Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm

Số hiệu: 55/2011/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Cao Đức Phát
Ngày ban hành: 03/08/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 55/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2011

THÔNG TƯ

KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM THỦY SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là CL, ATTP) đối với lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm (sau đây gọi tắt là lô hàng); trách nhiệm, quyền hạn của các Cơ quan kiểm tra, chứng nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lô hàng nhập khẩu được thực hiện theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, Thông tư số 51/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT .

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Việt Nam và tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV trở lên (sau đây gọi tắt là Cơ sở):

a) Cơ sở có sản phẩm xuất khẩu;

b) Cơ sở có sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.

2. Lô hàng xuất khẩu thuộc diện phải kiểm tra, chứng nhận nhà nước về CL, ATTP theo quy định của Việt Nam và của nước nhập khẩu.

3. Đối với các lô hàng xuất khẩu có yêu cầu chứng nhận kiểm dịch theo quy định hiện hành, Cơ quan kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thực hiện đồng thời việc kiểm tra CL, ATTP và kiểm dịch.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cảng cá là cảng chuyên dùng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng và vùng nước đậu tàu. Vùng đất cảng bao gồm cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, khu hành chính, dịch vụ hậu cần, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

2. Cơ sở sản xuất thủy sản: là Cơ sở có địa điểm cố định thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm thủy sản.

3. Cơ sở kinh doanh thủy sản: là Cơ sở thực hiện một, một số hoặc tất cả các dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm thủy sản.

4. Chợ có kinh doanh sản phẩm thuỷ sản: là địa điểm cố định diễn ra các hoạt động mua bán thực phẩm thủy sản và có thể bao gồm hoạt động thu mua, sơ chế.

5. Cơ sở sản xuất thủy sản độc lập là Cơ sở có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện hoàn chỉnh một quy trình sản xuất riêng biệt từ công đoạn tiếp nhận nguyên liệu cho đến bảo quản thành phẩm tại một địa điểm; có đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng riêng với tối thiểu 3 nhân viên thực hiện kiểm soát chất lượng, ATTP trong quá trình sản xuất và ít nhất 01 (một) nhân viên được Cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp tập huấn có liên quan về quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP.

6. Kho lạnh độc lập bảo quản thủy sản: là toà nhà được cách nhiệt gồm một hoặc nhiều phòng, được làm lạnh nhân tạo để chuyên cung cấp dịch vụ bảo quản sản phẩm thuỷ sản đông lạnh.

7. Truy xuất nguồn gốc: là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

8. Lấy mẫu kiểm nghiệm: là việc lựa chọn mẫu có chủ định và chuyển tới các phòng kiểm nghiệm được chỉ định để phân tích các chỉ tiêu CL, ATTP.

9. Lô hàng sản xuất: là một lượng sản phẩm được sản xuất từ một hay nhiều lô nguyên liệu có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ theo cùng một quy trình công nghệ, cùng điều kiện sản xuất trong thời gian không quá 24 giờ tại một Cơ sở.

10. Lô hàng xuất khẩu: là lượng hàng được chủ hàng đăng ký kiểm tra để xuất khẩu một lần cho một nhà nhập khẩu trên một phương tiện vận chuyển.

11. Mẫu ban đầu: là lượng sản phẩm hoặc một đơn vị bao gói lấy tại một vị trí từ lô hàng sản xuất.

12. Mẫu chung: là mẫu được tập hợp từ các mẫu ban đầu.

13. Mẫu trung bình: là lượng sản phẩm hoặc một số đơn vị bao gói lấy ra từ mẫu chung.

14. Mẫu kiểm nghiệm: là mẫu lấy ra từ mẫu trung bình dùng để phân tích các chỉ tiêu CL, ATTP.

15. Mẫu lưu: là mẫu lấy ra từ mẫu trung bình được bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi đặc tính ban đầu của mẫu, dùng để kiểm nghiệm đối chứng khi cần thiết.

16. Thực phẩm thuỷ sản là tất cả các loài động, thực vật sống trong nước và lưỡng cư, kể cả trứng và những bộ phận của chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà thành phần có chứa thuỷ sản.

17. Nhóm thực phẩm thủy sản tương tự là những sản phẩm thủy sản có cùng mức nguy cơ về an toàn thực phẩm, được sản xuất bởi quy trình công nghệ gần giống nhau tại một Cơ sở.

18. Thực phẩm thủy sản ăn liền là sản phẩm thủy sản có thể sử dụng trực tiếp cho người mà không bắt buộc phải xử lý đặc biệt nào trước khi ăn.

Điều 4. Căn cứ để kiểm tra, chứng nhận

1. Căn cứ để kiểm tra, chứng nhận là các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản; chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.

2. Đối với các Cơ sở có sản phẩm thủy sản xuất khẩu ngoài việc đáp ứng các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này còn phải đáp ứng yêu cầu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các quy định của nước nhập khẩu.

Điều 5. Cơ quan kiểm tra

1. Cơ quan kiểm tra Trung ương là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm:

a) Kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các Cơ sở quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này, bao gồm các Cơ sở có sản phẩm thủy sản đồng thời tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu;

b) Kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP đối với lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

2. Cơ quan kiểm tra địa phương:

a) Cấp tỉnh: là Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (hoặc Cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đối với các tỉnh/thành phố chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với Cơ sở quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này và phù hợp với phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 (sau đây gọi tắt là Thông tư 14);

b) Cấp huyện: là Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các Cơ sở sản xuất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này (trừ tàu cá) do cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Cấp xã: là Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với các Cơ sở kinh doanh tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này do cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đóng tại địa bàn cấp xã;

d) Căn cứ điều kiện thực tế, trong trường hợp Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã chưa đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ nêu tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này, Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố chỉ định chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ tương ứng được phân công cho Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã đó và bàn giao nhiệm vụ ngay sau khi Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã đủ năng lực thực hiện.

Điều 6. Yêu cầu đối với kiểm tra viên, Trưởng đoàn

1. Đối với kiểm tra viên:

a) Trung thực, khách quan, không có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp về lợi ích kinh tế với chủ hàng hoặc chủ cơ sở sản xuất được kiểm tra;

b) Có chuyên môn phù hợp và được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo phù hợp về kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP thủy sản;

c) Đủ sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Có trang phục chuyên dụng, thẻ hiệu theo quy định khi thực hiện nhiệm vụ;

2. Đối với Trưởng đoàn: ngoài các yêu cầu nêu tại khoản 1 Điều này phải có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực kiểm tra.

Điều 7. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kiểm tra hiện trường

1. Chuyên dụng, có dấu hiệu phân biệt với các dụng cụ khác.

2. Trong tình trạng hoạt động và bảo trì tốt; được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; tình trạng vệ sinh tốt, bảo đảm không là nguồn lây nhiễm.

Điều 8. Yêu cầu đối với phòng kiểm nghiệm

Các phòng kiểm nghiệm tham gia hoạt động phân tích, kiểm nghiệm, xét nghiệm các chỉ tiêu về CL, ATTP phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở; kiểm tra, chứng nhận nhà nước về CL, ATTP đối với lô hàng phải được Cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chương 2.

KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM

MỤC 1. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN

Điều 9. Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận

1. Các Cơ sở thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thủy sản lập 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra và gửi cho Cơ quan kiểm tra theo phân cấp nêu tại Điều 5 Thông tư này để được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATTP.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra theo mẫu nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở (không áp dụng đối với tàu cá);

c) Báo cáo hiện trạng về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này (không áp dụng đối với tàu cá);

d) Bảng tổng hợp kế hoạch HACCP cho nhóm sản phẩm tương tự đăng ký kiểm tra (áp dụng đối với các Cơ sở thuộc diện bắt buộc phải xây dựng và thực hiện Chương trình đảm bảo CL, ATTP theo nguyên tắc HACCP theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02 - 02: 2009/BNNPTNT);

3. Đối với các Cơ sở đăng ký kiểm tra sau khi khắc phục sai lỗi của lần kiểm tra trước, Cơ sở chỉ lập hồ sơ bao gồm 01 (một) báo cáo kết quả khắc phục các sai lỗi theo mẫu nêu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cơ quan kiểm tra.

4. Hồ sơ đăng ký kiểm tra được gửi đến Cơ quan kiểm tra bằng một trong các hình thức như: gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc Fax, thư điện tử, đăng ký trực tuyến (sau đó Cơ sở gửi 01 Giấy đăng ký kiểm tra hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi tới Cơ quan kiểm tra, các hồ sơ còn lại Cơ sở cung cấp khi Đoàn kiểm tra đến kiểm tra).

Điều 10. Thông báo kế hoạch kiểm tra

1. Cơ quan kiểm tra phối hợp với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá thực hiện việc thống kê, lập danh sách các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này và thông báo kế hoạch kiểm tra đến các cơ sở bằng một trong các hình thức gửi trực tiếp, fax, email.

2. Đối với các Cơ sở có đăng ký kiểm tra:

a) Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra của Cơ sở, Cơ quan kiểm tra phải xem xét, hướng dẫn Cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

b) Nếu hồ sơ đăng ký phù hợp, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra phải thông báo cho Cơ sở thời gian dự kiến tiến hành kiểm tra. Thời gian này không muộn quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.

3. Trường hợp Cơ sở không thực hiện việc đăng ký kiểm tra, Cơ quan kiểm tra vẫn thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đã lập.

4. Đối với tàu cá, Cơ quan kiểm tra trao đổi thống nhất với chủ tàu để xác định khoảng thời gian và địa điểm kiểm tra phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của tàu.

Điều 11. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra đánh giá, phân loại: là hình thức kiểm tra có thông báo trước, kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu về điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở và được áp dụng đối với:

a) Cơ sở thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản nhưng chưa được cấp;

b) Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP;

c) Cơ sở có Giấy chứng nhận ATTP còn hiệu lực ít hơn 6 (sáu) tháng;

d) Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP nhưng thay đổi chủ sở hữu hoặc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng điều kiện sản xuất dẫn đến việc thay đổi khả năng xuất hiện các mối nguy về ATTP so với ban đầu;

đ) Cơ sở bổ sung sản phẩm không thuộc nhóm sản phẩm tương tự đã được chứng nhận;

e) Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư này nhưng có sự thay đổi trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu;

g) Cơ sở đăng ký bổ sung vào danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách;

h) Cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng hoãn kiểm tra định kỳ có thời hạn quá 12 (mười hai) tháng.

2. Kiểm tra định kỳ: là hình thức kiểm tra không báo trước, nhằm giám sát việc duy trì điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP.

3. Kiểm tra đột xuất: là hình thức kiểm tra không báo trước, được áp dụng đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm CL, ATTP hoặc khi có khiếu nại của các tổ chức, cá nhân.

Điều 12. Thành lập Đoàn kiểm tra

1. Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở.

2. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra bao gồm các nội dung sau:

a) Căn cứ kiểm tra;

b) Phạm vi, nội dung, hình thức và thời gian dự kiến kiểm tra;

c) Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của Cơ sở được kiểm tra;

d) Họ tên, chức danh, đơn vị công tác của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn;

đ) Trách nhiệm của Cơ sở được kiểm tra và Đoàn kiểm tra.

3. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra phải được thông báo tại Cơ sở khi bắt đầu kiểm tra.

Điều 13. Nội dung, phương pháp kiểm tra

1. Nội dung kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở bao gồm:

a) Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và người trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh về bảo đảm ATTP thủy sản;

b) Chương trình quản lý chất lượng;

c) Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

d) Lấy mẫu để thẩm tra hiệu quả hoạt động tự kiểm soát về ATTP của Cơ sở khi cần thiết (không áp dụng trong trường hợp Cơ quan kiểm tra là Ủy ban nhân dân cấp xã). Trường hợp có lấy mẫu thẩm tra, Đoàn kiểm tra phải lập phiếu lấy mẫu kiểm nghiệm có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra và người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở;

2. Phương pháp kiểm tra, hướng dẫn đánh giá đối với các Cơ sở thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Biên bản kiểm tra

1. Biên bản kiểm tra bảo đảm:

a) Thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra theo mẫu quy định và được lập tại Cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra;

b) Ghi rõ các hạng mục không bảo đảm ATTP và thời hạn khắc phục các sai lỗi;

c) Nêu kết luận chung về điều kiện bảo đảm ATTP và mức xếp loại đối với Cơ sở theo quy định tại Điều 15 Thông tư này;

d) Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi;

đ) Có chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của Cơ sở. Đóng dấu giáp lai Biên bản kiểm tra hoặc Trưởng đoàn ký từng trang Biên bản kiểm tra trong trường hợp cơ sở không có con dấu.

e) Được lập thành 2 (hai) bản: 1 (một) bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 1 (một) bản lưu tại Cơ sở, trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.

2. Nếu đại diện Cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra và không có ý kiến về kết quả kiểm tra, cam kết khắc phục các sai lỗi thì Đoàn kiểm tra phải ghi rõ là: “Đại diện Cơ sở được kiểm tra không ký biên bản” và nêu rõ lý do đại diện Cơ sở không ký. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên của Đoàn kiểm tra.

Điều 15. Phân loại điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở

Áp dụng các mức phân loại đối với Cơ sở về điều kiện bảo đảm ATTP như sau:

1. Loại A (tốt): áp dụng đối với Cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP, không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng;

2. Loại B (đạt): áp dụng đối với các Cơ sở đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP, có ít lỗi nặng và không có lỗi nghiêm trọng;

3. Loại C (không đạt): áp dụng đối với các Cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng hoặc có lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục, sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, gây mất an toàn thực phẩm.

4. Mức phân loại cụ thể đối với từng loại hình Cơ sở theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 16. Xử lý kết quả kiểm tra

Trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thẩm tra biên bản kiểm tra của Đoàn kiểm tra, xử lý kết quả và gửi kết quả kiểm tra trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Cơ sở, cụ thể như sau:

1. Kiểm tra, đánh giá phân loại:

a) Cơ sở đạt yêu cầu (loại A hoặc B): Ban hành Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cấp Giấy chứng nhận ATTP có thời hạn 3 (ba) năm kể từ ngày cấp theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và 01 (một) mã số duy nhất cho Cơ sở theo hệ thống mã số quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này khi chủ cơ sở có đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận ATTP.

b) Cơ sở không đạt (loại C): Thông báo kết quả kiểm tra và và yêu cầu Cơ sở có báo cáo kết quả khắc phục cụ thể. Tùy theo mức độ sai lỗi của cơ sở, Cơ quan kiểm tra quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức kiểm tra lại. Nếu tại thời điểm kiểm tra lại, Cơ sở vẫn không đủ điều kiện ATTP (xếp loại C), Cơ quan kiểm tra thu hồi Giấy chứng nhận ATTP (nếu cơ sở đã được cấp) và thông báo cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử phạt hành chính, đồng thời thông báo tới cơ quan chức năng xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho Cơ sở.

2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất:

a) Đối với Cơ sở có kết quả đạt (xếp loại A hoặc B): Thông báo cho Cơ sở về kết quả kiểm tra và tần suất kiểm tra áp dụng trong thời gian tới;

b) Đối với Cơ sở xuống loại C: Thực hiện theo quy định nêu tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp có thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm khi kiểm tra, nếu kết quả kiểm nghiệm phát hiện vi phạm các quy định về ATTP hoặc có khả năng dẫn đến nguy cơ không bảo đảm ATTP, Cơ quan kiểm tra yêu cầu Cơ sở báo cáo kết quả thực hiện hành động khắc phục, bao gồm việc truy xuất, thu hồi sản phẩm theo quy định hiện hành, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện hành động khắc phục khi cần thiết.

Điều 17. Cập nhật danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu

1. Cơ sở được bổ sung vào danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách nếu đáp ứng các điều kiện:

a) Đăng ký kiểm tra với Cơ quan kiểm tra theo các thủ tục quy định tại Điều 9 Thông tư này;

b) Xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng phù hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu và lưu trữ đầy đủ hồ sơ thực hiện ít nhất là 30 (ba mươi) ngày có sản xuất tính đến thời điểm kiểm tra;

c) Được Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra và chứng nhận đáp ứng các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu tương ứng.

2. Cơ sở bị đưa ra khỏi danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách trong trường hợp: Khi Cơ sở có văn bản gửi cơ quan kiểm tra đề nghị rút tên ra khỏi danh sách thị trường xuất khẩu hoặc Cơ sở vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này.

3. Thời điểm Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện cập nhật danh sách Cơ sở được phép xuất khẩu vào thị trường theo quy định của từng nước nhập khẩu hoặc theo trình tự thủ tục đã được thoả thuận với cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu.

MỤC 2. GIÁM SÁT ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ATTP CỦA CƠ SỞ VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ATTP

Điều 18. Tần suất kiểm tra định kỳ

1. Tần suất kiểm tra:

a) Cơ sở xếp loại A: 1 năm/lần;

b) Cơ sở xếp loại B: 6 tháng/lần;

c) Cơ sở xếp loại C: Thời điểm kiểm tra đột xuất tùy thuộc vào mức độ sai lỗi của Cơ sở được kiểm tra và do Cơ quan kiểm tra quyết định nhưng không quá 03 (ba) tháng kể từ thời điểm kiểm tra trước đó.

2. Riêng đối với tàu cá đã được kiểm tra đạt yêu cầu (xếp loại A, B), Cơ quan kiểm tra tại địa phương thực hiện kiểm tra khi tàu neo đậu tại cảng ít nhất 2 (hai) lần trong 3 (ba) năm và bảo đảm thời gian giữa hai lần kiểm tra tối thiểu là 1 (một) năm.

Điều 19. Thu hồi Giấy chứng nhận ATTP

1. Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP nhưng có kết quả kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xếp loại C sau 02 (hai) lần liên tiếp;

b) Cơ sở đề nghị hoãn kiểm tra nhưng bị Cơ quan kiểm tra phát hiện vẫn sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian đề nghị hoãn kiểm tra;

c) Cơ sở đang sản xuất, kinh doanh gây cản trở khi Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo quy định trong Thông tư này;

d) Cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát tạp chất;

đ) Cơ sở vi phạm quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm;

e) Cơ sở vi phạm quy định về ghi nhãn lô hàng thủy sản;

g) Cơ sở thu mua, sử dụng nguyên liệu từ các cơ sở nuôi thủy sản, vùng nuôi thủy sản và vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị cấm hoặc đình chỉ thu hoạch bởi cơ quan có thẩm quyền do không bảo đảm ATTP;

h) Cơ sở giả mạo, sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận ATTP; giả mạo, sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận CL, ATTP lô hàng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kết quả phân tích, kiểm nghiệm phục vụ cho hoạt động kiểm tra, chứng nhận nhà nước của Cơ quan kiểm tra;

i) Cơ sở có các vi phạm khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quyết định.

2. Cơ quan kiểm tra có văn bản thu hồi Giấy chứng nhận ATTP gửi Cơ sở, rút tên Cơ sở khỏi danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu phải lập danh sách (áp dụng đối với Cơ sở nêu tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này), đồng thời lập hồ sơ gửi Cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật về ATTP.

Điều 20. Cấp lại Giấy chứng nhận ATTP

1. Giấy chứng nhận ATTP được cấp lại trong những trường hợp sau: Giấy chứng nhận bị mất; Giấy chứng nhận bị hư hỏng; khi Cơ sở có thay đổi hoặc bổ sung thông tin liên quan của Cơ sở trong Giấy chứng nhận (loại trừ các trường hợp Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này); riêng đối với tàu cá đã được chứng nhận nhưng sau đó thay đổi chủ sở hữu hoặc chuyển vùng;

2. Việc cấp lại Giấy chứng nhận ATTP được thực hiện như sau:

a) Cơ sở làm văn bản gửi Cơ quan kiểm tra nêu rõ lý do đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Số lượng hồ sơ: 01 văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP;

c) Cơ sở có thể nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua Fax, E-mail, mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính); gửi theo đường bưu điện;

d) Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận của Cơ sở, Cơ quan kiểm tra phải cấp lại Giấy chứng nhận cho Cơ sở.

3. Thời hạn hết hiệu lực của Giấy chứng nhận ATTP được cấp lại trùng với thời hạn hết hiệu lực của Giấy chứng nhận ATTP cũ.

Chương 3.

KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM LÔ HÀNG THỦY SẢN

MỤC 1. YÊU CẦU ĐỐI VỚI LÔ HÀNG ĐƯỢC ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG

Điều 21. Điều kiện lô hàng được đưa ra thị trường tiêu thụ trong nước

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 56/2009/TT-BNNPTNT ngày 07/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trước khi đưa ra thị trường và Thông tư số 23/2011/TT-BNNPTNT ngày 6/4/2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thủy sản theo Nghị quyết 57/NQ-CP .

Điều 22. Điều kiện lô hàng được phép xuất khẩu

1. Được sản xuất từ Cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định tại Thông tư này, đồng thời đáp ứng các quy định về bảo đảm ATTP của các nước nhập khẩu tương ứng.

2. Được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận CL, ATTP theo quy định của nước nhập khẩu và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Lô hàng thủy sản xuất khẩu được phép ghi trên nhãn các thông tin theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nhưng không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu. Ngoài các thông tin bắt buộc theo quy định của nước nhập khẩu, lô hàng xuất khẩu phải có thêm các thông tin sau:

a) Mã số Cơ sở sản xuất;

b) Mã số lô hàng.

4. Trường hợp lô hàng được sản xuất từ các Cơ sở sản xuất khác nhau để xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Cơ sở thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng (bao gói, ghi nhãn sản phẩm) và Cơ sở thực hiện các công đoạn sản xuất trước đó phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của Việt Nam và quy định của thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng;

b) Các Cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có văn bản cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan kiểm tra trong trường hợp lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc Cơ quan kiểm tra phát hiện vi phạm về CL, ATTP;

c) Các Cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát CL, ATTP đối với các công đoạn sản xuất do Cơ sở mình thực hiện, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

d) Chủ hàng phải báo cáo cho Cơ quan kiểm tra khi làm thủ tục đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATTP lô hàng để xuất khẩu; báo cáo Đoàn kiểm tra khi kiểm tra tại Cơ sở thực hiện các công đoạn sản xuất lô hàng.

MỤC 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, NỘI DUNG KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN ĐỐI VỚI LÔ HÀNG XUẤT KHẨU

Điều 23. Đăng ký kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP

1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra cho 01 (một) lô hàng xuất khẩu bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bảng kê chi tiết lô hàng theo mẫu tại Phụ lục 8a ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra đến Cơ quan kiểm tra bằng một trong các hình thức như: gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc Fax, thư điện tử, đăng ký trực tuyến (sau đó Cơ sở gửi 01 Giấy đăng ký kiểm tra cho Cơ quan Kiểm tra).

3. Xử lý hồ sơ đăng ký:

Trong vòng 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan kiểm tra xem xét và hướng dẫn chủ hàng bổ sung các nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

b) Đối với lô hàng thuộc hình thức kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm, thời điểm kiểm tra không muộn hơn 02 (hai) ngày làm việc sau khi Cơ quan kiểm tra nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký hoặc được Cơ quan kiểm tra và chủ hàng thống nhất theo đăng ký của chủ hàng.

Điều 24. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra hồ sơ: là hình thức chỉ kiểm tra hồ sơ đăng ký của chủ hàng, đối chiếu với các thông tin có liên quan về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở sản xuất lô hàng và xem xét cấp giấy chứng nhận CL, ATTP mà không thực hiện kiểm tra tại hiện trường.

2. Kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm: là hình thức kiểm tra hồ sơ đăng ký của chủ hàng và thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng tại hiện trường.

Điều 25. Chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm

1. Kiểm tra giảm: áp dụng đối với các Cơ sở đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây trong thời gian 12 (mười hai) tháng trước thời điểm được xem xét kiểm tra giảm lô hàng:

a) Có điều kiện bảo đảm ATTP xếp loại “A”;

b) Không có lô hàng bị Cơ quan kiểm tra phát hiện hoặc cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về CL, ATTP;

c) Không bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm quy định về bảo đảm CL, ATTP.

2. Kiểm tra thông thường: là chế độ kiểm tra áp dụng đối với Cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP (loại A hoặc B).

3. Kiểm tra chặt: là chế độ kiểm tra áp dụng đối với cơ sở thuộc một trong các trường hợp:

a) Điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở xếp loại C nhưng chưa bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP;

b) Có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo CL, ATTP.

4. Tần suất kiểm tra:

a) Tần suất kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng đối với các Cơ sở nêu tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Cơ sở thuộc chế độ kiểm tra lô hàng nêu tại điểm b khoản 3 Điều này, Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các lô hàng sản xuất hoặc lô hàng xuất khẩu của nhóm sản phẩm tương tự của Cơ sở để phân tích chỉ tiêu bị cảnh báo theo quy định của thị trường. Cơ sở được dỡ bỏ chế độ kiểm tra chặt khi kết quả kiểm tra 5 (năm) lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu và kết quả thẩm tra của cơ quan kiểm tra về các biện pháp khắc phục của Cơ sở đạt yêu cầu;

c) Cơ sở bị hủy bỏ chế độ kiểm tra giảm đối với lô hàng xuất khẩu khi không đáp ứng một trong các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều này.

5. Thủ tục thực hiện kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 26. Cấp Giấy chứng nhận CL, ATTP

1. Lô hàng của Cơ sở thuộc hình thức kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu: Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp Giấy chứng nhận CL, ATTP (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) theo mẫu tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ hàng trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ và thông tin phục vụ cho việc chứng nhận.

2. Lô hàng của Cơ sở thuộc hình thức kiểm tra nêu tại khoản 2 Điều 24 Thông tư này: Kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cho lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo thời hạn sau:

a) Không quá 01 (một) ngày làm việc đối với lô hàng dạng tươi, sống;

b) Không quá 07 (bảy) ngày làm việc đối với lô hàng dạng sản phẩm khác;

c) Trường hợp phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm bên ngoài, cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cho chủ hàng không quá 1 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ kết quả kiểm nghiệm.

3. Đối với lô hàng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu mẫu Giấy chứng nhận riêng (sau đây gọi tắt là Chứng thư):

a) Chủ hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin bằng văn bản và không muộn hơn 1 (một) ngày làm việc tính từ thời điểm lô hàng được xuất khẩu cho Cơ quan kiểm tra để cấp Chứng thư;

b) Trong thời hạn 1 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin, Cơ quan kiểm tra cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu.

4. Trường hợp chủ hàng có yêu cầu được cấp chuyển tiếp Giấy chứng nhận, chứng thư đối với lô hàng, Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra lô hàng và Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp Giấy chứng nhận, chứng thư chuyển tiếp có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc cấp chuyển tiếp bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Được thực hiện ngay trong ngày nhận được Giấy chứng nhận, chứng thư ban đầu;

b) Giấy chứng nhận, chứng thư cấp chuyển tiếp có nội dung chính xác với nội dung trong Giấy chứng nhận, chứng thư ban đầu.

5. Sau thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ thời điểm lô hàng được kiểm tra, nếu chủ hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan kiểm tra để cấp giấy chứng nhận, chứng thư, chủ hàng phải thực hiện đăng ký kiểm tra lại đối với lô hàng theo quy định nêu tại Điều 23 Thông tư này để được chứng nhận.

Điều 27. Yêu cầu đối với Giấy chứng nhận, chứng thư

1. Mỗi một lô hàng xuất khẩu đăng ký kiểm tra có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thực hiện 01 (một) lần cấp Giấy chứng nhận, chứng thư. Giấy chứng nhận, chứng thư chỉ có giá trị đối với lô hàng được vận chuyển, bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi nội dung đã được kiểm tra, chứng nhận về CL, ATTP.

2. Giấy chứng nhận, chứng thư được đánh số theo quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chứng thư có hình Quốc huy và nội dung, hình thức phù hợp.

4. Cơ quan kiểm tra được cấp thêm các loại giấy chứng nhận khác (không có Quốc huy) theo yêu cầu của chủ hàng hoặc của nước nhập khẩu bảo đảm phù hợp với nội dung đã kiểm tra, chứng nhận lô hàng.

Điều 28. Giám sát lô hàng sau chứng nhận

1. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Cơ quan kiểm tra thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với Hải quan thực hiện kiểm tra lô hàng tại địa điểm tập kết khi lô hàng chờ làm thủ tục hải quan để xuất khẩu nhằm kiểm tra thông tin lô hàng sau chứng nhận.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan kiểm tra xem xét biên bản làm việc của đoàn kiểm tra để có văn bản thu hồi Giấy chứng nhận, chứng thư (nếu đã cấp) gửi chủ hàng. Đồng thời, đề nghị Hải quan không cho phép thông quan lô hàng. Tùy theo mức độ vi phạm của lô hàng, Cơ quan kiểm tra có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 29. Cấp lại Giấy chứng nhận, chứng thư

1. Khi Giấy chứng nhận, chứng thư bị thất lạc, hư hỏng, chủ hàng có văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan kiểm tra đề nghị để được cấp lại Giấy chứng nhận, chứng thư.

2. Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp lại trong vòng 1 (một) ngày làm việc sau khi nhận được văn bản đề nghị của chủ hàng và bảo đảm:

a) Giấy chứng nhận, chứng thư cấp lại có nội dung chính xác với nội dung của giấy đã cấp cho lô hàng;

b) Giấy chứng nhận, chứng thư được đánh số mới để quản lý và có ghi chú: "Giấy chứng nhận (chứng thư) này thay thế cho Giấy chứng nhận (chứng thư) số …, cấp ngày …”;

Điều 30. Xử lý các trường hợp lô hàng không đạt

1. Lô hàng không đạt về hồ sơ sản xuất, chỉ tiêu cảm quan, ngoại quan:

Sau 1 (một) ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, Cơ quan kiểm tra gửi Thông báo lô hàng không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này cho chủ hàng.

2. Lô hàng không đạt về chỉ tiêu CL, ATTP sau khi có kết quả kiểm nghiệm:

a) Cơ quan kiểm tra gửi Thông báo lô hàng không đạt cho chủ hàng, nêu rõ lý do không đạt, đồng thời yêu cầu chủ hàng điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục và lập báo cáo giải trình;

b) Sau khi nhận được báo cáo giải trình của chủ hàng/Cơ sở sản xuất lô hàng, Cơ quan kiểm tra tiến hành thẩm tra các nội dung báo cáo khi thực hiện kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với lô hàng xuất khẩu tiếp theo của chủ hàng hoặc kết hợp thẩm tra khi kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất lô hàng không đạt.

3. Trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Thông báo lô hàng không đạt được gửi, nếu chủ hàng có gửi văn bản khiếu nại về kết quả kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 12.2 Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất về điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở có từ 6 (sáu) lô hàng trở lên trong 3 (ba) tháng bị Cơ quan kiểm tra phát hiện vi phạm về chỉ tiêu ATTP theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu;

b) Cơ sở không thực hiện báo cáo giải trình theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra tại Thông báo lô hàng không đạt nêu tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 31. Xử lý lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về CL, ATTP

1. Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi có thông tin cảnh báo chính thức của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu Cơ sở sản xuất lô hàng thực hiện:

a) Truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đạt CL, ATTP; thiết lập và thực hiện hành động khắc phục; lập báo cáo đúng thời hạn theo yêu cầu gửi Cơ quan kiểm tra;

b) Tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu tương ứng nếu Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu có yêu cầu hoặc Cơ sở có quá 3 (ba) lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 6 (sáu) tháng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về CL, ATTP.

2. Sau khi nhận được báo cáo giải trình của Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này và kết quả kiểm tra chặt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư này, Cơ quan kiểm tra thẩm tra các nội dung báo cáo của Cơ sở, thực hiện kiểm tra đột xuất tại Cơ sở (khi cần thiết).

3. Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi kết thúc thẩm tra, Cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở.

4. Trong trường hợp chủ hàng/Cơ sở báo cáo không đầy đủ các nội dung hoặc không thực hiện báo cáo đúng thời hạn theo yêu cầu, Cơ quan kiểm tra có văn bản yêu cầu chủ hàng thực hiện lại hoạt động khắc phục hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Điều 32. Cơ sở được kiểm tra về điều kiện bảo đảm ATTP

1. Trách nhiệm:

a) Thực hiện việc đăng ký kiểm tra theo trình tự, thủ tục và hồ sơ quy định tại Điều 9, Thông tư này. Chấp hành việc kiểm tra theo kế hoạch của Cơ quan kiểm tra kể cả khi chưa làm thủ tục đăng ký;

b) Cung cấp danh sách và bố trí những người có thẩm quyền đại diện cho Cơ sở để làm việc với Đoàn kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm tra khi làm việc tại Cơ sở;

c) Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, mẫu thử nghiệm theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra hoặc Kiểm tra viên độc lập và chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu đã cung cấp;

d) Duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm ATTP đã được chứng nhận;

đ) Thực hiện việc sửa chữa, khắc phục các sai lỗi đã nêu trong Biên bản kiểm tra và các thông báo của Cơ quan kiểm tra theo đúng thời hạn yêu cầu;

e) Ký tên vào Biên bản kiểm tra.

2. Quyền hạn:

a) Có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả kiểm tra trong biên bản kiểm tra;

b) Khiếu nại về kết quả kiểm tra đối với Cơ sở;

c) Phản ảnh kịp thời cho thủ trưởng Cơ quan kiểm tra về những hành vi tiêu cực của Đoàn kiểm tra hoặc của Kiểm tra viên.

Điều 33. Chủ hàng/chủ cơ sở sản xuất lô hàng

1. Trách nhiệm:

a) Đăng ký kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP lô hàng với Cơ quan kiểm tra theo thủ tục và hồ sơ quy định tại Điều 23 Thông tư này;

b) Tạo điều kiện cho kiểm tra viên của Cơ quan kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lấy mẫu và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan (trường hợp lô hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra tại hiện trường và lấy mẫu kiểm nghiệm);

c) Không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm, thông tin ghi nhãn khác với nội dung đã đăng ký và được kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP;

d) Thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp đối với lô hàng không đạt CL, ATTP, lô hàng bị trả về hoặc triệu hồi theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra và cơ quan có thẩm quyền;

đ) Nộp phí và lệ phí kiểm tra chứng nhận theo quy định tại Chương V.

2. Quyền hạn:

a) Được áp dụng chế độ kiểm tra giảm lô hàng nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được nêu tại khoản 1 Điều 25 Thông tư này;

b) Yêu cầu Cơ quan kiểm tra cung cấp các thông tin, quy định, mẫu biểu liên quan đến việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP sản phẩm thủy sản theo quy định của Thông tư này;

c) Bảo lưu ý kiến khác với kết quả kiểm tra;

d) Trưng cầu giám định;

đ) Khiếu nại, tố cáo về mọi hành vi sai trái của kiểm tra viên, Cơ quan kiểm tra, phòng kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Kiểm tra viên

1. Khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, Kiểm tra viên có trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp, căn cứ kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở; kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo quy định tại Thông tư này;

b) Bảo mật các thông tin liên quan đến sản xuất kinh doanh của Cơ sở, chủ hàng theo quy định của pháp luật; đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Chấp hành sự phân công của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả công việc do mình thực hiện trước Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra và trước pháp luật khi tiến hành kiểm tra;

2. Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, kiểm tra viên có quyền:

a) Yêu cầu Cơ sở/chủ hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, mẫu vật (nếu có) phục vụ cho nhiệm vụ kiểm tra;

b) Ra vào nơi sản xuất, bảo quản, kho hàng; xem xét hồ sơ, lấy mẫu, chụp ảnh, sao chép, ghi chép các thông tin cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ kiểm tra;

c) Lập biên bản và niêm phong mẫu vật (nếu có) trong một thời gian cần thiết và đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý nếu có bằng chứng về việc Cơ sở/chủ hàng vi phạm các quy định có liên quan đến bảo đảm ATTP;

d) Bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo với thủ trưởng Cơ quan kiểm tra trong trường hợp chưa nhất trí với ý kiến kết luận của người trực tiếp phân công nhiệm vụ nêu tại điểm c khoản 1 Điều này;

đ) Từ chối thực hiện kiểm tra trong trường hợp chủ hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định nêu tại điểm c khoản 1 Điều 32 và điểm b khoản 1 Điều 33 Thông tư này.

Điều 35. Trưởng Đoàn kiểm tra

1. Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, Trưởng Đoàn kiểm tra có các trách nhiệm như một Kiểm tra viên nêu tại khoản 1 Điều 34 Thông tư này và các trách nhiệm khác như sau:

a) Điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn kiểm tra để thực hiện đầy đủ các nội dung đã ghi trong quyết định kiểm tra;

b) Xử lý các ý kiến, kết quả kiểm tra của các thành viên trong Đoàn kiểm tra và đưa ra kết quả cuối cùng;

c) Rà soát, ký biên bản kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng Cơ quan kiểm tra và trước pháp luật về kết quả đã được Đoàn kiểm tra thực hiện.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Trưởng Đoàn kiểm tra có các quyền hạn như một Kiểm tra viên nêu tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này và các quyền hạn khác như sau:

a) Đề xuất với Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra ban hành quyết định điều chỉnh thành viên Đoàn kiểm tra để thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu trong quyết định kiểm tra;

b) Đưa ra kết luận cuối cùng của Đoàn kiểm tra về kết quả kiểm tra.

Điều 36. Cơ quan kiểm tra địa phương

1. Trách nhiệm:

a) Lập kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này; tổ chức thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản đối với các Cơ sở theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

b) Lưu trữ hồ sơ có liên quan đến hoạt động kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận đúng quy định; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác các vấn đề có liên quan đến việc kiểm tra, chứng nhận do cơ quan mình thực hiện khi Cơ quan kiểm tra cấp trên yêu cầu;

c) Bảo mật các thông tin có liên quan đến bí mật sản xuất kinh doanh của Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận;

d) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp và báo cáo bằng văn bản cho Cơ quan kiểm tra cấp trên;

đ) Đề xuất nhu cầu đào tạo, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do Cơ quan kiểm tra cấp trên tổ chức;

2. Trách nhiệm của Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh:

Ngoài các nội dung trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh còn có các trách nhiệm sau:

a) Phối hợp với các Cơ quan kiểm tra của các tỉnh/thành phố khác thực hiện kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm ATTP của tàu cá theo quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư này;

b) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp và báo cáo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản về kết quả kiểm tra, chứng nhận; tình hình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận trên địa bàn tỉnh/thành phố; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để triển khai hiệu quả công tác này;

c) Hàng năm, phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cơ quan kiểm tra khác tại địa phương thống nhất danh sách các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng kiểm tra của từng cơ quan trên địa bàn quản lý;

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP thủy sản cho các cán bộ kiểm tra cấp huyện/xã trong địa bàn tỉnh.

đ) Cập nhật thường xuyên và công bố danh sách Cơ sở đủ và chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện truyền thông tại địa phương.

3. Quyền hạn:

a) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện của Cơ quan kiểm tra cấp dưới;

b) Yêu cầu các Cơ sở thuộc nhóm đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận thực hiện việc đăng ký kiểm tra để được cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định tại Điều 10 Thông tư này và thực hiện việc khắc phục các sai lỗi về điều kiện bảo đảm ATTP đã nêu trong Biên bản kiểm tra;

c) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận ATTP cho các Cơ sở thuộc đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận;

d) Đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các Cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm ATTP.

Điều 37. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố

1. Chỉ định Cơ quan thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP các Cơ sở theo phân công, phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này và thông báo cho Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

2. Chỉ định Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP các Cơ sở trong phạm vi được phân công, phân cấp của Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã trong trường hợp Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã chưa đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn hỗ trợ các Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã nâng cao năng lực và tổ chức bàn giao nhiệm vụ ngay sau khi Cơ quan kiểm tra cấp huyện, cấp xã đủ năng lực thực hiện.

3. Hướng dẫn thống nhất hệ thống mã số cho các Cơ sở nêu tại điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này trên địa bàn tỉnh/thành phố theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này theo phạm vi được phân công, phân cấp trong địa bàn tỉnh/thành phố.

5. Đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung các các quy định, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác kiểm tra và chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Điều 38. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Trách nhiệm:

a) Thống nhất công tác quản lý kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP đối với các Cơ sở trên phạm vi cả nước; công tác kiểm tra, chứng nhận lô hàng; định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP thủy sản của các Cơ quan kiểm tra;

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm tra viên chất lượng, ATTP thủy sản, chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, chứng nhận lô hàng;

c) Lập và thông báo kế hoạch kiểm tra đối với các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này;

d) Lưu trữ đầy đủ hồ sơ có liên quan đến kết quả kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ sở theo phân công đúng quy định; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm tra chứng nhận khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu;

đ) Tổ chức việc kiểm tra và chứng nhận ATTP thủy sản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này;

e) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra; nội dung của Giấy Chứng nhận, chứng thư và Thông báo lô hàng không đạt;

g) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại của chủ hàng đối với việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP thủy sản do cơ quan mình tiến hành; Bồi thường vật chất cho chủ hàng về hậu quả do những sai sót trong việc kiểm tra và chứng nhận theo quy định của pháp luật hiện hành;

h) Bảo mật thông tin liên quan đến bí mật sản xuất kinh doanh của các Cơ sở được phân công kiểm tra, chứng nhận;

i) Hàng năm, chủ trì phối hợp với các Cơ quan kiểm tra nêu tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này thống nhất danh sách các Cơ sở thuộc phạm vi kiểm tra của hai cơ quan trên địa bàn;

k) Định kỳ 6 (sáu) tháng 1 (một) lần và khi có yêu cầu công bố danh sách các Cơ sở đã được chứng nhận và chưa được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP thuộc phạm vi được phân công, phân cấp trên phạm vi cả nước;

l) Công bố danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu phải lập danh sách theo thời hạn đã thống nhất với cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu;

m) Tập hợp và lập danh mục các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và nước nhập khẩu về điều kiện bảo đảm CL, ATTP thủy sản thông báo đến các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất áp dụng.

2. Quyền hạn:

a) Kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP của các Cơ quan kiểm tra cấp tỉnh/huyện/xã trong phạm vi cả nước;

b) Lấy mẫu và kiểm tra lô hàng theo quy định tại Thông tư này; Từ chối việc kiểm tra và chứng nhận CL, ATTP trong trường hợp chủ hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định nêu tại khoản 1 Điều 33;

c) Yêu cầu các Cơ sở thuộc phạm vi được phân công kiểm tra, chứng nhận thực hiện khắc phục các sai lỗi về điều kiện bảo đảm ATTP đã nêu trong Biên bản kiểm tra; điều tra nguyên nhân lây nhiễm, thiết lập biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các Cơ sở có lô hàng bị Cơ quan kiểm tra và Cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về CL, ATTP theo quy định tại Thông tư này;

d) Thông báo tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP lô hàng và đề nghị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu bỏ tên Cơ sở ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào nước nhập khẩu có yêu cầu lập danh sách nếu Cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc vi phạm quy định nêu tại Điều 19 và điểm b khoản 1 Điều 31 Thông tư này;

đ) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận ATTP cho các Cơ sở thuộc đối tượng được phân công kiểm tra, chứng nhận; Xử lý đối với các trường hợp Cơ sở vi phạm quy định của Thông tư này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật;

e) Lập hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định của Thông tư này.

Điều 39. Phòng kiểm nghiệm

1. Trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng quy trình kiểm nghiệm, đảm bảo năng lực thiết bị kiểm nghiệm, bảo mật thông tin của Chủ hàng theo quy định của pháp luật;

b) Đảm bảo kết quả kiểm nghiệm chính xác, khách quan;

c) Thông báo kết quả đúng hạn cho Cơ quan kiểm tra;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm;

đ) Tham gia vào các chương trình thử nghiệm thành thạo theo yêu cầu của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản;

e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm đúng quy định và xuất trình khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu;

g) Bồi thường vật chất cho Chủ hàng về hậu quả do những sai sót trong việc kiểm nghiệm do mình thực hiện theo các quy định hiện hành.

2. Quyền hạn:

a) Từ chối các mẫu không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Từ chối kiểm nghiệm đối với các mẫu, chỉ tiêu ngoài phạm vi được chứng nhận;

b) Được cung cấp các thông tin và tạo điều kiện về đào tạo nhằm nâng cao năng lực kiểm nghiệm;

c) Thu phí, lệ phí kiểm nghiệm theo quy định hiện hành.

Chương 5.

PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 40. Phí và lệ phí

1. Việc thu phí và lệ phí kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP thủy sản theo quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật có liên quan;

2. Cơ quan kiểm tra lập kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách hàng năm, trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt đối với những hoạt động kiểm tra, chứng nhận CL, ATTP quy định tại Thông tư này nhưng chưa có quy định thu phí.

Chương 6.

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 41. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm Thông tư này theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo.

2. Các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP của Cơ sở theo đúng trình tự, thủ tục của Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 42. Xử lý vi phạm

1. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm Thông tư này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Những hành vi cản trở, chống đối hoạt động kiểm tra của Cơ quan kiểm tra, các hành vi vi phạm Thông tư này gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này:

a) Thay thế Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản; Thông tư số 78/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản;

b) Hủy bỏ Điều 1, Điều 2 Thông tư số 23/2011/TT-BNNPTNT ngày 6/4/2011 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thủy sản theo Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 15/10/2010;

c) Hủy bỏ Điều 3, Điều 4 Thông tư số 47/2010/TT-BNNPTNT ngày 3/8/2010 về Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Quyết định 71/2007/QĐ-BNN ngày 06/8/2007; Quyết định 98/2007/QĐ-BNN ngày 03/12/2007; Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 và Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010.

2. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.

3. Đối với các Cơ sở đã được kiểm tra, chứng nhận và cấp mã số riêng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu là một Cơ sở sản xuất thủy sản độc lập theo quy định tại Thông tư này hoặc Cơ sở có nhiều loại hình sản xuất khác nhau nhưng chỉ được cấp 01 (một) mã số duy nhất:

a) Cơ sở được giữ nguyên mã số đã được cấp đến hết ngày 30/6/2012;

b) Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm rà soát, tổ chức kiểm tra, thu hồi, bổ sung và cấp lại mã số theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/7/2012.

Điều 44. Sửa đổi, bổ sung Thông tư

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện Thông tư này và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương;
-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm soát thủ tục hành chính-Văn phòng CP;
- Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng - Bộ NN&PTNT;
- Các đơn vị thuộc Cục Quản lý CL NLTS;
- Sở NN&PTNT, Cơ quan QLCL NLTS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản;
- Website Chính phủ; Công báo Chính phủ;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, QLCL.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

THE MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence– Freedom – Happiness
---------------

No. 55/2011/TT-BNNPTNT

Hanoi, August 03, 2011

 

CIRCULAR

ON INSPECTING AND CERTIFYING AQUACULTURAL PRODUCT QUALITY AND SAFETY

THE MINISTER OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

Pursuant to the Government's Decree No. 01/2008/ND-CP of January 03, 2008 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural development; the Government's Decree No. 75/2009/ND-CP on amending Article 3 of the Decree No. 01/2008/ND-CP;

Pursuant to the Law on Food safety No. 55/2010/QH12 of June 17, 2010;

Pursuant to the Law on Product and goods quality of November 21, 2007 and the Government's Decree No. 132/2008/ND-CP of December 31, 2008 detailing the implementation of a number of articles of the Law on Product and goods quality;

The Ministry of Agriculture and Rural development prescribes the inspection and certification of aquacultural product quality and safety as follows:

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation

1. This Circular prescribes the order, procedures for inspecting and certifying the qualification of food safety for facilities producing and trading aquacultural products; inspecting and certifying food safety and quality regarding aquacultural consignments and aquacultural products being used as food (hereinafter referred to as consignments); responsibilities and authority of inspection and certification agencies (hereinafter referred to as inspection agencies) and relevant organizations and individuals.

2. The inspection and certification of food safety and quality regarding imported consignments are implemented under the Circular No. 25/2010/TT-BNNPTNT of April 08, 2010 guiding the inspection of food hygiene and safety regarding imported goods of animal origin, Circular No. 51/2010/TT-BNNPTNT of September 08, 2010 on amending and supplementing a number of articles of the Circular No. 25/2010/TT-BNNPTNT and the Circular No. 06/2010/TT-BNNPTNT.

Article 2. Subjects of application

1. Facilities producing and trading aquacultural products that have registered to conduct food business in the Certificate of business registration as prescribed by current Vietnam’s law provisions and have fishing ships with the primary engine power from 50 CV and above (hereinafter referred to as Facilities):

a) Facilities with products for export;

b) Facilities with products for domestic consumption only;

2. Exported consignments subject to state inspection and certification of food safety and quality as prescribed by Vietnam’s and importing countries’ law provisions.

3. For exported consignments with request for quarantine certification as prescribed by current law provisions, inspection agencies prescribed in clause 1 Article 5 of this Circular shall concurrently carry out the quarantine and the food safety and quality inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In this Circular, the following terms are construed as follows:

1. Fishing ports: mean ports specialized for fishing ships, including port land and anchorage water. Port land includes wharves, depots, workshops, administrative zone, services of logistics, trading, export and import of aquacultural products.     .

2. Facilities producing aquacultural products: mean facilities with fixed location conducting one, a number of or all kinds of activities including producing, processing, preliminary processing, packaging, preserving in order to create aquacultural food.

3. Facilities trading aquacultural products: mean facilities performing one, a number of or all kinds of services including preserving, transporting or trading aquacultural food.

4. Markets with aquacultural product trading: mean fixed locations where the trading of aquacultural products take place, it might include procurement and preliminary processing.

5. Independent facilities producing aquacultural products: mean facilities with sufficient facilities and equipment to completely carry out a separate production process from receiving to preserving finished products in a locations; having the separate workforce of quality control officers with at least 3 employees that carry out food safety and quality inspection during the production, and at least 01 (one) employee that has been issued by competent agencies with the Certificate on finishing the relevant training course in quality control under the HACCP approach.

6. Independent cold storage for aquacultural product preservation: mean heat-insulated buildings with one or multiple artificially refrigerated rooms in order to provide frozen aquacultural product preservation services.

7. Origin tracing: means the ability to monitor and identify a product unit by each stage of the production, processing and distribution.

8. Sampling: means the intentional selection of samples and transfer to appointed test labs to analyze the food safety and quality norms..

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Exported consignments: means the volume of goods applied for inspection by goods owners for single export to one importer on one means of transport.

11. Initial sample: means the volume of products or one package unit taken from one position in the produced consignment.

12. Joint sample means the sample combined from initial samples

13. Average sample: means the volume of products or a number of package units taken from the joint sample.

14. Test sample: means the sample taken from the average sample to analyze the food safety and quality norms.

15. Retained sample: means the sample taken from the average sample and preserved in the condition that does not change its original property and used for comparing test when necessary.

16. Aquacultural food means all the aquatic and amphibious animals or plants, including eggs and their organs, being used as food or blending food of which the ingredient contains aquacultural products,

17. Group of similar aquacultural food means the aquacultural products with the same risk of food safety, being produced from similar technological processes in one facility.

18. Instant aquacultural food means aquacultural products that can be directly used by human without any special process before eating.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Bases for inspection and certification are Vietnam’s provisions, technical regulation on necessary conditions for food safety in aquacultural production and trading; the quality and safety of aquacultural food.

2. Facilities with exported aquacultural products, apart from satisfying the contents prescribed in clause 1 this Article, must satisfy the requirements under international treaties that Vietnam has signed or joined and the importing countries’ provisions.

Article 5. Inspection agencies

1. The Central inspection agency being the Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control and affiliated units shall be responsible to:

a) Inspect and certify the qualification of food safety for the facilities prescribed in point a clause 1 Article 2 of this Circular, including facilities with aquacultural products for both domestic consumption and export;

b) Inspect and certify the qualification of food safety and quality for aquacultural consignments and aquacultural products used for food prescribed in clause 2, clause 3 Article 2 of this Circular.

2. Local inspection agencies:

a) Provincial level: are Sub-departments of Agro-forestry and aquacultural product quality control (or professional agencies appointed by the Service of Agriculture and Rural development in central-affiliated cities and provinces regarding provinces and cities without any Sub-department of Agro-forestry and aquacultural product quality control) and responsible to inspect and certify the qualification of food safety for the facilities prescribed in point b clause 1 Article 2 of this Circular consistently with the decentralization of the Ministry of Agriculture and Rural development prescribed in the Circular No. 14/2011/TT-BNNPTNT of March 29, 2011 (hereinafter referred to as Circular 14);

b) District level: are Professional agencies belonging to district-level People’s Committees, responsible to inspect and certify the qualification of food safety for producing facilities prescribed in point b, clause 1 Article 2 of this Circular (except for fishing boats) being issued with the Certificate of business registration by the district level;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) In case the commune-level, district-level agencies are not capable of performing the duties prescribed in point b, point c clause 2 this Article, basing on actual conditions, provincial-level inspection agencies appointed by the Services of Agriculture and Rural development shall be responsible to perform the corresponding duties allocated to such commune-level, district-level agencies and shall hand over the duties right after the commune-level, district-level agencies are capable.

Article 6. Requirements for inspectors and the chief inspector

1. For inspectors:

a) Honest, objective, not directly or indirectly relating to economic interests with the inspected goods owners or the producing facility owners;

b) Having appropriate profession and possessing the certificate of finishing the training course in aquacultural food safety and quality inspection and certification;

c) Physically capable of the assigned duties;

d) Having specialized clothing and badges as prescribed when performing the duties;

2. For the Chief inspector: experienced in inspection apart from the requirements prescribed in clause 1 this Article.

Article 7. Requirements for equipment and tools serving the field inspection

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. In good operating and preserving conditions, being tested and calibrated as prescribed; in good hygiene conditions, not being the source of infection

Article 8. Requirements for test labs

Test labs participating in analysis, examination and test on food safety and quality norms serving the inspection, assessment and classification of conditions for food safety assurance of the facilities; conducting state inspection and certification of food safety and quality for the consignments must be appointed by competent agencies as prescribed by Ministry of Agriculture and Rural development.

Chapter II

INSPECTING AND CERTIFYING THE QUALIFICATION OF FOOD SAFETY FOR FACILITIES

SECTION 1. ORDER, PROCEDURES, CONTENTS AND HANDLING OF THE INSPECTION AND CERTIFICATION RESULTS

Article 9. Dossier on applying for inspection and certification

1. Facilities being issued with the Certificate of Facility qualified of food safety conditions (hereinafter referred to as Food safety certificate) for aquacultural product production and trading shall make 01 (one) application for inspection and send to inspection agencies under decentralization prescribed in Article 5 this Circular to be inspected and issued with the Food safety certificate.

2. The application for inspection includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The authenticated copy of the Certificate of business registration of the facility (not applicable to fishing ships);

c) The status report on the conditions for food safety of the facility under the form in Annex 2 promulgated together with this Circular (not applicable to fishing ships);

d) The summary of HACCP plan for similar groups of products applying for inspection (applicable to facilities compelled to build and implement the Food safety and quality assurance program under the HACCP approach as prescribed in the National technical Regulation QCVN 02 – 02: 2009/BNNPTNT);

3. For facilities applying for inspection after having rectified the faults in the previous inspection, the dossier only consists of 01 (one) report of fault rectification under the form in Annex 3 promulgated together with this Circular and send to the inspection agencies.

4. The application for inspection shall be sent to inspection agencies in one of the forms such as: direct submission, by post; or fax, email, online registration (the facilities shall then send 01 Inspection application sheet or Report on fault rectification to inspection agencies, the remaining dossiers shall be presented to the inspectorate during the inspection).

Article 10. Notifying the inspection plan

1. Inspection agencies shall cooperate with the agencies issuing Certificates of business registration and the agencies issuing Certificates of fishing boat registration to make statistics and lists of facilities under the allocated management scope and decentralization prescribed in clause 1 Article 2 of this Circular, and notify the facilities of the inspection plan in one of the forms such as direct sending, via fax or email.

2. For facilities applying for inspection:

a) Within 03 (three) working days as from receiving the application for inspection from the facilities, the inspection agencies shall consider and guide the facilities to supplement the omitted or improper contents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. In case the facility omits to apply for inspection, the agencies still carry out inspection under the plan.

4.For fishing ships, inspection agencies shall uniformly make agreements with the ship owners to determine the appropriate time and place for the practical operation of the ship.

Article 11. Forms of inspection

1. Assessing, classifying inspection: means ways of inspection with advance notice that fully inspect the norms of necessary conditions for food safety of the facility. This form of inspection is applicable to:

a) Facilities qualified for the Food safety certificate in aquacultural production and business but not yet being issued with it;

b) Facilities that have the Food safety certificates withdrawn;

c) Facilities with the Food safety certificate term less than 6 (six) months;

d) Facilities that have been issued with the Food safety certificate but then replace the owner or undergo repairs, upgrades or expansion of the production that cause changes to the possibility of food safety risks;

dd) Facilities adding products not belonging to the certified similar group of products;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Facilities applying for additional registration in the list of facilities entitled to export to importing countries that request to make the list;

h) Facilities certified as food safety qualified but have been delaying the periodic inspection for over 12 (twelve) months.

2. Periodic inspection: is the form of inspection without notice in order to sustain the necessary food safety conditions for facilities that have been issued with the Food safety certificate.

3. Irregular inspection: is the form inspection without notice applicable to facilities with signs of violations of food safety and quality, or being lodge complaints against by organizations and individuals.

Article 12. Establishing the Inspectorate

1. The Heads of inspection agencies shall issue decisions on establishing Inspectorates of food safety conditions.

2. The decision on establishing the Inspectorate consists of the following contents:

a) Basis for inspection;

b) Scope, contents, form and scheduled inspection time;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Full name, positions and the unit of the Chief inspector and the members;

dd) Responsibilities of the inspected facility and the Inspectorate.

3. The decision on establishing the Inspectorate must be notified at the facility when the inspection begins.

Article 13. Contents and methods of inspection

1. The contents of food safety condition inspection includes:

a) Aquacultural food safety conditions for facilities, equipment and persons directly participating in the production and business.

b) Quality control program;

c) Procedures for tracing product origins;

d) Sampling in order to examine the efficiency of food safety control of the facility if necessary (not applicable to the cases when inspection agencies being commune-level People’s Committees). In case of sampling, the Inspectorate must make the sampling sheet that contains the signature of the Chief inspector and the competent representative of the facility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Inspection record

1. The inspection record must:

a) Fully and accurately present the inspection results under the prescribed form and must be made at the facility right after the inspection is done;

b) Fully specify the unqualified contents of food safety and the time limits for rectification;

c) Specify the general conclusion on the food safety conditions and the rating of the facility as prescribed in Article 15 of this Circular;

d) Contain the opinion of the competent representative from the facility on the inspection results and the commitment to rectify the faults;

dd) Contain the signatures of the Chief inspector, the competent representative from the facility. The inspection record must be sealed or signed on every page in case the facility has no seal.

e) Be made into 2 (two) copies: 1 (one) copy to be retained in the inspection agency, 1 (one) copy to be retained in the facility. The number of copies might be increased if necessary.

2. In case the facility representative refuses to sign on the Inspection record or to form the opinion on the inspection results or to commit to rectify the faults, the Inspectorate must put down: “The facility representative refuses to sign the record” and specify the reason for that. Such record is still as much legally valid upon fully having the signatures of the Inspectorate members.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The ratings of food safety conditions are applied to facilities as follows:

1. Rated A (good): applicable to facilities that fully satisfy the necessary conditions for food safety without major or serious faults;

2. Rated B (passed): applicable to facilities that satisfy the necessary conditions for food safety with inconsiderable amount of major or serious faults;

3. Rated C (failed): applicable to facilities that fail to satisfy the necessary conditions for food safety with considerable amount of major or serious faults that will seriously affect the food quality safety if they continue to produce without rectifying the faults within the time limit prescribed by inspection agencies.

4. The ratings of each facility form are prescribed in the Annex promulgated together with the Circular 14 and Annex 4 promulgated together with this Circular.

Article 16. Handling the inspection results

Within 07 (seven) working days as from the ending day of the inspection, inspection agencies shall examine the inspection record of the Inspectorate, handle the results and send the inspection results to the facilities directly or via post services. In particular:

1. Inspecting and rating:

a) Passed facilities (rated A or B): issue the Decision on certifying food safety qualification, issue the Food safety certificate with the term of 3 (three) years as from the date of issue under the Annex 5 promulgated together with this Circular, and 01 (one) code for the facility under the code system in Annex 6 promulgated together with this Circular when the facility owner applies for the Food safety certificate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Periodic and irregular inspections:

a) For passed facilities (rated A or B): Notify the facility of the inspection results and inspection rates being applied in the future;

b) For rated C facilities: implement the provisions prescribed in point b clause 1 this Article.

3. In case of sampling, if violations of food safety or risk of food insecurity are detected, inspection agencies shall request the facility to make report on rectification results including tracing and recalling products as prescribed by current law provision, and shall carry out irregular inspection of the rectification if necessary.

Article 17. Updating the list of facilities entitled to export to markets in demand

1. Facilities shall be added into the list of facilities entitled to export to markets that request to make the list if the following conditions are satisfied:

a) Having registered with inspection agencies under the procedures prescribed in Article 9 of this Circular;

b) Having built and applied the quality control programs consistently with the requirements of the importing countries and fully retained the files at least 30 days of production by the inspection day;

c) Having been inspected and certified the fulfillment of the requirements from the corresponding importing countries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The time the Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control update the list of facilities entitled to export shall comply with the provisions of each importing country or the procedures agreed with the importing countries’ competent agencies.

SECTION 2. SUPERVISING THE NECESSARY CONDITIONS FOR FOOD SAFETY OF THE FACILITIES AND REVOKING THE FOOD SAFETY CERTIFICATE

Article 18. Rate of periodic inspection

1. Inspection frequency:

a) Rated A facilities: once a year;

b) Rated B facilities: every 6 months;

c) Rated C: the time of irregular inspection depends on the fault extent of the inspected facilities and determined by inspection agencies within 03 (three) months as from the date of previous inspection.

2. For passed fishing ships (rated A or B), local inspection agencies shall carry out inspection for anchored ships in the port at least 2 (twice) every 3 (three) years and ensure the minimum period between the inspections being 1 (one) year.

Article 19. Revocation of Food safety certificate

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Facilities that have issued with the Food safety certificate but the food safety condition inspection results are rated C after 02 (two) consecutive inspections;

b) Facilities requesting the delay of inspection but being detected continuing to produce and sell products on the market during the inspection delay;

c) Facilities producing and trading that cause obstructions when the Inspectorate performing their duties as prescribed in this Circular;

d) Facilities violating the provisions on impurity control;

dd) Facilities violating the provisions on the use of banned chemicals or antibiotics;

e) Facilities violating the provisions on labeling the aquacultural consignments;

g) Facilities procuring or using material from aquacultural product raising facilities, aquacultural product raising areas and bivalve mollusk reaping areas that are banned or suspended from reaping by competent agencies because of the unreliability of food safety;

h) Facilities forging, changing the contents of Food safety certificates; forging, changing the contents of food safety and quality certificates of aquacultural consignments, or the Certificate of analysis, examination results serving the state inspection and certification of inspection agencies;

i) Facilities committing other violations shall be considered and determined by the Minister of Agriculture and Rural development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Re-issue of Food safety certificates

1. Food safety certificates shall be re-issued in the following cases: the Certificate is lost or damaged; the facility has changed or added relevant information in the Certificate (except for the facilities prescribed in clause 1 Article 11 of this Circular); fishing ships that have been certified but then replace the owner or change the area;

2. The re-issue of Food safety certificate shall be implemented as follows:

a) Facilities shall send to inspection agencies the written request specifying the reasons for re-issuing the Food safety certificate under the Annex 7 promulgated together with this Circular.

b) The amount of dossier: 01 written request for re-issuing the Food safety certificate;

c) Facilities may submit directly, or via fax, email, website (then send the original copies); by post;

d) Within 03 (three) working days as from receiving the written request for re-issuing the Food safety certificate from the facilities, inspection agencies shall issue the Food safety certificates to the facilities

3. The expiry date of the Food safety certificate being re-issued shall be the same as that of the old Food safety certificate.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 1. REQUIREMENTS FOR THE CONSIGNMENTS BEING SOLD IN THE MARKET

Article 21. Conditions for consignments being sold in the domestic market

Implemented under the Circular No. 56/2009/TT-BNNPTNT of September 07, 2009 promulgated by the Ministry of Agriculture and Rural development, guiding the inspection and supervision of aquacultural food safety and hygiene before being sold in the market and the Circular No. 23/2011/TT-BNNPTNT of April 06, 2011 on amending, supplementing and abolishing a number of provisions on administrative procedures in aquacultural product quality control under the Resolution No. 57/NQ-CP.

Article 22. Conditions for consignments to be eligible for export

1. Being produced from facilities that have been certified the food safety condition qualification as prescribed in this Circular and satisfying the provisions on food safety assurance of corresponding importing countries.

2. Being inspected and issued with the food safety and quality certificates under the provisions of importing countries and the Ministry of Agriculture and Rural development.

3. The labels on exported aquacultural consignments may contain the information required by the importer but must not falsify the goods property and violate Vietnam’s and the importing countries’ law. Apart form the compulsory information under the importing countries’ provisions, the exported consignment must also contain the following information:

a) The producing facility code

c) The consignment code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The facility that performs the final stage of production (packaging and labeling) and the facilities performing the previous stages must satisfy the food safety conditions as prescribed by Vietnam’s law provisions and the provisions of the market where the finished products are consumed;

b) Facilities participating in the consignment production must make written commitment to bear responsibilities for implementing the handling measures from inspection agencies in case the consignment in warned by importing countries’ competent agencies or detected with violations of food safety and quality by inspection agencies.

c) Facilities participating in the consignment production are responsible to fully retain the files of production and food safety and quality control for the stage of production that they performed, ensuring the feasibility of product origin tracing;

d) The goods owners must report to inspection agencies when implementing the procedures for inspecting and certifying food safety and quality of the exported consignment; report to the Inspectorate when being inspected at the facilities where the production stages of the consignment are performed.

SECTION 2. ORDER, PROCEDURES, CONTENTS OF INSPECTION AND CERTIFICATION FOR EXPORTED CONSIGNMENTS

Article 23. Registering the food safety and quality inspection and certification

1. The application for inspection of 01 (one) exported consignment includes:

a) The inspection registration sheet under the Annex 8 promulgated together with this Circular;

b) The detailed statement of the consignment under the Annex 8a promulgated together with this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3) Handling the applications:

Within 01 (one) working day as from receiving the application as prescribed in clause 1 this Article, inspection agencies shall consider and guide goods owners to supplement the omitted or improper contents;

b) For consignments being inspected and sampled, the inspection time must not be later than 02 (two) working days after inspection agencies fully receive the applications or after the agreement between inspection agencies and goods owners are made under the goods owners’ application.

Article 24. Forms of inspection

1. Dossier inspection: is the form of inspection that only inspects the applications of goods owners, compares the relevant information about the food safety conditions of the facilities that produced the consignments, and considers, issues the food safety and quality certificates without field inspections.

2. Inspecting and sampling: is the form of inspection that inspects the applications of goods owners and carries out inspection and sampling of the consignment in the field.

Article 25. Methods of inspection and sampling

1. Reduced inspection: applicable to facilities concurrently satisfy the following requirements within 12 (twelve) months before the time of reduced inspection

a) The conditions for food safety are rated A;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) No violations of food safety and quality are detected by competent agencies during the inspection.

2. Regular inspection: is the mode of inspection applicable to facilities qualified of food safety (rated A or B).

3. Tight inspection: is the mode of inspection applicable to facilities belonging to one of the following cases:

a) The food safety conditions of the facilities are rated C but the Food safety certificate has not been revoked;

b) Having consignments warned about food safety and quality by importing countries’ competent agencies.

4. Inspection frequency:

a) The frequency of inspecting and sampling consignments from facilities prescribed in clause 1, clause 2 and point a clause 3 this Article shall complies with the provisions in Annex 9 promulgated together with this Circular;

b) For facilities subject to the inspection methods prescribed in point 3 clause 3 this Article, inspection agencies shall carry out inspection and sampling of the produced consignments or exported consignments of the similar group of products from the facilities in order to analyze the warned norms under the market provisions. The facilities shall be released from tight inspection if 5 (five) consecutive consignments pass the inspection and pass the remedial measure appraisal from inspection agencies;

c) Facilities shall have the reduced inspection cancelled if they fail to satisfy one of the conditions prescribed in clause 1 this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 26. Issuing the Food safety and quality certificate

1. For consignments from facilities subject to the inspection mode prescribed in clause 1 Article 24 of this Circular that have passed the inspection: Inspection agencies shall issue the Food safety and quality certificate (hereinafter referred to as Certificate) under the Annex 11 promulgated together with this Circular to goods owners within 01 (one) working day as from fully receiving the dossier and information serving the certification.

2. For consignments from facilities subject to the inspection mode prescribed in clause 2 Article 24 of this Circular: after the field inspection is done, inspection agencies shall issue the Certificate to consignments with positive inspection results within the following time limits:

a) Within 01 (one) working day for fresh/raw consignments;

b) Within 07 (seven) working days for consignments of other kinds;

c) In case the samples must be sent to external test labs, inspection agencies shall issue the Certificate to goods owners within 1 (one) working day as from fully receiving the examination results.

3. For consignments being exported to importing countries that require separate certificate form:

a) Goods owners are responsible to sufficiently provide information in writing for inspection agencies to issue the separate certificate within 01 (one) working day after the consignment is exported;

b) Within 1 (one) working day as from fully receiving the information, inspection agencies shall issue the separate Certificate to the exported consignment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Being made within the date of receiving the initial Certificate or separate certificate;

b) The contents of transitional certificates or separate certificates must be consistent with the initial certificates and separate certificates.

5. Within 60 (sixty) days after the consignment is inspected, if the goods owner fails to fully provide information for inspection agencies to issue the certificate or separate certificate, such goods owner must apply for another inspection of the consignment as prescribed in Article 23 of this Circular in order to be certified.

Article 27. Requirements for Certificates and separate certificates

1. For each exported consignment with positive inspection results, inspection agencies shall issue 01 (one) Certificate or separate certificate. The certificates or separate certificate is only applicable to the consignment being transported, preserved in a way that does not change the inspected and certified contents of food safety and quality.

2. The Certificates and separate certificates are numbered as prescribed in Annex 12 promulgated together with this Circular.

3. The separate certificate must contain appropriate contents, forms and the national Emblem.

4. Inspection agencies are entitled to issue other kinds of certificates (without the national Emblem) at the request of goods owners or importing countries consistently with the inspected and certified contents of the consignments.

Article 28. Supervising the consignment after certification

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. If the violations are detected, inspection agencies shall examine records from the inspectorates in order to issue the written revocation of the Certificate or separate certificate (issued) and send to goods owners, and request the Customs to refuse the custom clearance for the consignments. Depending on the violation extent, inspection agencies shall send written request to competent agencies for imposing administrative sanctions as prescribed by current law provisions.

Article 29. Re-issuing Certificates or separate certificates

1. When the Certificates, separate certificates are lost or damaged, goods owners must send written explanations and requests for the re-issue of Certificates or separate certificates to inspection agencies.

2. Inspection agencies shall re-issue within 1 (one) working day after receiving the written request from goods owners and must ensure that:

a) The contents of the Certificate or separate certificate being re-issued are consistent with the issued certificate;

b) The Certificates or separate certificates are re-numbered for management and contain the note: “This Certificate (separate certificate) supersedes the Certificate (separate certificate) No. …, Date of issue … “;

Article 30. Handling the failed consignments

1. For consignments failed in production dossiers, objective/subjective norms:

After 1 (one) working day after the inspection is done, inspection agencies shall send the Notice of failed consignment under the form prescribed in Annex 12 promulgated together with this Circular to goods owners.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Inspection agencies shall send the Notice of failed consignment to goods owners, specify the reasons and request goods owners to investigate the causes, take remedial measures and make explanation reports;

b) After receiving the explanation report from the goods owner/facility that produced the consignment, inspection agencies shall verify the report content while inspecting and sampling the succeeding exported consignments of the goods owner, or combine the verification with the periodic inspection of food safety conditions for facilities that produced the failed consignment.

3. Within 3 (three) working days as from sending the Notice of failed consignment, if the goods owner send written complaints against the inspection results, inspection agencies shall handle under the order and procedures prescribed in Section 12.2 Annex 10 promulgated together with this Circular.

4. Inspection agencies shall carry out irregular inspection of food safety conditions in the following cases:

a) Facilities that have 6 or more the consignments of which the violations of food safety norms are detected by inspecting agencies within 3 (three) months under the provisions of Vietnam and the importing countries;

b) Facilities that fail to make explanation report at the request of inspection agencies in the Notice of failed consignment prescribed in point a clause 2 this Article.

Article 31. Handling consignments being warned about food safety and quality by importing countries’ competent agencies

1. Within 5 (five) working days as from having the official warning from importing countries’ competent agencies, inspection agencies shall send the facilities that produce the consignments the written request for:

a) Tracing the consignment origin, investigating the reasons for the unqualification of food safety and quality of the consignment; establishing and taking remedial actions; punctually making and sending reports to inspection agencies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. After receiving the explanation reports from the facilities prescribed in clause 1 this Article and the tight inspection results prescribed in point b clause 3 Article 25 this Circular, inspection agencies shall verify the report contents of the facilities and carry out irregular inspection at the facilities (when necessary).

3. Within 10 (ten) days after the verification is done, inspection agencies shall send written notice of verification results to the facilities.

4. In case the goods owner/facility fails to fully report the contents or fails to make the report within the required time limit, inspection agencies shall send written request to the goods owner for taking remedial measures or report to competent agencies to handle as prescribed by law.

Chapter IV

RESPONSIBILITIES AND POWERS OF RELEVANT PARTIES

Article 32. Facilities being inspected of food safety conditions

1. Responsibilities:

a) Applying for the inspection under the order, procedures and dossiers prescribed in Article 9 this Circular. Observing the planned inspection from inspection agencies even when the inspection is not applied for;

b) Providing the list and arrangement of competent persons being representatives of the facility to work with the Inspectorate, facilitating the Inspectorate during their performance at the facility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Sustaining the certified food safety conditions;

dd) Rectifying the faults stated in the inspection record and notices from inspection agencies within the required time limits;

e) Signing on the Inspection record.

2. Entitlements:

a) Forming dissenting or assenting opinion on the inspection results written in the inspection record;

b) Lodging complaint against the inspection results;

c) Promptly reporting to the heads of inspection agencies on the negative acts of the Inspectorate or Inspectors.

Article 33. Goods owners/owners of facilities that produced the consignments

1. Responsibilities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Creating favorable conditions for inspectors of inspection agencies to carry out inspection, sampling; fully providing relevant documents and dossiers (for consignments subject to field inspection and sampling);

c) Retaining the product property and labels after being inspected and certified of food safety and quality;

d) Taking handling measures for consignments that failed the food safety and quality inspection, returned consignments or withdrawn consignments at the request of inspection agencies and competent agencies;

dd) Paying inspection and certification fees and charges as prescribed in Chapter V.

2. Entitlements:

a) Being applied the reduced inspection if the requirements prescribed in clause 1 Article 25 of this Circular are fully satisfied;

b) Requesting inspection agencies to provide the information, provisions and forms relating to the aquacultural food safety and quality inspection and certification as prescribed in this Circular;

c) Preserving the opinion contrary to the inspection results;

d) Requesting inspections;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Inspectors

1. When performing the allocated duties, inspectors are responsible to:

a) Observe the order, procedures, contents, methods and basis for inspecting food safety conditions of the facilities; inspect and sample the consignments as prescribed in this Circular;

b) Secure the information relating to the production and business of the facilities, goods owners as prescribed be law. Ensure the accuracy, fidelity and objectivity when performing duties;

c) Obey the allocation of competent persons and bear responsibilities for the work results before the Heads of inspection agencies and before the law;

2. Within the scope of the allocated duties, inspectors are entitled to:

a) Request facilities, goods owners to provide dossiers, documents, items (if any) serving the inspection;

b) Enter and leave the warehouses, production and preservation areas, examine the dossiers, take samples, pictures, make copies and records necessary information serving the inspection;

c) Make records and seal off the items (if any) in a certain period, request and suggest handling measures upon having evidence that the facility/goods owner is committing violations of provisions on food safety;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Refuse to carry out inspection if the goods owner fails to fulfill the responsibilities prescribed in point c clause 1 Article 32 and point b clause 1 Article 33 of this Circular.

Article 35. The Chief inspector

1. When performing the assigned duties, the Chief inspector shall bear responsibilities similarly to that of an inspector prescribed in clause 1 Article 34 this Circular and the following responsibilities:

a) Operating, allocating tasks to members in the Inspectorate in order to fully implement the contents stated in the inspection decision;

b) Handling the opinions and inspection results from members in the Inspectorate and present the final results;

c) Reviewing, signing the inspection records, inspection result reports, bearing responsibilities before the Heads of inspection agencies and before law for the results given by the Inspectorate.

2. Within the scope of assigned duties, the Chief inspectors shall hold powers similarly to that of an Inspector prescribed in clause 2 Article 34 of this Circular and the following powers:

a) Suggesting the Heads of inspection agencies to issued decisions on replacing members of the Inspectorate in order to fully fulfill the contents stated in the inspection decision;

b) Drawing the final conclusion on the inspection results.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Responsibilities:

a) Making inspection plan as prescribed in clause 1 Article 10 of this Circular; organizing the inspection and issue of the Food safety certificate in aquacultural production and business under the allocation and decentralization prescribed in clause 2 Article 5 of this Circular;

b) Retaining dossiers relating to the inspection and issue of Food safety certificate to facilities belonging to the group of subjects allocated to be inspected and certified; providing dossiers, fully and accurately explaining the problems relating to the performed inspection and certification at the request of superior inspection agencies;

c) Securing the information relating to the production and business secret of the facilities allocated to be inspected and certified;

d) Summing up and sending reports in writing to superior inspection agencies every 06 (six) months or on request;

dd) Suggesting the demand for training or delegating officers to participate in training courses organized by superior inspection agencies;

2. Responsibilities of provincial-level inspection agencies:

Apart from the responsibilities prescribed in clause 1 this Article, provincial-level inspection agencies shall also bear the following responsibilities:

a) Cooperating with inspection agencies in other provinces and cities to carry out periodic inspection of the food safety conditions for fishing ships as prescribed in clause 2 Article 18 of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Annually, cooperating with the Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control and local inspection agencies to compile the list of facilities belonging to the inspection subjects of each local inspection agencies;

d) Providing training and professional, operational instructions on aquacultural food safety for commune-level inspectors within the province.

dd) Regularly updating and announcing the list of food safety qualified and unqualified facilities on electronic information pages or local means of media.

3. Entitlements:

a) Inspecting the implementation of inferior inspection agencies;

b) Requesting the facilities belonging to the subjects allocated to be inspected and certified to apply for inspection in order to be issued with the Food safety certificate as prescribed in Article 10 of this Circular and take the remedial measures for the faults in food safety conditions stated in the Inspection records;

c) Issuing and revoking the Food safety certificate from facilities belonging to the subjects allocated to be inspected and certified

d) Requesting the competent agencies to handle the violations committed by facilities unqualified of food safety.

Article 37. The Services of Agriculture and Rural development of cities and provinces

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Appointing provincial-level inspection agencies to carry out inspection and certification of food safety conditions for facilities under the allocation and decentralization of commune-level inspection agencies in case the commune-level inspection agencies are not capable of performing such duties; guiding and assisting commune-level inspection agencies to enhance the capability and handing over the duties right after the commune-level inspection agencies are capable.

3. Guiding the unification of the code system for facilities prescribed in point b clause 1 Article 2 of this Circular in provinces/cities as prescribed in Annex 4 promulgated together with this Circular.

4. Directing, guiding, inspecting and supervising the implementation of this Circular under the allocation and decentralization in the provinces/cities.

5. Suggesting the Ministry of Agriculture and Rural development to amend, supplement provisions and technical regulations consistently with the actual state of inspection and certification of food safety conditions.

Article 38. The Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control

1. Responsibilities:

a) Unifying the management of food safety inspection and certification for facilities nationwide; the management of consignment inspection and certification; periodically inspecting and supervising activities relating to aquacultural food safety and quality inspection and certification from inspection agencies;

b) Providing training, professional and operational guidance for inspectors of aquacultural food safety and quality, the professional skills in consignment inspection and certification;

c) Making and notifying inspection plan to facilities allocated to be inspected and certified as prescribed in clause 1 Article 10 this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Organizing aquacultural food safety inspection and certification under order and procedures prescribed in this Circular;

e) Bearing responsibilities for the inspection results, the contents of Certificates or separate certificates and the notices of failed consignment;

g) Receiving and promptly, correctly handling the complaints from goods owners against the performed food safety and quality inspection and certification; paying compensation to the goods owners for the consequences caused be the mistakes during the inspection and certification as prescribed by current law provisions;

h) Securing the information relating to the production business secrets of facilities allocated to be inspected and certified;

i) Annually cooperating with inspection agencies prescribed in clause 2 Article 5 of this Circular to compile the list of facilities under the inspection scope of the two local agencies;

k) Every 6 (six) months or at request, announcing the list of certified and uncertified facilities regarding food safety conditions under the allocation and decentralization nationwide;

l) Announcing the list of facilities allowed to export to importing countries that request to make the list within the time limits agreed with the importing countries’ competent agencies;

m) Compiling the list of provisions, technical regulation of Vietnam and the importing countries on food safety and quality conditions, notifying the relevant agencies and organizations to uniformly apply.

2. Entitlements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Taking samples and inspect consignments as prescribed in this Circular; refusing to carry out the food safety and quality inspection and certification if the goods owner fails to fulfill the responsibilities prescribed in clause 1 Article 33;

c) Requesting the facilities under the inspection and certification allocation to rectify the faults in food safety conditions stated in the Inspection records; investigating the infection causes, taking remedial measures and report the results of remedial measures for facilities having the consignments warned about violations of provisions on food safety and quality by importing countries’ competent agencies as prescribed in this Circular;

d) Notifying the export suspension to the importing countries requiring food safety and quality inspection and certification, request the importing countries’ competent agencies to remove the facility name from the list of facilities allowed to export to importing countries that request to make the list if the facility fails to satisfy the food safety conditions or violate the provisions prescribed in Article 19 and point b clause 1 Article 31 of this Circular;

dd) Issuing and revoking the Food safety certificate from facilities allocated to be inspected and certified; handling the violations of provision of this Circular under the delegated authority and law provisions;

e) Making dossiers on requesting the Ministry of Agriculture and Rural development and competent agencies to handle violations of this Circular.

Article 39. Test labs

1. Responsibilities:

a) Observing the examination process, ensuring the examination equipment, securing goods owners’ information as prescribed by law;

b) Ensuring the accuracy and objectivity of the examination results;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Bearing responsibilities for the examination results;

dd) Proficiently participating in examination programs at the request of the Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control;

e) Retaining, presenting dossiers and documents relating to the examination in accordance with the provisions at the request of competent agencies;

g) Paying compensation to goods owners for consequences caused by mistakes during the performed examination as prescribed by current law provisions.

2. Entitlements:

a) Refusing the technically failed samples as prescribed. Refusing to perform examination of the samples or norms outside the scope of certification;

b) Being provided with information and training in order to improve the examination capacity;

c) Collecting examination charges and fees as prescribed by current law provisions.

Chapter V

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 40. Charges and fees

1. The collection of charges and fees for food safety and quality inspection and certification prescribed in this Circular shall be implemented under the current provisions of the Ministry of Finance and other relevant legal documents;

2. Inspection agencies shall make plans and budget estimate from the annual budget, submit to competent authorities for approval and then deploy the implementation of the food safety and quality inspection and certification prescribed in this Circular but not yet charged.

Chapter VI

COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND HANDLING VIOLATIONS

Article 41. Lodging complaints, denunciations and settling complaints, denunciations

1. All organizations and individuals are entitled to lodge complaints and denunciations against acts of violations of this Circular as prescribed by the Law on Complaints and denunciations and its guiding documents.

2. Competent State agencies are responsible to promptly settle the complaints and denunciations relating to the inspection and certification of food safety conditions in facilities consistently with the order and procedures of the Law on Complaints and denunciations

Article 42. Handling violations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Acts of obstructions and resistance to the inspection performed by inspection agencies, acts of violations of this Circular that cause serious consequences might be subject to criminal prosecution as prescribed.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 43. Effect

1. This Circular:

a) Supersedes the Decision No.117/2008/QD-BNN of December 11, 2008 by the Minister of Agriculture and Rural development on promulgating the Regulation on inspecting and certifying the qualification for food safety and hygiene conditions of facilities producing and trading aquacultural products; the Decision No. 118/2008/QD-BNN of December 11, 2008 by the Minister of Agriculture and Rural development on promulgating the Regulation on inspecting and certifying aquacultural food safety and quality; the Circular No. 78/2009/TT-BNNPTNT of December 10, 2007 by the Minister of Agriculture and Rural development on prescribing the aquacultural consignment inspection and sampling;

b) Abolishes Article 1, Article 2 of the Circular No. 23/2011/TT-BNNPTNT of April 06, 2011 on amending, supplementing and abolishing a number of provisions on administrative procedures for aquacultural product quality management under the Resolution No. 57/NQ-CP of October 15, 2010;

c) Abolishes Article 3, Article 4 of the Circular No. 47/2010/TT-BNNPTNT of August 03, 2010 on amending and supplementing a number of articles prescribing the administrative procedures in the Decision No. 71/2007/QD-BNN of August 06, 2007; Decision No. 98/2007/QD-BNN of December 03, 2007; Decision No. 118/2008/QD-BNN of December 11, 2008 and the Circular No. 06/2010/TT-BNNPTNT of February 02, 2010

2. This Circular takes effect after 45 days as from the date of its promulgation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The facilities are allowed to retain the issued code until the end of June 30, 2012;

b) Inspection agencies are responsible to review, inspect, revoke, complement and re-issue the codes as prescribed in this Circular as from July 01, 2012.

Article 44. Amending and supplementing this Circular

Department of Agro-forestry and aquacultural product quality control is responsible to sum up the difficulties and obstructions during the implementation of this Circular and report to the Ministry of Agriculture and Rural development for further amendment and supplement.

 

 

 

THE MINISTER




Cao Duc Phat

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT ngày 03/08/2011 về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.724

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.187.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!