Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 5393/VPCP-CCHC Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Vũ Đình Thuần
Ngày ban hành: 27/09/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5393/VPCP-CCHC
V/v tác động của cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2002

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Sau khi xem xét Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về tác động của cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương (Tờ trình số 33/BCĐCCHC ngày 24 tháng 7 năm 2002), Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

Văn phòng Chính phủ gửi Báo cáo này đến quý cơ quan để tham khảo, phục vụ cho việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính ở các Bộ, ngành, các địa phương./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VPCP
PHÓ CHỦ NHIỆM




Vũ Đình Thuần

 

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

BÁO CÁO TÁC ĐỘNG CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Bình Dương là một tỉnh được tách ra từ tỉnh Sông Bé từ ngày 01 tháng 01 năm 1997. Từ đó đến nay, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao nhất, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng và  mở rộng các khu công nghiệp.

Có nhiều yếu tố tác động đến quá trình phát triển và đi lên đó của tỉnh Bình Dương, trong đó có những tác động của công cuộc cải cách hành chính được triển khai liên tục trong các cấp, các ngành.

Để làm rõ mối quan hệ và tác động của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, từ đó có nhận xét để rút kinh nghiệm góp cho sự chỉ đạo và để các địa phương khác tham khảo, ngày 09 tháng 4 năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phối hợp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã thành lập một Tổ nghiên cứu do GS. Đỗ Quốc Sam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư, Uỷ viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đứng đầu. Tổ nghiên cứu đã tiến hành trong thời gian đầu tháng 6/2002 nhiều buổi làm việc trực tiếp với một số đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, thảo luận với một số sở, ban, ngành huyện, thị, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty của tỉnh Bình Dương để nghiên cứu các nội dung có liên quan đến vấn đề trên. Trong đợt làm việc này, Tổ nghiên cứu cũng đã ghé qua tìm hiểu tình hình của các tỉnh Đồng Nai và Long An để có sự so sánh với Bình Dương. Báo cáo này cũng sử dụng các tài liệu nghiên cứu đã có trước đây. Sau khi dự thảo, báo cáo đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và một số sở, ban, ngành của tỉnh tham gia ý kiến vào đầu tháng 7 năm 2002. Ngày 12 tháng 7 năm 2002, đồng chí Nguyễn Khánh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và một số đồng chí trong Ban thư ký và cộng tác viên của Ban Chỉ đạo đã nghe và góp ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo.

Báo cáo này không nhằm mục đích tổng kết toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tổng kết công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương mà chỉ giới hạn ở việc phân tích, đánh giá sự tác động của cải cách hành chính, tác động của sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của hệ thống đảng và chính quyền các cấp của tỉnh đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương thời kỳ 1997- 2001. Báo cáo cũng chỉ nói về những mặt đã làm được, rút ra một số nhận xét; không đề cập đến những mặt hạn chế mà chỉ gợi ý một số vấn đề cần quan tâm, chú ý sắp tới.

Báo cáo gồm các phần chính:

I. Bối cảnh và tình hình phát triển của Bình Dương.

II. Thực hiện cải cách hành chính.

III. Tác động cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội.

IV. Một số nhận xét.

I- BỐI CẢNH VÀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BÌNH DƯƠNG

Trước năm 1990, Sông Bé là một trong những tỉnh nghèo của cả nước và Bình Dương vẫn là một khu vực kém phát triển so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Trong thời kỳ 1991-1996, tỉnh Sông Bé đã bước đầu đổi mới và có sự phát triển. Sau ngày tái lập tỉnh, Bình Dương kế thừa được bước mở đầu đó, thực sự bắt tay xây dựng và phát triển với vị trí là một đơn vị hành chính độc lập của tỉnh. Từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

1- Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, nhân lực

- Bình Dương có diện tích tự nhiên 2695,5 km2, dân số trung bình năm 2001 khoảng 770 ngàn người, chiếm 0,81% diện tích và gần 1% dân số cả nước, mật độ 286 người/km2. Có 7 đơn vị hành chính: 1 thị xã và 6 huyện. Thị xã Thủ Dầu Một là tỉnh lỵ.

- Nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, trên mạng giao thông quan trọng liên vùng và quốc tế (đường bộ, cảng biển và sân bay); có nguồn tài nguyên đáng kể (đất vớ nền địa chất tốt, có nhiều vùng đất trống, tương đối bằng phẳng có quy mô lớn, phân bố tập trung gần các trục giao thông, có giá thuê đất(*) và lao động thấp, gần nguồn nước, năng lượng, khoáng sản, nông lâm sản, rất thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp); liền kề với thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm lớn về kinh tế - khoa học kỹ thuật và văn hóa của cả nước, có nhiều lợi thế về phát triển và sử dụng kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...

- Nhân dân trong tỉnh có truyền thống cách mạng, cần cù, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhạy bén với sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường.

2- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

- Trong 5 năm 1996 - 2001, tổng GDF tăng 1,93 lần, GDP/người tăng 1,66 lần (năm 2001 đạt 9,065 triệu đồng/người, gấp khoảng 1,5 lần cả nước); kim ngạch xuất khẩu tăng 3,4 lần; GDP ngành công nghiệp và xây dựng tăng 2,6 lần; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,2 lần; ngành dịch vụ tăng 1,6 lần. Đã có một số mô hình làm ăn giỏi, nhất là phát triển công nghiệp khu vực dân doanh, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

- Nhịp độ tăng trưởng GDP thời kỳ 1997 - 2001 đạt 14,2%/năm (cả nước 6,5%), trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 21%/năm, nông lâm nghiệp tăng 3,7%/năm, dịch vụ tăng 10%/năm. 6 tháng đầu năm 2002 nhịp độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì, đặc biệt là công nghiệp tăng 29,9% về giá trị sản xuất so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 33,1%; thu hút đầu tư nước ngoài tăng 34% về vốn là 10% về số dự án.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, giảm mạnh tỉ trọng nông lâm nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng từ 45,5% năm 1996 lên 59,3% năm 2001; nông lâm nghiệp giảm từ 26,2% xuống còn 15,2%; dịch vụ giảm từ 28,3% xuống 25,5%.

 

(*) Trong thời gian đầu phát triển, giá thuê đất xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của Bình Dương chỉ bằng khoảng 30% so với thành phố Hồ Chí Minh, 80% so với Đồng Nai và 50% so với Long An. Đây là một lợi thế so sánh trong đầu tư mà các nơi khác ít có.

 

Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ 1997 - 2001
tỉnh Bình Dương

 

Chỉ tiêu

Thực hiện
1997 - 2001

Quy hoạch tổng thể đến 2010

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm

14,2

10,5

Công nghiệp - xây dựng

21,0

13,71

Nông lâm ngư nghiệp

3,7

3,21

Dịch vụ

10,0

10,51

Cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2001

100,0

100,0

Công nghiệp

59,3

53,9

Nông nghiệp

15,2

19,2

Dịch vụ

25,5

26,9

Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Niêm giám thống kê năm 2001 - Cục Thống kê Bình Dương.

 

Riêng xét về quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo thành phần kinh tế từ năm 1996 đến năm 2001 như sau:

 

1996

2001

Tổng số

100,0

1000,0

Trong đó:

 

 

1- Khu vực nhà nước

31,7

10,7

2- Khu vực ngoài nhà nước

37,4

33,4

3- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

30,9

55,9

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2001 - Cục Thống kê Bình Dương.

 

Về mặt tăng trưởng tính theo giá trị sản xuất thời kỳ 1997-2001, công nghiệp khu vực nhà nước có mức tăng bình quân 8%/năm, trong khi đó khu vực công nghiệp ngoài nhà nước tăng 29,7%/năm, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 45,9%/năm. Khu vực công nghiệp ngoài nhà nước tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (từ 2.759 lên 3.214). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất mạnh cả về số doanh nghiệp (từ 50 lên 306), quy mô sản xuất và vốn đầu tư.

- Năm 2001 dân số đô thị là 230 ngàn người, chiếm 30% (tỷ lệ này của cả nước là 24,7%). Tốc độ tăng dân số đô thị trong thời kỳ 1997 - 2001 khoảng 12% năm (cả nước là 4,8%).

- Tỷ lệ hộ đói nghèo từ 8,7% năm 1996 (theo chuẩn cũ) giảm còn khoảng 3,46% năm 2001 và 3,05% đến tháng 6/2002 (theo chuẩn mới của tỉnh: 150.000 đồng/tháng ở nông thôn 180.000 đồng/tháng ở đô thị).

- Lao động thất nghiệp khoảng 2,71% năm 2001.

- Thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước tăng nhanh (xem số liệu ở phần dưới).

- Thu ngân sách tăng nhanh, từ 816,9 tỷ đồng (chiếm 20,8 GDP) năm 1997 tăng lên 1.628 tỷ đồng (chiếm 23,3% GDP) năm 2001. Từ chỗ là một địa phương phải dựa vào trợ cấp của ngân sách Trung ương, đến nay, Bình Dương đã là mọt trong năm địa phương có tổng nguồn thu lớn, hỗ trợ một phần cho ngân sách Trung ương.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 3,4 lần, từ 206,5 triệu USD năm 1996 lên 703,8 triệu USD năm 2001. Nhịp độ tăng xuất khẩu thời kỳ 1997 - 2001 là 27,8%/năm.

- Hệ thống đường giao thông huyết mạch trong tỉnh đã được đầu tư nâng cấp và cải tạo tất cả tuyến quốc lộ như 13, 1A, 1K và 7 tuyến tỉnh lộ. Mạng lưới đường huyện lộ và giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể. Đến năm 2001 toàn tỉnh đã có 69 km đường quốc lộ, 286 km đường tỉnh lộ, 788 km đường huyện lộ và 1358 km đường giao thông nông thôn. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

- Kết cấu hạ tầng đô thị được nâng cấp: hệ thống đường nội thị, hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước đô thị, công viên, cây xanh, vỉa hè... được đầu tư nâng cấp và cải thiện rõ rệt. Tổng lượng điện sử dụng toàn tỉnh tăng từ 218,6 triệu KWh năm 1996 lên khoảng 656,4 triệu KWh năm 2001. Tổng năng lực cấp nước đô thị đã tăng từ 21.000 m3/ngày đêm năm 1996 lên 25.000 m3/ngày đêm năm 2001. Tỷ lệ số hộ dùng nước sạch trên toàn tỉnh đạt 72%. Chùm đô thị Thủ Dầu Một cùng với các thị trấn khác đang giữ vai trò đầu mối lan tỏa kinh tế đô thị tới các vùng xung quanh.

- Hệ thống thủy lợi đã được đầu tư tương đối nhiều, tính đến năm 2001 trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 25 nghìn ha. Các công trình thuỷ lợi lớn là hồ Đá Bàng (500 ha), hồ Cần Nôn (350 ha), hồ Suối Giai (700 ha), đập Suối Dầu (250 ha), trạm bơm huyện Tân Uyên (công suất tưới 720 ha), hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn của thị xã Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát (tưới tiêu, ngăn mặn 2.190 ha), hệ thống kênh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An, thuỷ lợi Phước Hoà.

- Điện khí hóa nông thôn phát triển mạnh, trong thời kỳ 1997 - 2001 đã hoàn thành các đường dây 66 KV tuyến Thủ Đức - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, lưới điện quốc gia 500 KV, tuyến 220 KV Trị An - Hóc Môn và phát triển mạng lưới điện hạ thế về các huyện xã. Đến nay đã có 100% số xã và 91% số hộ dân được dùng điện.

- Xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo và y tế có bước tiến đáng kể: 100% số xã, phường có  trường tiểu học, 56% số xã, phường đã có trường cấp trung học cơ sở, các huyện đều đã có trường trung học phổ thông; xây dựng 1 trường công nhân kỹ thuật tại khu Việt Nam Việt Nam - Singapore với thiết bị và phương tiện đào tạo hiện đại. Toàn tỉnh có 7 bệnh viện đa khoa, 3 phòng khám khu vực và 79 trạm y tế xã (10)% số xã có cơ sở y tế).

3- Đánh giá tác động của các yếu tố vốn, lao động và khoa học công nghệ đối với tăng trường kinh tế.

a)- Đối với Bình Dương để có tăng trưởng kinh tế cao, vốn đầu tư có vai trò quan trọng nhất. Trong 5 năm 1997 - 2001 ước tính huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 24 ngàn tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 6,6%; vốn tín dụng 5,4%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước 10,7%; vốn của dân và tư nhân khoảng 5,0%; vốn đầu tư nước ngoài 71% và vốn khác khoảng 1,3%. Vốn đầu tư nước ngoài là nguồn vốn rất quan trọng, góp phần khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong tỉnh, tạo ra thế lực mới cho phát triển kinh tế.

Tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 1997-2001

 

Chia theo các nguồn đầu tư

Tổng đầu tư (tỷ đồng)

Cơ cấu theo nguồn (%)

 

Tổng số

24.000

100,0

1

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

1.584

6,6

2

Vốn tín dụng

1.296

5,4

3

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp

2.568

10,7

4

Vốn của dân và tư nhân

1.200

5,0

5

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

17.040

71,0

6

Vốn khác

312

1,3

b)- Thu hút lực lượng lớn lao động vào làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Trong 5 năm 1997 - 2001 đã thu hút thêm 94 ngàn lao động, bình quân mỗi năm thu hút gần 2 vạn lao động, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp 91 ngàn, khu vực dịch vụ khoảng 4 ngàn, khu vực nông lâm nghiệp giảm 22 ngàn chuyển sang các ngành kinh tế khác.

- Lao động ngành công nghiệp - xây dựng năm 2001 là 178,4 ngàn người, chiếm 42,58% tổng số lao động trong nền kinh tế quốc dân. Năng suất lao động công nghiệp và xây dựng đạt 23,2 triệu đồng, gấp 1,4 lần so với năng suất bình quân chung toàn tỉnh. Khả năng thu hút lao động vào làm việc trong khu vực công nghiệp vẫn còn lớn, để giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phân công lao động xã hội theo hướng CNH, HĐH.

- Lao động trong các ngành dịch vụ là 80 nghìn người. Năng suất lao động đạt khoảng 22,2 triệu đồng, gấp 1,3 lần so với mức bình quân chung toàn tỉnh. Đây là khu vực có tiềm năng lớn trong việc tạo việc làm cho người lao động.

- Lao động ngành nông - lâm nghiệp năm 2001 có 160,5 ngàn người, chiếm khoảng 38,3%. Năng suất lao động nông nghiệp thấp (6,6 triệu đồng/người bằng 40% so với năng suất bình quân chung toàn tỉnh), thu nhập của phần lớn các hộ ở khu vực nông nghiệp nông thôn còn thấp. Lao động khu vực này đang có xu hướng chuyển dần sang công nghiệp và dịch vụ.

c)- Khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Do được tăng cường đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, năng lực sản xuất tăng nhanh với những thiết bị mới, có kỹ thuật và công nghệ tiến bộ, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Các yếu tố nêu trên gắn liền với yếu tố quản lý sẽ được phân tích ở phần sau.

Trong sự phát triển của Bình Dương nổi lên có 3 yếu tố thuận lợi. Một là vị trí địa lý. So với các tỉnh xa trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc ở ngay bên cạnh như Long An, Tây Ninh, Bình Thuận thì Bình Dương vẫn có nhiều thuận lợi hơn như đã nêu ở trên. Tuy  vậy, dù có thuận lợi như vậy mà không nhận biết được và không có cách để khai thác phát huy được thuận lợi đó thì cũng không thể đi lên nhanh được. Hai là thời cơ, đúng vào lúc Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đề ra các quan điểm, chủ trương, chính sách đổi mới rất phù hợp với tình hình đất nước và bố cảnh quốc tế, đặc biệt là về mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển mạnh các khu công nghiệp. Ba là, cấp lãnh đạo của tỉnh Sông Bé trước đây và kế tiếp là Binh Dương đã nhanh nhạy, kịp thời khai thác, tận dụng được những yếu tố đó để đưa kinh tế - xã hội Bình Dương tiến vượt lên.

II- THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã căn cứ vào đặc điểm tình hình các mặt của tỉnh để triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương về cải cách hành chính.

Sau đây là những công việc cụ thể đã làm, trong đó có những nét riêng của Bình Dương tác động được nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

1- Cải cách thể chế và thủ tục hành chính

Tỉnh hết sức coi trọng công tác cải cách thể chế, ban hành được nhiều văn bản có ý nghĩa quan trọng cho công tác cải cách hành chính, nổi lên là thực hiện Nghị quyết 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính, tỉnh đã có Quyết định 2640/QĐ-UB ngày 19 táng 9 năm 1997 về chỉ định đầu mối “một cửa” giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết các văn bản hành chính (xem phụ lục 1).

Theo Quyết định này, việc thực hiện cơ chế “một cửa” và giảm mạnh các thủ tục hành chính đã được thí điểm ở 8 sở ngành và 2 huyện thị, đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Văn phòng HĐND - UBND và thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An. Cụ thể là:

+ Đối với đầu tư nước ngoài, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy định về thủ tục, trình tự và thời gian xét duyệt cấp giấy phép dự án đầu tư nước ngoài trong và ngoài khu công nghiệp (xem phụ lục 2), thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan để triển khai nhanh các dự án. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại Bình Dương. Có sự thống nhất giữa các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện công khai quy trình và thủ tục hành chính thông thoáng, giảm khâu trung gian, nhiều tầng nấc, rút ngắn thời gian. Cụ thể là thời gian cấp giấy phép cho dự án ngoài khu công nghiệp là 3 ngày và trong khu công nghiệp là 3 ngày nếu không cần thoả thuận và là 15 ngày nếu cần phải có thoả thuận với Bộ, ngành Trung ương.

+ Đối với đầu tư trong nước: Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 7 ngày cho các doanh nghiệp, là 5 ngày cho các hộ kinh doanh cá thể.

+ Đối với lĩnh vực địa chính, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng... thời gian giải quyết ngoài theo quy định của Trung ương, trong một vài loại công việc còn được quy định thời gian ngắn hơn 5 ngày (ở cấp tỉnh), 7 - 15 ngày (ở cấp huyện) so với quy định của Trung ương.

+ Đối với lĩnh vực xây dựng, tỉnh đã ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng; thời gian tối đa giải quyết xong một hồ sơ không quá 30 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 10 ngày.

+ Ưu tiên thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan nhiều đến quyền lợi, nghĩa vụ công dân và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài bao gồm: đất đai, nhà ở, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh... Trong 7 lĩnh vực trọng điểm cần đột phá về mặt cải cách thủ tục, thành công nhất của Bình Dương là thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài trong và ngoài khu công nghiệp.

+ Tỉnh đã tiến hành rà soát văn bản pháp quy gồm các văn bản do Trung ương ban hành và văn bản của tỉnh ban hành (khoảng 8.000 văn bản).

2- Cải cách tổ chức bộ máy và lề lối làm việc

- Tỉnh uỷ Bình Dương đã xây dựng quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, trong đó gắn cải cách hành chính với việc phân định chức năng, phân cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương, phân công rõ trách nhiệm đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh, chế độ làm việc của Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ (xem phụ lục 3).

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc của UBND khóa VI (1999 - 2004), giúp cho việc điều hành của UBND và Thường trực UBND rành mạch, khoa học, trách nhiệm và quyền hạn của từng người rất rõ ràng, không có sự bao biện, đùn đẫy (xem phụ lục 4). Đây là một điểm nổi bật của Bình Dương về sự chỉ đạo điều hành, hiệu lực và hiệu quả của Uỷ ban nhân dân tỉnh với vai trò của đồng chí Chủ tịch cùng tập thể thường trực Uỷ ban, phát huy tốt vai trò của từng cá nhân trong công việc.

- Thực hiện Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25/10/1999 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành chỉ thị (Chỉ thị 05/2000/CT-UB ngày 17/3/200) về rà soát chức năng nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức và tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp và kế hoạch triển khai thực hiện (Quyết định 53/2000/QĐUB):

+ Trên cơ sở các quy định chung của Nhà nước và quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ngành đã xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động. Cơ cấu tổ chức bộ máy của từng sở, ngành cũng được sắp xếp, kiện toàn. Tuy số lượng đầu mối bê trong của một số sở, ngành có tăng so với trước (do các bộ, ngành trung ương bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới) nhưng qua sắp xếp, các phòng, ban thuộc sở, ngành đã hoạt động đi vào nề nếp.

+ Triển khai thực hiện Nghị định 12/NĐ-CP của Chính phủ: Sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh (sáp nhập Uỷ ban Chăm sóc trẻ em và Uỷ ban dân số kế hoạch hóa gia đình, còn 22 sở, ngành) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã (gồm 11 phòng, ban). Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy sau khi sắp xếp đã được nâng cao rõ rệt so với trước đó.

+ Tiến hành xã hội hóa một số tổ chức sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin ở những nơi có điều kiện (nội ô thị xã Thủ Dầu Một, các thị trấn huyện lỵ), như trường bán công mẫu giáo - mầm non, bệnh viện phụ sản, chữa bệnh cho người nghèo, công ty cổ phần bóng đá..., tạo ra cơ chế để Nhà nước và nhân dân tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực sự nghiệp ngành càng tốt hơn.

- Về xây dựng chính quyền cơ sở, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định (số 116/1998/QĐ-UB và số 109/2001/QĐ-UB) về chính sách sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện Nghị định 09/1998/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và thể hiện sự quan tâm đối với cán bộ đang công tác tại cơ sở (ngoài những quy định chung của Trung ương, tỉnh có những khoản bổ sung lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh, xem phụ lục 5). Đã tổ chức bầu cử trưởng cấp và có chế độ phụ cấp cho 5 chức danh cán bộ ấp. Bình Dương cũng có thuận lợi về nguồn chi ngân sách cho nên chính sách chế độ đối với cán bộ xã, phường, ấp có trội hơn các tỉnh trong khu vực và cả nước. Trụ sở làm việc của xã đã được xây dựng hoàn chỉnh.

- Công tác sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước: đã xây dựng và trình Chính phủ duyệt đề án và tiến hành được một bước. Đã sáp nhập 3 doanh nghiệp, giải thể 1 doanh nghiệp, chuyển thành doanh nghiệp công ích 4 doanh nghiệp, cổ phần hóa 3 doanh nghiệp và 2 bộ phận doanh nghiệp. Hiện có 37 doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được sắp xếp và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

3- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức

- Quyết định của Tỉnh uỷ Bình Dương về quy chế phân cấp quản lý cán bộ (xem phụ lục 6) đã giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy về quản lý cán bộ thuộc diện quản lý cả Ban Thường vụ nhưng làm việc ở khối quản lý nhà nước. Tỉnh uỷ Bình Dương cũng đã ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ, trong đó giao cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thẩm định đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý nếu là giám đốc, phó giám đốc sở, ngành, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp (xem phụ lục 7). Những văn bản này của Tỉnh ủy đã tạo thế chủ động điều hành, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh theo luật định, tránh được những việc không ăn khớp có thể nảy sinh từ lề lối làm việc giữa  đảng và chính quyền (cụ thể là đồng chí Bí thư và Chủ tịch).

- UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức theo từng ngạch, bậc; là cơ sở xác định biên chế của trách nhiệm từng đơn vị cũng như xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo.

- Căn cứ quy hoạch đào tạo, trong năm 2001 cử 1.437 người đi đào tạo, bồi dưỡng (tăng 52% so với năm 2000), trong đó có 30 người đào tạo sau đại học, 894 người đào tạo đại học; việc đào tạo, bồi dưỡng về cơ bản đã tuân thủ đúng quy định, đúng đối tượng, có chất lượng, có địa chỉ.

- Tỉnh ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực (xem phụ lục 8), trong đó có việc thu hút người có trình độ cao từ nhạc sỹ trở lên thuộc các ngành mà tỉnh đang có nhu cầu về Bình Dương công tác lâu dài (chế độ phụ cấp, đãi ngộ, thù lao...). Theo đó, các công ty, doanh nghiệp cũng đã có cơ chế thu hút mạnh lực lượng chuyên gia, kỹ thuật về làm việc tại Bình Dương. Chính sách thu hút nguồn nhân lực còn có tác dụng tích cực khuyến khích cán bộ, công chức của tỉnh phấn đấu học tập các chương trình đào tạo sau đại học, đại học ngoại ngữ, tin học (đại học 2).

4- Cải cách tài chính công.

Thực hiện Luật Ngân sách về phân cấp thu chi ngân sách, tỉnh đã phân cấp thu, chi ngân sách cho cấp huyện, thị xã và phân cấp ngân sách cho ngành giáo dục, y tế. Trong lĩnh vực cấp phát và quyết toán tài chính, theo phân cấp, hiện nay khi dự trù kinh phí (ngoài kế hoạch) dưới 20 triệu đồng, các sở chỉ cần đề nghị và Sở Tài chính - Vật giá xem xét giải quyết, lớn hơn 20 triệu đồng thì xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh. Việc thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động cho 2 sở Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội theo nguyên tắc không tăng biên chế và kinh phí hoạt động cũng góp phần thay đổi phương thức cấp kinh phí hoạt động  và quan tâm đến quản lý hiệu quả. Việc cải cách tài chính công còn là mới mẻ, tỉnh đang cần có sự hướng dẫn cụ thể của Trung ương.

III- TÁC ĐỘNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Sự phát triển mới của Bình Dương trong mấy năm vừa qua chủ yếu không phải do cơ chế, chính sách riêng của tỉnh mà là do tỉnh đã biết vận dụng và thực hiện một cách đầy đủ và triệt để những chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước, có phần cụ thể hóa thêm cho phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh, trong đó khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đổi mới cơ chế hoạt động và cách thức làm việc của bộ máy công quyền gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, có vai trò đặc biệt quan trọng. Cũng có thể nói thực chất đó là sự đổi mới mạnh mẽ về cách lãnh đạo và cách làm việc của hệ thống đảng và chính quyền của tỉnh Bình Dương.

Sau đây sẽ xem xét, phân tích cụ thể sự tác động này thể hiện và thông qua 4 yếu tố sau đây:

- Quán triệt và vận dụng các chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước, đề ra các chủ trương, phương hướng, quyết sách đúng đắn và kịp thời, đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Dương.

Đó là quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương ra sức phấn đấu để thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển, không phải xin Trung ương trợ cấp ngân sách. Để làm được như vậy, phải thực hiện việc chuyển hướng từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển mạnh công nghiệp. Trong khi nguồn nội lực còn rất có hạn, phải lấy việc thu hút nguồn lực bên ngoài (cả nước ngoài và các địa phương khác) làm động lực chính để phát triển kinh tế, bằng cách tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh mạnh hơn so với các nơi khác, kể cả thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, thật sự “trải chiếu hoa” đón các nhà đầu tư, “trải thảm đỏ” đón trí thức, nhân tài.

- Đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường và quan hệ thuận lợi, an toàn, tin cậy cho các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp và dư luận nói chung cho rằng thực ra Bình Dương không có chính sách ưu đãi gì khác cho nhà đầu tư ngoài khuôn khổ các chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và các quy định pháp luật đã ban hành, mà điểm nổi bật ở đây là đã tạo ra được môi trường thuận lợi, an toàn và tin cậy cho đầu tư và sản xuất kinh doanh và thực hiện các chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Với môi trường này đầu tư và kinh doanh được khuyến khích, cỗ vũ và được bảo vệ theo pháp luật. Rất ít có trường hợp “hình sự hóa quan hệ kinh tế”, mà chính quyền thường quan tâm giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc; đồng thời thực hiện việc kiểm tra, giám sát cần thiết. Quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp rất gần gũi và thân thiện. Doanh nghiệp không gặp khó khăn gì trong việc xin gặp các cấp lãnh đạo của tỉnh; lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên gặp doanh nghiệp. Hàng năm vào ngày 31 tháng 12, tỉnh tổ chức “Ngày doanh nghiệp” để lãnh đảo tỉnh gặp mặt tất cả doanh nghiệp đóng trên địa bàn; hàng quý cũng có tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để nghe ý kiến và giải quyết các khó khăn cho họ; khi cần thiết, lãnh đạo còn điều chỉnh chương trình làm việc để gặp, tiếp nhà đầu tư và doanh nghiệp; thậm chí còn quan tâm cả đến yếu tố tâm lý của họ (như chọn ngày nhận giấy phép, khởi công). Về thủ tục hành chính, tỉnh đã áp dụng cơ chế một cửa, qua Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành đã được phân công theo chức năng và trách nhiệm cụ thể để làm đầu mối giải quyết các thủ tục. Tỉnh lập Hội đồng tư vấn đầu tư do một Phó chủ tịch UBND đứng đầu họp vào thứ 5 hàng tuần để xem xét các dự án và giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trước khi được cấp  phép và sau khi cấp phép. Những vấn đề gì thuộc quyền hạn của tỉnh, thì lãnh đạo tỉnh giải quyết ngay, những vướng mắc lớn liên quan đến Chính phủ và các bộ, ngành TW thì chuyển ngay lên trên, nhiều trường hợp lãnh đạo tỉnh trực tiếp ra Hà Nội để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Những cải cách làm nêu đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, “tiếng lành đồn xa”, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tự động mách bảo nhau đến Bình Dương làm ăn. Người ta nhận xét: FDI vào Việt Nam tương đối thuận lợi, vào Bình Dương còn thuận lợi hơn nhiều; FDI và đầu tư trong nước vào KCN và ở ngoài KCN đều thuận lợi như nhau về thủ tục.

- Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tranh thủ được sự đồng tình và quan tâm giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tạo thêm thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động đổi mới và phát triển ở Bình Dương. Qua các cuộc làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương, hoặc qua việc xử lý các vấn đề kiến nghị của tỉnh, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, trợ giúp cơ chế thu hút vốn đầu tư và cơ chế điều hành cho Bình Dương giải quyết các vấn đề vướng mắc cụ thể, tạo thêm quyết tâm cho lãnh đạo và cán bộ trong tỉnh. Nếu có vướng mắc nào đó hoặc chậm trễ thì chỉ là ở cấp trung gian và sự phối hợp chưa đồng bộ, chứ không phải ở cấp lãnh đạo.

- Sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh phù hợp với yêu cầu mới và khả năng của địa phương. Ngay sau khi tái lập tỉnh, trên cơ sở quy hoạch đã có từ khi còn tỉnh Sông Bé, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo xây dựng lại quy hoạch cho tỉnh để có tầm nhìn và định hướng cụ thể cho sự bố trí chiến lược làm căn cứ cho việc chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển, đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp và các vùng chuyên canh cây công nghiệp. Nhờ đã có quy hoạch rõ ràng và chỉ đạo thực hiện đúng quy hoạch nên các chủ trương và quyết định đầu tư của hầu hết các dự án, công trình ở trong và ngoài các khu công nghiệp đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Việc triển khai xây dựng hạ tầng chung trong tỉnh, nhất là để phục vụ cho các KCN, đã được triển khai nhanh và có hiệu quả.

Những yếu tố nêu trên đã tác động đến sự phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh Bình Dương mà kết quả cụ thể đã được trình bày ở phần I, đặc biệt được thể hiện ở một số lĩnh vực cụ thể sau đây:

- Thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Thành tựu nổi bật nhất của Bình Dương trong 5 năm qua là thu hút nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo số liệu chính thức đã công bố của UBND tỉnh Bình Dương, tại  Bình Dương nguồn vốn FDI chiếm 71% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thời kỳ 1997- 2001 (thời kỳ 1996 - 2000 ở Đồng Nai cả FDI và ODA chiếm khoảng 68%; cả nước là 30%, trong đó FDI là 24%).

Hiện nay Bình Dương là một trong 5 địa bàn thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2001, Bình Dương thu hút được tổng cộng 462 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,45 tỷ USD chiếm khoảng 6% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước, đứng vị trí thứ 4 sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và trên Bà Rịa - Vũng Tàu (nếu không tính dự án dầu khí). Nếu tính vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên đầu người, Bình Dương còn lớn hơn nhiều: Thời kỳ 1997 - 2000 tính theo vốn FDI đăng ký, Bình Dương đạt được 2.210 USD/người, gấp 3,4 lần của Đồng Nai, 2,45 lần của TP Hồ Chí Minh, 18,5 lần của Long An, 1,4 lần của Hà Nội và 6,9 lần của Hải Phòng, 9,3 lần của Đà Nẵng. (Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Việc thu hút FDI tại Bình Dương được đẩy mạnh và tăng đột biến chủ yếu từ giai đoạn 1996 - 2000 đến nay. Giai đoạn 1995 trở về trước, Bình Dương (lúc đó nằm trong tỉnh Sông Bé) lúc đó thu hút FDI không đáng kể, chỉ ngang mức các tỉnh ở Miền Tây Nam Bộ như Long An, Kiên Giang và kém xa các tỉnh Miền Đông Nam Bộ khác như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, càng không thể so được với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, thậm chí còn kém một số tỉnh phía Bắc như Hải Hòng, Hải Dương. Nhưng từ năm 1995 trở về sau, với chủ trương “trải chiếu hoa”, tập trung vào xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (cả 7 KCN của Bình Dương được thành lập từ 1995 - 1997), FDI tại Bình Dương đã có mức tăng trưởng đột biến từ 382 triệu USD giai đoạn 1991 - 1995, chiếm 2,4% tổng vốn FDI cả nước lên 1,6 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng vốn FDI cả nước giai đoạn 1996 - 2000, tức là tăng hơn 4 lần trong 5 năm.

Đặc biệt hơn năm 200 khi các địa phương khác còn gặp khó khăn về thu hút FDI do tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, Bình Dương đã vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm, với 110 dự án và vốn đăng ký đạt 330,7 triệu USD, chiếm tỷ lệ 17,3% tổng vốn FDI cả nước trong năm 2000.

Năm 2001 và 6 tháng đầu năm 2002, Bình Dương vẫn giữ vững nhịp độ thu hút đầu tư, duy trì vị trí một trong 5 địa bàn thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Sau khi Chính phủ phân cấp quản lý FDI về các địa phương (giữa năm 1997 đến nay, Bình Dương là tỉnh có số lượng dự án FDI đứng hàng đầu với 529 dự án, chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh (864 dự án) trong khi Đồng Nai là 274 và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 34 dự án (không kể dầu khí).

- Đầu tư nước ngoài có cơ cấu hợp lý, quy mô và hình thức thích hợp.

Trong những năm qua, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (bao gồm cả xây dựng) chiếm tới 95% vốn đầu tư, trong đó ngành công nghiệp nhẹ và chế biến chiếm 79,5%, phần lớn là hướng về xuất khẩu; ngành nông lâm ngư nghiệp là 2,72% và dịch vụ là 2,26% (tỷ lệ chung cả nước đối với FDI đến năm 2000 như sau: công nghiệp và xây dựng 53,9%, trong đó công nghiệp nhẹ và chế biến chỉ chiếm 23,1%; nông lâm ngư 3,82%; dịch vụ 42,2%). Trong điều kiện những năm vừa qua và hiện nay, cơ cấu đầu tư như trên ở Bình Dương là hợp lý và có hiệu quả.

Quy mô dự án ở Bình Dương chủ yếu là loại vừa và nhỏ, trung bình là khoảng 5,1 triệu USD/1 dự án (so với tỷ lệ chung cả nước bình quân là 20,7 triệu USD/1 dự án). Quy mô dự án tại các KCN Bình Dương là 3,78% triệu USD/1 dự án (so với quy mô bình quân dự án vào các KCN và cả nước là 10 triệu USD/1 dự án, Đồng Nai là 15,9 triệu USD/1 dự án). Quy mô như vậy cũng là phù hợp và có hiệu quả trong những bước đi ban đầu.

Về hình thức đầu tư đa phân là 100% vốn nước ngoài: tính đến cuối năm 2001, dự án 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ 70%, dự án liên doanh chiếm 30% tổng vốn đầu tư (tỷ lệ chung cả nước liên doanh chiếm 59% vốn đầu tư). Nếu tính số dự án, thì dự án 100% vốn nước ngoài chiếm tới 84% tổng số dự án FDI của Bình Dương (tỷ lệ chung của cả nước 20%).

Về đối tác nước ngoài đầu tư vào Bình Dương chủ yếu là các nước châu Á chiếm khoảng 70% (tương tự tỷ lệ chung cả nước) dẫn đầu là Đài Loan (26,7%), Singapore (15%), Hồng Kông (12,1%), Nhật Bản (10,4%) ngoài ra còn có Tây Âu (13,5%), Mỹ (8,4%).

- Tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện các dự án đạt tỷ lệ cao nhất cả nước.

Qua đợt khảo sát các dự án FDI tại phía Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 3/2002 cho thấy Bình Dương là địa phương có tỷ lệ dự án triển khai thành công cao nhất chiếm tới 94% số dự án do địa phương quản lý, trong đó loại 1 (hoạt động tốt) chiếm 61%, loại 2 (đang triển khai) 33%, còn tỷ lệ dự án chưa triển khai hoặc cần rút giấy phép chiếm tỷ lệ thấp nhất 6% (so với TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 29%; Đồng Nai 29% và Bà Rịa - Vũng Tàu 15%).

Những năm 2001, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp 32% GDP; nộp ngân sách 161 tỷ đồng, khoảng 9,8% ngân sách tỉnh (cả nước là 6-7%); xuất khẩu gần 337,8 triệu USD, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh (năm 2000); tạo công ăn việc làm (47.000 lao động tại các KCN trong tỉnh, chiếm 18,5% lao động công nghiệp trong tỉnh); góp phần nâng cao trình độ công nghệ bằng công nghệ mới như dây chuyền lắp ráp ô tô, đồ điện tử, sản xuất tổng đài kỹ thuật số, sản xuất cáp quang, sản xuất hóa chất, dược phẩm v.v...

- Phát triển các khu công nghiệp đạt kết quả cao, đứng đầu cả nước về tỷ lệ lấp đầy diện tích khu công nghiệp.

Bình Dương là một trong ba địa phương có nhiều KCN thành công nhất của cả nước (có diện tích lấp đầy KCN trên 50%) với 7 KCN có diện tích lấp đầy trung bình đạt 76,9% (so với Tp. Hồ Chí Minh 14 KCN đạt 62,6% và Đồng Nai 10 khu đạt 52,0%), so với tổng số 67 KCN cả nước có 28 địa phương mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 47%. Đáng chú ý là Bình Dương rất thành công trong việc huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng KCN bằng các hình thức đa dạng như liên doanh với nước ngoài, công ty cổ phần, kể cả huy động tư nhân (Bình Dương là địa phương duy nhất có tới 3 KCN  do Công ty dân doanh đầu tư cơ sở hạ tầng).

- Phát triển doanh nghiệp trong nước 5 năm gần bằng 20 năm trước công lại, thu hút được nhiều đầu tư trong nước.

Cùng với đầu tư nước ngoài, Bình Dương cũng hết sức coi trọng thu hút đầu tư trong nước. Năm 1997 tỉnh Bình Dương có 882 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.655 doanh nghiệp (quốc doanh, hợp tác xã, Cty và doanh nghiệp tư nhân). Tính ra số doanh nghiệp được thành lập trong thời gian từ 1997 đến nay bằng 88% tổng số doanh nghiệp được thành lập hai tỉnh từ sau ngày giải phóng. Trong số được thành lập mới đó, tuyệt đại bộ phận là doanh nghiệp ngoài quốc doanh với số vốn đầu tư như đã nêu ở phần trên (trang 5) và phần lớn là từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đưa đến Bình Dương. Tỉnh cũng đã có cơ chế huy động vốn của doanh nghiệp, của dân và vay ngân hàng để đầu tư xây dựng hạ tầng (đường giao thông...), sau đó thu phí để hoàn vốn. Bằng cách này tỉnh đã lập quỹ đầu tư phát triển 50 tỷ đồng và vay kho bạc (tiền nhàn rỗi) 100 tỷ đồng. Hiện nay, ước tính nguồn tiết kiệm trong dân có khoảng 590 tỷ đồng (số liệu điều tra của Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6/2002).

- Gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội đạt nhiều tiến bộ ở mức cao trong cả nước.

Đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh Bình Dương đều có đường xe ô tô, hệ thống điện, điện thoại, trạm y tế, trạm truyền thanh.

62/79 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ thông cấp THCS;

43/79 xã, phường, thị trấn có bác sĩ tại trạm y tế;

Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 91,4%;

Tỷ lệ dùng máy điện thoại 13,09 máy/100 người dân;

Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước sạch 72,5%;

Số lao động được giải quyết việc làm 20 ngàn người/năm; thu hút thêm 94.000 lao động trong 5 năm 1997-2001; 6 tháng đầu năm 2002 thu hút được 15.340 người

Tỷ lệ hộ nghèo đến tháng 6 năm 2002 còn 3,05%.

IV- MỘT SỐ NHẬN XÉT

Qua thực tiễn nêu trên có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Nhận xét chung, cũng là nguyên nhân chủ yếu tạo ra những kết quả nổi bật của Bình Dương trong phát triển kinh tế - xã hội xét dưới tác động của cải cách hành chính, (mà tác động này chỉ là một phần trong toàn bộ các yếu tố nhiều mặt), đó là: biết khai thác và tận dụng hết các thế mạnh và lợi thế của địa phương, tạo ra một động lực và nguồn lực mới rất lớn bắt nguồn từ công cuộc đổi mới chung của đất nước và riêng của địa phương. Đó chính là kết quả của đổi mới mạnh mẽ, thể hiện cụ thể vào mấy điểm nổi bật sau đây:

1- Nhạy bén, tiếp thu nhanh những tư tưởng chỉ đạo về đổi mới nói chung và  về cải cách hành chính của Trung ương, chủ động, kiên quyết và ra sức quán triệt và tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách, luật pháp và các quyết định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Trong quá trình này, lãnh đạo, cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã từ nhận thức chuyển thành có quyết tâm từ một tỉnh kém phát triển trong vùng Đông Nam Bộ, đi lên bằng chính sức của mình thực hiện chuyển hướng từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển mạnh công nghiệp gắn chặt với việc mạnh dạn táo bạo thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bình Dương tạo nguồn lực và động lực mạnh cho sự phát triển. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, chính sách, quyết định của Trung ương, tỉnh đã biết khai thác hết những cái mới và chủ động tìm tòi để vận dụng cho phù hợp, nắm chắc khâu then chốt là chỉ đạo và tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm nghiêm túc, triệt để, nói đi đôi với làm, không máy móc, chờ đợi chỉ thị mà vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

2- Có cách nhìn và cách xử lý đúng đắn, mới mẻ đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Những điều đã nêu ở các phần trên nói lên một vấn đề hết sức quan trọng là cấp lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Bình Dương và từ lãnh đạo toả đến các ngành các cấp trong tỉnh đã thật sự coi trọng và đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển; có nhận thức và thái độ rõ ràng, dứt khoát, làm đúng và làm tốt chức năng quản lý để thu hút, chào đón, tạo thuận lợi, giải quyết mọi vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Quan hệ với doanh nghiệp không chỉ có tính chất hành chính mà còn cả khía cạnh tình cảm, tâm lý, gây được sự tin cậy của doanh nghiệp. Có thể nói đạo lý thì đơn giản, song biến nó thành hiện thực trong cuộc sống như ở Bình Dương lại là điều mà ở nhiều địa phương khác chưa làm được.

3- Đối với những chủ trương và cách làm mới đã có sự nhất trí cao, đoàn kết và cộng đồng chịu trách nhiệm giữa Tỉnh uỷ, HĐND, UBND từ nhận thức quan điểm đến chỉ đạo điều hành.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định yếu tố có tính quyết định là tăng cường và bảo đảm sự đoàn kết nhất trí từ nhận thức đến quyết định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, sự nhất quán trong chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở và trong điều hành xử lý công việc hàng ngày ở các cơ quan Đảng, chính quyền và bộ máy quản lý.

Đoàn kết và thống nhất trước hết trong hạt nhân lãnh đạo là Thường vụ tỉnh uỷ và Thường trực UBND tỉnh, trên cơ sở Quy chế hoạt động của Tỉnh uỷ (phân công phân nhiệm rõ ràng: vấn đề gì Thường trực và Thường vụ tỉnh uỷ quyết, vấn đề gì Thường trực Uỷ ban quyết, vấn đề gì thì đưa ra tập thể bàn bạc thông qua v.v...), trên cơ sở đó tạo điều kiện để giao quyền chỉ huy tổ chức điều hành cho Chủ tịch UBND tỉnh; ưu tiên hàng đầu cho xử lý các vấn đề của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

UBND các cấp thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa UBND với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp sức lực, tiền bạc thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế - xã hội, các công trình đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội.

4- Để thực hiện được các chủ trương và cách làm mới của tỉnh, phải thực hành dân chủ, kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính từ tỉnh đến cơ sở.

Từ quy hoạch, kế hoạch triển khai xây dựng các KCN đến giá đền bù, giải phóng mặt bằng... đều thông báo rộng rãi để dân tham gia ý kiến, HĐND thảo luận và quyết định. Toàn tỉnh có 79 xã, phường, thị trấn đều có hệ thống truyền thanh, nhà bưu điện - văn hóa, dễ dàng trong việc cung cấp thông tin đến mọi người dân và họp để bàn các chủ trương, công tác của địa phương, kể cả quan hệ tốt với các chức sắc tôn giáo. Tỉnh chú trọng chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ cơ quan nhà nước cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn để bảo đảm sự nhất trí về mặt chính trị và tinh thần trong nhân dân thực hiện các nhiệm vụ đề ra (xem phụ lục 9).

Đi đối với mở rộng dân chủ, việc quán triệt và thực hiện các chủ trương, quyết định của Đảng và chính quyền được làm rất nghiêm; ở đâu có sự do dự; tuỳ tiền đều được nhắc nhở hoặc xử lý kịp thời, bảo đảm trên dưới thống nhất và nhất quán. Chế độ trách nhiệm của từng người phụ trách, trước hết là người đứng đầu, rất rõ ràng, từ Chủ tịch tỉnh đến Chủ tịch huyện, xã, phường, thủ trưởng các sở, ngành, tạo được hành động thống nhất và hiệu quả làm việc tốt.

*

*          *

Bên cạnh những mặt thành đạt, qua khảo sát thực tế xin gợi ý một số vấn đề cần được lưu ý để Bình Dương có thể tiếp tục phát triển tốt hơn trong thời gian tới:

- Sự phát triển khá nhanh về kinh tế - xã hội đương nhiên cũng tác động trở lại đối với cải cách hành chính, đòi hỏi phải xem xét và tiếp tục đẩy tới việc thực hiện các chương trình về cải cách hành chính ở địa phương, trong đó có việc cải cách bộ máy có thể có chỗ cần nghiên cứu cho phù hợp với yêu cầu phát triển (chỉ riêng việc nâng bộ máy cấp huyện lên thành 11 phòng ban cũng là một vấn đề cần có kết luận sớm).

- Việc giải quyết các vấn đề sau cấp phép về đất đai xây dựng, giải phóng đền bù, lao động, hải quan, thuế, tín dụng... còn phải được tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo quy định và có sự phân cấp rõ hơn, có hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương.

- Mặc dù các khu công nghiệp phát triển rất nhanh, tỷ lệ lấp đầy diện tích khu công nghiệp khá cao, nhưng mới chỉ thu hút được phần lớn (70%) các nhà đầu tư Đông Nam Á, Đông Bắc Á, với trình độ kỹ thuật và công nghệ ở mức độ nhất định. Do đó, cần nghĩ tới việc mở rộng thu hút các đối tác có công nghệ hiện đại, tiên tiến, để tạo thành nguồn vốn công nghệ đáng kể đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh lâu dài của sản phẩm công nghiệp trên địa bàn.

- Bình Dương nằm ở khu vực trung lưu sông Đồng Nai - nơi cung cấp nước cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó cần chọn lựa các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp tiên tiến hiện đại, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu chất lượng cao, tranh gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với nguồn nước.

- Về quy hoạch phát triển, phương hướng phát triển, trên cơ sở những việc đã làm được, cần tiếp tục xem xét tính toán cho giai đoạn mới, trong đó có vấn đề phát triển các KCN, quy hoạch phát triển vùng phía Bắc của tỉnh, phát triển các trang trại, công ty, khu công nghiệp có công nghệ mới, công nghệ cao...

- Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ và quản lý của Bình Dương tuy đã được chú ý đào tạo, song cán bộ có trình độ cao còn ít (số cán bộ có trình độ trên đại học là 108 người, trong đó có 3 tiến sỹ). Nếu không tập trung sức đẩy nhanh việc đào tạo và thu hút cán bộ, phát triển giáo dục và khoa học - công nghệ, tạo nguồn năng lực nội sinh về tri thức và công nghệ thì sự phát triển cao hơn và bền vững hơn sẽ khó được như mong muốn.

- Khu vực dịch vụ của tỉnh còn đang yếu so với sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp và thu nhập đang được nâng cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Mặc dù Bình Dương có điều kiện để sử dụng các cơ sở và hoạt động của khu vực dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh, song nếu không tự tạo ra được bước phát triển mạnh hơn trong khu vực dịch vụ của tỉnh như vận tải, tài chính, ngân hàng, dịch vụ phục vụ đời sống... trong thời gian tới thì sẽ có thể dẫn đến sự kìm hãm đối với khu vực công nghiệp và nông nghiệp.

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn số 5393/VPCP-CCHC ngày 27/09/2002 ngày 27/09/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc tác động của cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.446

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.8.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!