Đấu thầu đất, chặn cơ chế xin cho

05/08/2011 13:28 PM

Việc quản lý đất lãng phí, gây thiệt hại nhiều cho Nhà nước và người dân. Minh bạch hóa các thông tin về đất đai sẽ giúp cho việc giám sát có hiệu quả việc sử dụng đất lãng phí. Chính sách về đất đai phải luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Những vấn đề trên đã được bàn thảo ngày 4/8 giữa đại diện các Bộ TN&MT,KH&ĐT vàTài chính.


Để xác định giá trị đất chính xác, cần minh bạch hóa thị trường bất động sản và giảm chi phí giao dịch. Trong ảnh: Một góc Khu ĐTM Linh Đàm. Ảnh: Mạnh Dũng

Đền bù đất không nhất thiết bằng tiền mặt

Thống nhất quan điểm chính sách đưa ra phải công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và nhà đầu tư, tăng nguồn thu của Nhà nước, đại diện các Bộ tập trung bàn thảo về một số lĩnh vực quan trọng: việc đền bù giải phóng mặt bằng, giá đất, qui hoạch đất, thành lập quĩ đất Nhà nước, qui định thời gian cho thuê đất với doanh nghiệp nước ngoài…

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để xác định giá trị đất đai một cách chính xác, cần minh bạch hóa thị trường đất đai, bất động sản và giảm thiểu các chi phí giao dịch. Cần ban hành khung giá đất ổn định 5 năm/lần, có điều chỉnh khi giá đất trong vùng có biến động lớn. Bởi, việc ban hành khung giá đất hàng năm như hiện nay và có xu hướng tăng lên vô hình tạo thành "đòn bẩy" khiến thị trường đất tăng lên mức giá mới. Hơn nữa, nhiều dự án đầu tư kéo dài 3 - 5 năm, với vài lần thay đổi giá gây ra khó thu hồi đất, bồi thường không thỏa đáng dễ gây khiếu kiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, cách quản lý đất hiện nay lãng phí, gây thiệt hại nhiều cho Nhà nước và người dân. Đất công cộng đền bù theo giá thị trường tạo nên sức ép cho Nhà nước về tài chính, ảnh hưởng lớn tới thi công dự án. Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề xuất phương án đền bù không nhất thiết bằng tiền mặt, bởi theo ông, một số quốc gia khác áp dụng việc đền bù bằng vị trí đất tương đương và một phần tiền hỗ trợ cho người dân là hợp lý. Mặt khác, để tăng nguồn vốn cho Nhà nước, cần thực hiện tốt Thông tư 03/2009/TT-BKH về "Hướng dẫn, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất". Ông cũng đề nghị Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT có Thông tư liên tịch để phối hợp thống nhất hoạt động trong lĩnh vực đất đai.

Sẽ tạo quĩ đất Quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, việc đấu giá đất nông nghiệp tạo khó khăn cho ngân sách Nhà nước. Thứ trưởng đề nghị nên chuyển sang đấu thầu để tháo gỡ khó khăn, hạn chế cơ chế xin cho. Chính sách về đất đai phải luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình, cơ chế đấu thầu là phù hợp. Bên cạnh đó, vấn đề thẩm quyền quản lý đất đai vẫn theo nguyên tắc phân cấp song phải đi đôi với giám sát và có những chế tài qui định. Trung ương nên giành quyền qui hoạch ở những vị trí giá trị. Đã đến lúc phải nghĩ đến việc Nhà nước dự trữ đất sạch, tiến hành thành lập một quĩ đất riêng để tạo nguồn lực cho Nhà nước.

Đại diện các Bộ thống nhất ý tưởng tạo quĩ đất Quốc gia và thành lập doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý quĩ đất này. Thông tư 03/2009/TT-BKH sẽ nâng lên thành Nghị định để tăng cường vai trò quản lý đất đai của Nhà nước, đồng thời đảm bảo lợi ích của Nhà nước trong sử dụng tài nguyên của quốc gia. Lãnh đạo ba bộ cam kết thống nhất chung tay sửa đổi Luật Đất đai 2003 hợp lý, hiệu quả.

Theo kế hoạch, trong tháng 9 và 10/2011, sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003. Tháng 2/2012 hoàn chỉnh dự thảo Luật xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2012.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,606

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn