6.700 cây xanh và Luật Trưng cầu ý dân

26/03/2015 14:47 PM

Vào ngày 8-3 vừa qua, tại Thụy Sỹ, nhiều phụ nữ đã chờ đợi kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý về bãi bỏ thuế trợ cấp đối với trẻ em và tăng thuế năng lượng độc hại. Kết quả, dù chỉ có 42% cử tri đi bỏ phiếu nhưng với câu trả lời “không”, hai đề xuất trên đã bị bãi bỏ ở tất cả 26 bang và tiểu bang của Thụy Sỹ.

Quyết định thay thế 6.700 cây xanh của chính quyền Hà Nội đã bị người dân phản ứng quyết liệt. Ảnh: Kỳ Anh

Thụy Sỹ có khoảng ba cuộc trưng cầu dân ý mỗi năm trên tất cả các lĩnh vực và các cấp. Mỹ, Ý, Canada, Úc, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển... đều có trưng cầu dân ý, với số lượng từ vài cuộc đến gần trăm cuộc mỗi năm. Trưng cầu dân ý là một hoạt động chính trị bình thường trong đời sống của các nước phát triển.

Ở Việt Nam, theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ngay từ Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), tại điều 21 đã có quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Điều 32 qui định: “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý”. Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp 2013 đều tiếp tục quy định về trưng cầu ý kiến nhân dân.

Vào năm 2006, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội từ khóa XI và Hội Luật gia Việt Nam đã soạn thảo dự luật này. Tuy nhiên, thời điểm đó Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm chưa trình Quốc hội xem xét dự luật này. Tám năm sau, tức vào năm ngoái, 2014, dự luật lại được tái khởi động, khi được đưa vào kế hoạch dự kiến trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhưng sau đó lại bị dừng lại cho đến nay.

Do chưa có luật nên trong thực tế, khi có những chính sách nhạy cảm hoặc đụng chạm quyền lợi của đa số người dân thì mỗi cơ quan tổ chức vẫn thực hiện theo cách của mình. Phổ biến nhất là tổ chức hội thảo trong phạm vi các nhà chuyên môn, cởi mở hơn thì phản biện trên báo chí. Tuy nhiên, đó không phải là trưng cầu ý dân (cho đến nay nước ta vẫn chưa có cuộc trưng cầu dân ý nào, nhưng có nhiều chính sách được đưa ra phản biện dưới tên gọi “lấy ý kiến nhân dân”).

Khác biệt ở chỗ kết quả của các cuộc “lấy ý kiến nhân dân” hầu hết chỉ có cơ quan tổ chức mới nắm được, còn đa số người dân không được biết. Xử lý kết quả đó ra sao cũng hoàn toàn tùy thuộc ý thức cầu thị của từng cơ quan tổ chức, trong khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý phải được xem là “mệnh lệnh” tối cao của người dân đối với chính quyền, như cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sỹ nói trên. Khi nhân dân đã biểu quyết đa số rồi thì không có cơ quan nào có quyền phủ quyết ý kiến đó nữa.

Vào năm 2006, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã có trong chương trình xây dựng luật, nhưng sau đó đã bị dừng lại, rồi được tái khởi động vào năm 2014 nhưng rồi lại tiếp tục bị dừng.

Không phải cuộc trưng cầu dân ý nào cũng thể hiện chính xác ý muốn của đa số nhân dân. Các ý kiến ngần ngại trưng cầu dân ý cho rằng có nhiều công dân không đủ khả năng quyết định những vấn đề phức tạp, lại bị ảnh hưởng bởi những cuộc vận động của các nhóm lợi ích, do vậy kết quả chọn lựa của họ nhiều khả năng không phải là chọn lựa sáng suốt...

Dù vậy, trưng cầu dân ý chính là một trong những cách tốt nhất để chính quyền thương lượng với đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chính sách và qua đó đạt được sự đồng thuận cao nhất khi thực hiện chính sách, hoặc ở góc nhìn ít lạc quan hơn thì là để người dân tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Ví dụ trong việc thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, nếu minh bạch về tần suất thay thế, chất lượng các cây xanh được khảo sát, hiệu quả và hậu quả của việc thay thế hay giữ nguyên số cây, nguồn kinh phí và sử dụng kinh phí..., điều dễ thấy nhất là phản ứng của đa số người dân chắc chắn không gay gắt như đang diễn ra.

Như vậy, “hỏi dân” ở đây phải hiểu là cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân để họ có thể tham gia tích cực vào quy trình ra quyết định có ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, của cộng đồng.

Trưng cầu dân ý còn là một biện pháp để người dân thực hiện việc giám sát, chế ngự quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa sự chuyên chế, lạm quyền. Ở ví dụ 6.700 cây xanh Hà Nội, đó chính là câu hỏi về số tiền hơn 60 tỉ và cả số gỗ khi chặt cây sẽ được sử dụng như thế nào. Điều kiện tiên quyết cho sự giám sát ở đây chính là sự minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin về chính nhà nước, hay còn gọi là cai trị minh bạch.

Đó là vì Nhà nước chỉ là tổ chức do nhân dân lập ra và trao quyền để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực quản lý xã hội. Các cơ quan này phải chịu sự giám sát của nhân dân và chỉ được thực hiện quyền lực trong giới hạn cho phép.

Tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu hoàn thiện hồ sơ liên quan của dự án Luật Trưng cầu ý dân, bổ sung ý kiến của các cơ quan liên quan. Sau khi hoàn thiện các thủ tục này Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quyết định có trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự luật tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2015 hay không.

Hoàng Xuân

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,756

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn