Tôi muốn biết chứng khoán nợ là gì? Chứng khoán vốn là gì? Cổ phiếu và trái phiếu là chứng khoán nợ hay chứng khoán vốn? Rất mong được giải đáp cụ thể! – Quốc Hoàng (Đồng Tháp).
>> Năm 2024, có được phép đặt trụ sở công ty tại nhà chung cư?
>> Rửa tiền là gì? Doanh nghiệp có chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền không?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ.
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký.
- Chứng khoán phái sinh.
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, trong luật chưa có quy định cụ thể về chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, nhưng ta có thể hiểu như sau:
Chứng khoán nợ là loại chứng khoán xác nhận mối quan hệ chủ nợ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành chứng khoán. Nói cách khác, nhà đầu tư đang sở hữu chứng khoán nợ chính là đang cho doanh nghiệp phát hành chứng khoán vay tiền.
Chứng khoán vốn là loại chứng khoán để xác nhận việc nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sở hữu một phần thu nhập và tài sản của doanh nghiệp đó.
File word Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Giải đáp thắc mắc chứng khoán nợ và chứng khoán vốn là gì (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Có thể hiểu cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận việc nhà đầu tư đã góp vốn vào doanh nghiệp. Vậy cổ phiếu chính là chứng khoán vốn.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Trái phiếu thường được xem là hình thức phổ biến nhất của chứng khoán nợ.
Như vậy, cổ phiếu là chứng khoán vốn còn trái phiếu chính là chứng khoán nợ.
Một số biện pháp bảo đảm an ninh và an toàn thị trường chứng khoán được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 như sau:
(i) Biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán bao gồm:
- Giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
- Ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán.
- Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
- Tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con.
- Tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(ii) Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán quy định tại khoản (i) Điều 7 Luật Chứng khoán 2019.