Sửa luật thông thoáng cho doanh nghiệp

10/09/2016 08:15 AM

Sau 1 năm triển khai Luật Doanh nghiệp Luật Đầu tư sửa đổi đã có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh không còn hiệu lực. Đây là những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc khi triển khai 2 luật này. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư qua quá trình rà soát, lấy ý kiến doanh nghiệp cho thấy một số điểm chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là danh mục 267 ngành, nghề có điều kiện kinh doanh thì trên thực tế một số ngành, nghề không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh theo đúng yêu cầu của Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài ra, còn có sự chồng chéo khá rõ nét giữa các quy định. Chẳng hạn, Nghị định 23 của Chính phủ do Bộ Công thương chắp bút có quy định đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hay nộp hồ sơ để được chấp thuận, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ phải xin ý kiến Bộ Công thương trước khi cấp phép cho doanh nghiệp FDI hoạt động mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị quyết 59 của Chính phủ lại quy định, không còn yêu cầu doanh nghiệp FDI phải xin ý kiến khi hoạt động mua bán hàng hóa. Hiện tại Nghị định 23 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực, nên đây là những sự chồng chéo so với Luật Đầu tư cần phải loại bỏ.

Về phía doanh nghiệp, cũng có ý kiến cho rằng, với một nền kinh tế mở còn non trẻ, việc đặt ra điều kiện kinh doanh là cần thiết, giúp nền kinh tế đi lên một cách bền vững, hạn chế những rủi ro, nhất là về an ninh kinh tế. Tuy nhiên, việc có quá nhiều điều kiện kinh doanh được quy định trong một “rừng” văn bản lại là rào cản lớn trong việc thu hút đầu tư. Và theo đó, thời gian gần đây không ít doanh nghiệp cảm thấy “nản lòng”, khi bộ, ngành nào cũng đặt ra những điều kiện, bởi khi đó doanh nghiệp khó dám “liều” để tham gia đầu tư, kinh doanh.

Chưa kể đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn nhiều bất cập, nhiều quy định đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó không ít ý kiến cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch, chồng chéo sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Một doanh nghiệp trẻ cho biết, hiện nay nhiều doanh nhân trẻ đang bước chân vào khởi nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản về đầu tư, kinh doanh là động thái cần thiết, quan trọng. Môi trường đầu tư thông thoáng mới bắt kịp thời đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trẻ, đầu tư kinh doanh.

Sau khá nhiều phản ứng của dư luận, đặc biệt là tiếng nói đóng góp của doanh nghiệp, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để lấy ý kiến rộng rãi với các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Được biết, tại Dự thảo, cơ quan này đề xuất bỏ 67 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014. Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự kiến bổ sung 14 ngành nghề cần điều kiện kinh doanh.

Như vậy, nếu được chấp thuận, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giảm từ 267 xuống còn 214 ngành nghề, bớt được 53 ngành nghề. Một số ngành được “xóa” khỏi danh mục là kinh doanh than, dịch vụ mua bán nợ, đại lý bảo hiểm, bảo hành bảo dưỡng xe ô tô, sát hạch lái xe, truyền hình theo yêu cầu, dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, sản xuất vàng miếng, hoạt động in - đúc tiền...

Trong khi đó, danh mục các ngành nghề được đề xuất bổ sung phải có điều kiện gồm tư vấn du học, dự báo khí tượng thủy văn, kiểm toán năng lượng, kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim, kinh doanh đóng mới và cải hoán tàu cá...

Hằng Châu

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,750

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn