Quang Hưng: Trong dự thảo Nghị định cũng như các quy định của pháp luật trước đó đều có quy định để ngăn chặn tình trạng lạm quyền.

 

Hơn nữa, dự thảo cũng quy định cụ thể từng bước các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ trước khi người thi hành công vụ nổ súng.

 

Mặt khác, không phải người thi hành công vụ nào cũng được trang bị vũ khí. Đối tượng nào được sử dụng súng đã được quy định trong Pháp lệnh quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Súng có thể là súng bắn đạn thật hoặc súng bắn đạn cao su.

 

Vả lại, từ trước tới nay, các cơ quan chức năng luôn huấn luyện, tập huấn kỹ càng đối với người thi hành công vụ trước khi giao súng theo quy định của pháp luật sẽ nhận biết được các căn cứ thực tế để nổ súng.

 

Bộ Công an trân trọng các ý kiến góp ý của nhân dân. Các ý kiến trực tiếp gửi đến Bộ, hoặc phản ánh trên báo chí sẽ được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu. Để góp phần đảm bảo tính chặt chẽ và khả năng thực thi hiệu quả sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Công an mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân để hoàn thiện dự thảo. Qua đó, góp phần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để lực lượng chức năng giữ gìn nghiêm minh kỷ cương, phép nước, bảo vệ an toàn trật tự xã hội và đời sống bình yên cho nhân dân.

PV. Cảm ơn ông!

 

Thành Chung - Đức Mạnh thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,348

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn