Chế độ đối với trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động

29/10/2015 15:12 PM

Bà Trần Thị Hoa (khongthem4980@...) hỏi: Hiện nay, chế độ đối với người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được pháp luật quy định thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Hoa như sau:

Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thì tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở được coi là tai nạn lao động.

Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2/2/2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định: Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Trợ cấp do người sử dụng lao động chi trả

Theo điểm b, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH, tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn), làm người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết  thì được trợ cấp. Mức trợ cấp như sau:

- Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;

- Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tính theo công thức dưới đây:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

- Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Chế độ tai nạn lao động do BHXH chi trả

Hiện nay, theo quy định tại điểm c, khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2015), người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý và người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn đó gây ra.

Mức trợ cấp một lần được quy định tại khoản 2, Điều 42 Luật này như sau:

- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung (nay gọi là tiền lương cơ sở), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.

- Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Theo Điều 43 Luật BHXH năm 2006, trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng như sau:

- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung.

- Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,454

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn