Nghị định "nới room" nhằm mục đích gì?

02/07/2015 16:09 PM

Chuyên gia nhận định Nghị định 60 giải quyết được 2 vấn đề quan trọng cần lưu ý khi "nới room" cho nhà đầu tư nước ngoài...

Theo một số chuyên gia, lãnh đạo quỹ đầu tư, thị trường Việt Nam trước đây luôn bị đánh giá có thanh khoản thấp hơn so với khu vực từ 25-35%. Một trong những rào cản chính là nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tham gia các công ty niêm yết. Do đó, việc Chính phủ quyết định nâng trần sở hữu cho khối ngoại từ ngày 1/9 tới là tín hiệu rất tốt, một bước tiến hướng tới thông lệ quốc tế với môi trường đầu tư thân thiện hơn.

Nới không có nghĩa là thả lỏng

Phân tích về Nghị định 60, điểm mới đáng chú ý nhất là Điều 2a về tỷ lệ chủ sở hữu trên thị trường chứng khoán. Đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh không có điều kiện áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng được nâng lên thành 100%, thay vì 49% như hiện tại.

Theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc nới room  (tỷ lệ sở hữu)  cho vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60 là có chọn lọc.  Đối với các công ty chứng khoán, trung gian trong lĩnh vực chứng khoán như công ty quản lý quỹ, theo quy định của Luật Chứng khoán tỷ lệ này là 100%. Còn các ngân hàng thì room vẫn giữ nguyên mức tối đa là 30% như quy định cũ.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp mới đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ là có một lộ trình rõ ràng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào ngân hàng ở mức 51% hoặc hơn. Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho rằng, mức 30% là phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể. Như vậy, Nghị định mới vẫn kiên định việc nới room ngân hàng theo lộ trình tương đối thận trọng.

Ông Trần Phương cho rằng Nghị định 60 giải quyết được 2 vấn đề quan trọng là mở room cho các ngành nghề bình thường, đồng thời, vẫn duy trì hàng rào bảo vệ chống thâu tóm với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì quy định mới tiếp tục duy trì sự kiểm soát nhất định đối với các công ty kinh doanh có điều kiện bằng việc quy định tại Luật Đầu tư và luật chuyên ngành. Ngoài ra còn kiểm soát “mềm” bằng quy định tại Điều lệ Công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Quy định cũng trao quyền cho Đại hội đồng cổ đông các công ty (kinh doanh bình thường) tự do quyết định vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (trong một số trường hợp cổ đông Nhà nước chiếm đa số cổ phiếu).

Riêng đối với các công ty chứng khoán, công ty trung gian trong lĩnh vực chứng khoán như công ty quản lý quỹ, mức nới room khá mạnh (lên tới 100%). Tuy nhiên, để tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần để sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như: Phải hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về thời gian hoạt động, vốn, kinh doanh có lãi trong 2 năm và không lỗ lũy kế…

Như vậy,  theo ông Phương, dù nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng các điều kiện đi kèm khá chặt chẽ, đặc biệt có cả quy định là nhà đầu tư đó phải chịu sự giám sát liên tục của cơ quan chuyên môn tại nước ngoài và cơ quan đó phải có thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Nghị định 60 là bước tiến lớn, chuyển từ việc áp đặt hành chính tới gần hơn với thông lệ quốc tế, ông Trần Phương khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong lĩnh vực chứng khoán, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được cơ quan quản lý điều hành theo lộ trình thận trọng. Thực tế, việc nới room đã và đang được thực hiện theo lộ trình từ trước đến nay. Khi Nghị định 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới đây, có một số ngành không cần chờ Thông tư hướng dẫn để biết tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm kênh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN

Một điểm đáng chú ý là Khoản 1 Điều 1 Nghị định 60 quy định “chào bán cổ phiếu để hoán đổi là việc chào bán, phát hành thêm cổ phiếu và dùng cổ phiếu đố để đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp hoặc khoản nợ của tổ chức phát hành với chủ nợ”.

Theo ông Trần Phương, quy định này tạo điều kiện để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và có thể trở thành một kênh để các doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng xử lý một số khoản nợ khó đòi hiệu quả hơn, bằng việc chuyển nợ thành vốn góp. Thông qua cơ chế này, có thể phát triển nghiệp vụ ngân hàng đầu tư bằng cách mua bán nợ. Thực hiện theo trình tự, chuyển nợ thành vốn góp, hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, tài chính, hoạt động cho tình hình doanh nghiệp tốt lên, sau đó chuyển nhượng phần vốn góp trên thị trường để thu hồi nợ.

Về một số ý kiến băn khoăn trước tình trạng sở hữu chéo và đầu tư ngoài ngành có khả năng gia tăng vì quy định này, ông Trần Phương khẳng định điều này không đáng lo ngại. Thực tế, NHNN đã có Thông tư 13 quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Trong đó có quy định rõ, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong cùng một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó. Hơn nữa, theo ông Phương, nếu TCTD quyết định chuyển khoản nợ của DN thành vốn góp công ty thì bắt buộc phải có quá trình đánh giá thẩm định trên cơ sở tài chính thực tế của DN. Để thật sự chuyển nợ thành vốn góp, NHTM phải soi chiếu vào các quy định xem lĩnh vực đó ngân hàng có được phép đầu tư không.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 60 về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập đã bãi bỏ điều kiện phải có thời hạn hoạt động 1 năm trở lên kể từ thời điểm hợp nhất, sáp nhập (quy định của Nghị định 58 cũ). Như vậy, quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hình thành sau sáp nhập hoạt động lành mạnh hay các doanh nghiệp được hình thành theo Đề án tái cơ cấu của Chính phủ phê duyệt được thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng ngay mà không phải đợi hết 1 năm. Quy định này giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp của Chính phủ.

Theo các chuyên gia, khi hạn chế về room được tháo gỡ, dự kiến nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia thị trường tích cực hơn trước, cải thiện tính thanh khoản thị trường. Khi thị trường Việt Nam được đánh giá cao hơn, thanh khoản cải thiện hơn, thị trường sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân niêm yết. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đại diện một số quỹ đầu tư cũng tỏ ra lạc quan về khả năng thu hút dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện thị trường còn đang chờ đợi các văn bản chính thức hướng dẫn chi tiết việc nới room , các văn bản này phải hết sức chi tiết, hợp lý thì chủ trương mới đi được vào cuộc sống. Mà cụ thể là trước ngày 1/9, cần có một danh mục rõ ràng, cụ thể cho nhà đầu tư được biết những lĩnh vực nào có thể sở hữu 100%, lĩnh vực nào tiếp tục bị hạn chế.

Huy Thắng

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,833

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn