Không nên cho dâu, rể quyền thừa kế

12/11/2014 08:06 AM

Trong buổi góp ý dự án sửa đổi BLDS 2005 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 11-11, hai vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu là quyền thừa kế di sản và chủ thể có quyền giám hộ…

Tháng 10-2014, ban soạn thảo dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã đưa ra đề xuất là con dâu, con rể nếu có công chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng thì sẽ được công nhận quyền thừa kế. Từ đó đã có những ý kiến cho rằng nên sửa đổi BLDS 2005 theo hướng đưa dâu, rể vào hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của cha mẹ vợ, cha mẹ chồng theo pháp luật.

Dâu, rể có hiếu nên làm di chúc chia tài sản

Đây là đề xuất có tính nhân văn, như chia sẻ của luật sư Lê Thị Ngân Giang (nguyên Phó ban Chính sách luật pháp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Luật sư Giang kể có người phụ nữ nuôi dưỡng cha mẹ chồng hơn 30 năm, đến khi cha mẹ chồng chết bà cũng trắng tay vì không thuộc hàng thừa kế. Chính quyền địa phương dù biết rằng bà đã hết lòng vì nhà chồng nhưng họ cũng không thể làm gì được bởi luật không quy định quyền thừa kế của con dâu.

Tuy nhiên, theo hầu hết đại biểu, vẫn nên giữ nguyên quy định hiện hành là không quy định quyền thừa kế đối với dâu, rể.

Khai nhận di sản thừa kế tại Phòng Công chứng số 1 (TP.HCM). Ảnh: HTD

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) phân tích có ba lý do để không đưa dâu, rể vào hàng thừa kế: Thứ nhất, hiện tình trạng tranh chấp thừa kế giữa những người cùng hàng thừa kế với nhau đã vô cùng phức tạp. Ngay cả anh chị em ruột một nhà mà còn từ mặt nhau, thậm chí đánh nhau gây thương tích, án mạng chỉ vì di sản, huống hồ gì là dâu, rể. Thứ hai, lấy căn cứ nào để chứng minh dâu, rể đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của con cái với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ như cha mẹ ruột. Có thể với người này việc thăm hỏi, chu cấp tiền nong được xem là yêu thương, quý trọng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhưng với người khác thì họ còn đòi hỏi khắt khe hơn là phải “thể hiện tình cảm chân thành” bằng việc trực tiếp chăm sóc, lo cơm nước... Thế nên để chứng minh dâu, rể đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của con cái với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ là rất khó. Thứ ba, con cái trong gia đình đã được hưởng một phần di sản cha mẹ để lại nên nếu cho vợ, chồng họ được hưởng tiếp một phần nữa sẽ không công bằng cho những người chưa có vợ, chồng.

Ông Đặng Minh Sự (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cũng cho biết hơn 12 năm làm hội thẩm nhân dân, ông đã chứng kiến nhiều phụ nữ làm dâu nhà chồng hay đàn ông ở rể nhà vợ nhiều năm vẫn không được hưởng thừa kế. Theo ông Sự, như vậy là thiệt thòi cho họ nhưng nếu cho họ hưởng thừa kế thì sẽ phát sinh hệ lụy không nhỏ. Xét cho cùng dâu, rể cũng chỉ là người kết hôn với con của người để lại di sản chứ không có quan hệ ruột rà gì.

Vậy phải làm sao để dâu hiền, rể thảo đỡ thiệt thòi? Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hợp lý nhất vẫn là nếu xét thấy dâu, rể có hiếu thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng nên làm di chúc cho họ hưởng tài sản nếu muốn.

Thỏa thuận về người giám hộ

Một điểm mới trong dự thảo BLDS sửa đổi là quy định cử người giám hộ thông qua thỏa thuận giữa những người thân thích (có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời) của người cần được giám hộ. Nếu không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người cần được giám hộ.

“Quy định này phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của người cần được giám hộ hơn so với quy định hiện hành” - luật sư Nguyễn Thị Dợn (Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận 6, TP.HCM) nhận xét. Theo luật sư Dợn, hiện nay vợ chồng là giám hộ đương nhiên cho nhau trong trường hợp người bạn đời mất năng lực hành vi dân sự (khoản 1 Điều 62 BLDS). Tuy nhiên, nếu vợ hoặc chồng muốn ly hôn, chia tài sản thì phải làm sao khi quyền lợi của họ đối lập nhau. Như vậy, quy định như dự thảo đã mở ra một hướng mới là cho người thân thích của người cần được giám hộ cơ hội để thương lượng mọi việc cho ổn thỏa, đảm bảo lợi ích cho người cần được giám hộ.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Hải (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp) dẫn chứng thực tế: Có vụ tranh chấp quyền giám hộ giữa mẹ ruột và chồng của đương sự bị mất năng lực hành vi dân sự ở quận 3 (TP.HCM). Người mẹ nói con gái bà không được chồng yêu thương, chăm sóc nên muốn làm người giám hộ cho con nhưng chiếu theo quy định hiện hành thì không được (chồng mới là người giám hộ đương nhiên). Nếu đúng như người mẹ trình bày thì quyền lợi hợp pháp của người vợ không được bảo đảm, chưa kể dính dáng đến chuyện chia tài sản thì còn rắc rối hơn nữa...

Tăng thời hạn chia di sản lên 30 năm?

Dự thảo BLDS sửa đổi quy định thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, hoặc thuộc về người khác chiếm hữu, hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai theo thời hiệu chung về bất động sản hoặc động sản. Nếu không có những người nói trên thì di sản thuộc về Nhà nước.

Điều này giúp phân định rạch ròi về hai loại di sản để người dân thực hiện quyền của mình, tránh tranh chấp kéo dài và Nhà nước cũng dễ quản lý cũng như đảm bảo được quyền lợi cho những người ngay tình.

Ông NGUYỄN HỒNG HẢI, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp)

Nguyễn Quỳnh

Theo Plo.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,985

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn