Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1842/QĐ-BNN-LN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Cao Đức Phát
Ngày ban hành: 19/06/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 1842/QĐ-BNN-LN

Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM CÂY CỌC RÀO (JATROPHA CURCAS L.) Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2008-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ văn bản góp ý của các Bộ và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, về Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025”;
Căn cứ văn bản số 3226/VPCP-KTN ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025”;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo ra một ngành sản xuất nông nghiệp mới thông qua việc hình thành vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến dầu diesel sinh học có hiệu quả cao, quy mô ngày càng lớn trên cơ sở sử dụng hiệu quả đất đai ở các vùng hoang hóa, khô cằn, đất trống đồi núi trọc và những nơi canh tác nông nghiệp năng suất thấp, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở các vùng khó khăn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

a) Giai đoạn 2008-2010:

- Triển khai thực hiện có kết quả chương trình nghiên cứu toàn diện từ giống, biện pháp kỹ thuật gây trồng đến chế biến và sử dụng dầu diesel sinh học từ hạt Jatropha.

- Trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất thử ở các vùng sinh thái khác nhau đạt quy mô diện tích khoảng 30.000 ha. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dây chuyền chế biến công suất nhỏ 3.000 – 5.000 tấn dầu thô/năm.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ và thông thoáng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm diesel sinh học.

- Từng bước đáp ứng đủ nhân lực cho quản lý, sản xuất và nghiên cứu trong lĩnh vực diesel sinh học.

b) Giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến 2025:

- Từng bước mở rộng sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, đến năm 2015 có thể đạt diện tích gây trồng trong cả nước khoảng 300.000 ha và định hướng tiềm năng đến 2025 có thể đạt diện tích 500.000 ha.

- Mở rộng quy mô chế biến dầu diesel sinh học và các sản phẩm phụ của cây Cọc rào phù hợp với phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2015 tổng công suất chế biến đạt khoảng 300.000 tấn dầu thô/năm và định hướng tiềm năng đến 2025 tổng công suất chế biến có thể đạt 1 triệu tấn dầu thô/năm, đảm bảo thay thế khoảng 10-15% lượng dầu diesel nhập khẩu.

- Góp phần vào kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân và giảm sức ép vào rừng tự nhiên.

- Góp phần phòng hộ đất đai và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Trồng khảo nghiệm và sản xuất thử các giống sẵn có

Các đơn vị nghiên cứu thu thập các xuất xứ của giống nội địa, nhập khẩu các giống ngoại tốt nhất sẵn có, tiến hành khảo nghiệm giống ở các vùng sinh thái khác nhau để xác định các giống phù hợp cho từng vùng. Các doanh nghiệp triển khai sản xuất thử quy mô nhỏ đến 2010 đạt diện tích khoảng 30.000 ha.

2. Nghiên cứu ứng dụng về gây trồng, chế biến diesel sinh học và các sản phẩm từ cây Cọc rào

 Xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu tổng thể, dài hạn và toàn diện các vấn đề kinh tế -kỹ thuật nhằm đảm bảo đưa sản phẩm dầu diesel sinh học của cây Cọc rào trở thành một ngành hàng mới có hiệu quả. Trong nghiên cứu kỹ thuật chú trọng lai tạo giống mới có năng suất quả và hàm lượng dầu cao.

3. Mở rộng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến theo nhu cầu thị trường

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu được khẳng định và nhu cầu của các nhà đầu tư sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết các vùng trồng tập trung gắn với các nhà máy chế biến dầu diesel sinh học. Đến năm 2010 có thể chế biến được khoảng 30.000 tấn dầu thô/năm. Dần từng bước đến 2015 mở rộng diện tích trồng khoảng 300.000 ha, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến dầu diesel sinh học đạt tổng công suất khoảng 300.000 tấn dầu thô/năm.

Định hướng từ sau 2015 đến 2025 trồng đại trà để đạt diện tích 500.000 ha trên toàn quốc và nâng công suất chế biến dầu diesel sinh học lên đến 1 triệu tấn dầu thô/năm, sử dụng diesel sinh học với tỷ lệ bắt buộc pha trong diesel dầu mỏ.

4. Xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách

Xây dựng các thể chế chính sách để đảm bảo quản lý và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và đầu tư vào sản xuất, chế biến diesel sinh học.

5. Đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực diesel sinh học

Xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở các cấp đại học, trung học và dạy nghề đối với chuyên ngành năng lượng sinh học nói chung trong đó có nhiên liệu diesel sinh học.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Giải pháp về đất đai

- Hoàn thành giao đất trống đồi trọc cho hộ gia đình, cá nhân;

- Những nơi còn quỹ đất trống lớn tập trung chưa giao thì chính quyền lập các dự án cho thuê đất;

- Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư và nông dân có đất, hai bên cùng có lợi;

- Thông thoáng về thủ tục chuyển nhượng đất, khuyến khích tích tụ đất, không hạn chế với diện tích đất trống đồi trọc.

- Đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu diesel sinh học được ưu tiên bố trí đất trong các khu công nghiệp hoặc khu vực do doanh nghiệp đề nghị phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

2. Giải pháp về chính sách

- Chính sách hỗ trợ đầu tư:

Hỗ trợ hạt giống hoặc cây con cho các hộ dân có đất đai phù hợp và tự nguyện tham gia trồng cây Cọc rào trong giai đoạn đầu tiên đến năm 2010.

Ưu đãi trong vốn vay cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động gây trồng và chế biến các sản phẩm sinh học từ cây Cọc rào.

- Chính sách thuế:

Đề nghị Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sản xuất diesel sinh học trong thời gian đầu khi giá thành diesel sinh học còn cao hơn giá thành diesel dầu mỏ.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến nông

Nhà nước đầu tư một Chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm diesel sinh học mang tính lâu dài. Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học, nhất là công nghệ gen để tạo ra giống Jatropha đột biến có năng suất quả và hàm lượng dầu cao hơn hẳn những giống hiện có.

Tùy theo sự phát triển của khoa học và yêu cầu của sản xuất có thể hình thành một Trung tâm (hoặc Viện) nghiên cứu chuyên đề về cây Jatropha và diesel sinh học, đơn vị này có thể do Nhà nước thành lập, cũng có thể do doanh nghiệp thành lập.

Nhà nước có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước bỏ vốn nghiên cứu khoa học về nhiên liệu sinh học.

Xây dựng một chương trình khuyến nông về cây Jatropha thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2015.

Nhà nước đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực cây trồng các sản phẩm sinh học.

4. Giải pháp về thị trường

Nhà nước có quy định về tỷ lệ bắt buộc diesel sinh học pha trong diesel dầu mỏ được tiêu thụ trên thị trường, theo lộ trình phải sử dụng từ B1 đến B5 (từ 1-5% diesel sinh học pha với 99-95% diesel dầu mỏ), tùy theo tình hình phát triển của sản xuất trong nước và sức ép về năng lượng dầu mỏ trên trường quốc tế.

IV. NHU CẦU VỀ VỐN ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng nhu cầu vốn cho thực hiện đề án ước tính khoảng 2.320 tỷ đồng Việt Nam, trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 220 tỷ đồng Việt Nam và vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước là khoảng 2.100 tỷ đồng Việt Nam.

1. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước

Nhà nước đầu tư cho các công việc: nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo và hỗ trợ giống cho hộ dân trồng trong giai đoạn đầu.

Nguồn vốn được lấy từ vốn sự nghiệp khoa học, vốn sự nghiệp đào tạo, vốn khuyến lâm và hàng năm bố trí một khoản vốn ngân sách cho riêng chương trình này.

2. Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước

- Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho các dự án gây trồng, chế biến và phát triển các sản phẩm sinh học.

- Nguồn vốn lấy từ vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng thương mại và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án về nghiên cứu, gây trồng, chế biến, thử nghiệm và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật của cây Cọc rào thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và phát triển vùng nguyên liệu. Giao các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các công việc cụ thể từ năm 2008 như sau:

+ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể về cây Jatropha và các đề tài chi tiết phục vụ chương trình này.

+ Cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh giải quyết vấn đề đất đai cho trồng nguyên liệu và xây dựng các chính sách phát triển trồng cây Jatropha. Đồng thời xây dựng một số mô hình trồng cây Cọc rào ở các vùng sinh thái trọng điểm, bao gồm cả mô hình trồng băng cản lửa bảo vệ rừng trồng.

+ Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối phối hợp với các đơn vị và Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng quy hoạch công nghiệp chế biến và tìm hiểu thông số về công nghệ chế biến dầu diesel sinh học.

+ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia xây dựng chương trình khuyến lâm phát triển cây Cọc rào trên vùng đất dốc, đất xấu.

Phối hợp với các Bộ, Ngành khác:

- Với Bộ Công Thương: quy hoạch và chỉ đạo xây dựng cơ sở tiêu thụ dầu diesel sinh học và tổ chức thử nghiệm, công bố tiêu chuẩn về dầu diesel sinh học và các sản phẩm từ cây Cọc rào thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

- Với Bộ Khoa học và Công nghệ: Xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể về cây trồng cho diesel sinh học để thực hiện.

- Với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực các cấp phục vụ cho quản lý, nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực diesel sinh học.

- Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án trong các lĩnh vực liên quan thuộc Bộ, Ngành phụ trách.

2. UBND các tỉnh

Chủ động kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến dầu diesel sinh học trên địa bàn tỉnh, giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đất đai phù hợp quy hoạch.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả dự án trên địa bàn tỉnh. Phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về biện pháp giải quyết.

Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Các Bộ: Công thương, Tài chính, KH-ĐT, TN-MT, KH-CN, GD-ĐT,
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Lưu: VT, LN.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Hàng năm nước ta phải nhập một số lượng lớn xăng, dầu từ nguồn gốc dầu mỏ phục vụ cho giao thông, vận tải và các nhu cầu khác trong nước. Theo Tổng cục thống kê (2006) thì lượng nhập khẩu nhiên liệu của nước ta từ 1995 đến 2005 đều tăng dần theo các năm, tổng lượng xăng dầu năm 1995 là 5.003,2 nghìn tấn đến 2005 tăng lên 11.477,7 nghìn tấn, trong đó riêng dầu diesel từ năm 1995 nhập khẩu là 2.271,0 nghìn tấn đến năm 2005 tăng lên 5.891,1 nghìn tấn. Nếu tính tổng lượng dầu diesel nhập từ 1995 đến 2005 là 43.840,8 nghìn tấn, lấy giá trung bình trong toàn thời gian trên là 4.000đ/lít (4 triệu đồng 1tấn) thì số tiền nhập dầu diesel khoảng 175,363 tỷ đồng VN, tương ứng với 12,5 tỷ USD (lấy tỷ giá trung bình toàn đợt là 14 tỷ đồng VN =1 triệu USD), chưa kể số ngoại tệ nhập các loại xăng và các loại dầu mỡ khác. Như vậy, hàng năm chúng ta phải dùng hàng tỷ đô la Mỹ để nhập nhiên liệu. Do đó nếu tìm được nguồn nhiên liệu thay thế trong nước thì hàng năm sẽ tiết kiệm được một số ngoại tệ rất lớn. Vì vậy, trồng các cây nhiên liệu sinh học và nghiên cứu công nghệ chế biến chúng là việc làm có ý nghĩa kinh tế to lớn.

Việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch là dầu diesel cho các động cơ đã thải khí độc ra làm ô nhiễm môi trường, là tác nhân gây ra một số bệnh cho con người, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loại động vật và tăng hiệu ứng nhà kính.

Việt Nam đã ký kết tham gia Nghị định thư Kyoto và Công ước chống sa mạc hóa nên việc tìm kiếm sử dụng những sảm phẩm có nguồn gốc sinh học là đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những cam kết quốc tế đó.

Theo đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007, trong giai đoạn 2006-2010 Việt Nam sẽ tiếp cận công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, xây dựng mạng lưới thí điểm phân phối nhiên liệu sinh học tại một số tỉnh, quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu cho năng suất cao, đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật, giai đoạn 2011-2015 sẽ phát triển mạnh sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, mở rộng mạng lưới phân phối phục vụ giao thông và các sản xuất công nghiệp khác, đảm bảo cung cấp đủ và đa dạng hoá nguồn nguyên liệu cho quá trình chuyển hoá sinh khối thành nhiên liệu sinh học.

Theo các tài liệu nghiên cứu và thực tế sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, nhiên liệu sinh học chủ yếu gồm: ethanol sinh học và diesel sinh học. Ethanol sinh học có thể sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau như sắn, mía, ngô, đậu tương, mỡ cá..., còn diesel sinh học có thể sản xuất từ các cây Cọc rào, Cọ dầu, Hoàng liên mộc, Văn quan, Bánh dầy, Dừa,….

Đối với nước ta, việc sản xuất ethanol có thể có những hạn chế nhất định, đó là diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp nên khả năng mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu có nhiều khó khăn, các cây nguyên liệu cho sản xuất ethanol sinh học đều là những cây lương thực chủ yếu, cây làm thức ăn chăn nuôi có liên quan đến an ninh lương thực cần phải xem xét cẩn trọng. Hơn nữa phát triển mạnh việc trồng cây sắn, ngô trên đất dốc sẽ gây ra xói mòn đất (bồi lấp cửa sông, lòng hồ đập...). Cho nên việc định hướng phát triển diesel sinh học sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Trong số những loài cây có khả năng sản xuất diesel sinh học thì cây Cọc rào được chú ý hơn cả do dễ trồng, biên độ sinh thái rộng, khả năng chống chịu tốt và hàm lượng dầu trong hạt khá cao.

Cho nên việc xây dựng và triển khai đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015, tầm nhìn đến 2025” là cần thiết và phù hợp với Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Gây trồng cây Cọc rào là một giải pháp thiết thực vừa bổ sung nguồn nhiên liệu sinh học nâng cao sự ổn định an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần xoá đói giảm nghèo và tăng độ che phủ, cải tạo môi trường trên những vùng đất trống, hoang hóa.

Phần Thứ Nhất

THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CÂY CỌC RÀO (JATROPHA CURCAS L.)

I. ĐẶC ĐIỂM SINH THÁI, PHÂN BỐ VÀ CÔNG DỤNG CỦA CÂY CỌC RÀO

Cây Cọc rào hay còn gọi là cây Dầu mè, Cây Bã đậu, cây Diesel, tên khoa học là Jatropha curcas.L, tên tiếng Anh: Physic nut, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), là một loại cây bụi lưu niên cao từ 2 – 3m, có thể cao tới 5m, sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng có độ cao so với mặt nước biển từ 30 - 1.400 m, nhiệt độ bình quân năm từ 18 -28 oC, lượng mưa trung bình năm từ 480 mm - 2.380mm. Cây có đặc tính chịu hạn rất khỏe, có thể mọc ở nơi khô hạn lượng mưa bình quân năm chỉ có 250 mm và cho hiệu quả kinh tế ở những vùng mà lượng mưa trên 800 mm/năm, trong điều kiện hạn hán 8-9 tháng cây vẫn không bị chết. Cây thích hợp trên đất cát pha và có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất khác nhau kể cả đất sỏi đá và nhiễm mặn, trừ đất bị ngập úng. Thân cây mọng nước, lá dày rất khó cháy, trong thân, lá có nhựa và trong hạt có chất độc nên trâu bò, gia súc, chuột không phá hại và ít bị sâu bệnh.

Cọc rào là một loài thực vật nguồn gốc Trung Mỹ, nhưng hiện nay được trồng nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonexia, Myanma, Malaixia, Châu Phi...

Ở Việt Nam theo kết quả nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Võ Định Tường (2005) cây Cọc rào được phát hiện ở nhiều vùng sinh thái khác nhau như:

- Vùng Trung du miền núi phía Bắc : Tỉnh Lào Cai (Sa Pa). Tỉnh Lai Châu (Tam Đường, Sìn Hồ, TX Lai Châu). Tỉnh Điện Biên (Thành Phố Điện Biên). Tỉnh Sơn La (Thuận Châu, Yên Châu, Thị xã Sơn La). Tỉnh Hòa Bình (Lạc Thủy, Hương Sơn, Lương Sơn). Tỉnh Lạng Sơn (Chi Lăng, Lộc Bình, Mẫu Sơn, Tân Thanh).

- Vùng Bắc Trung Bộ: Tỉnh Thanh Hóa (Cẩm Thủy, Sao Vàng, Bá Thước, Thạch Thành). Tỉnh Quảng Trị (Hưng Hóa).

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Tỉnh Ninh Thuận (Ninh Sơn, Ninh Hòa). Tỉnh Bình Thuận (Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình). Tỉnh Khánh Hòa (Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Sơn).

- Vùng Đông Nam Bộ: TP Hồ Chí Minh (Hoóc Môn). Tỉnh Đồng Nai (Định Quán ); Tỉnh Lâm Đồng (Đức Trọng).

Như vậy, có thể nói cây Cọc rào là cây có biên độ sinh thái rộng, phân bố ở cả phía Bắc, Trung và phía Nam Việt Nam và ở độ cao khác nhau từ 1.400m trở xuống so với mực nước biển, có phân bố cả ở những vùng đất khô hạn mùa mưa chỉ có 500-700mm/năm như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Cây Cọc rào có thể trồng bằng hạt hay bằng hom thân, cần ít phân bón. Cây sinh trưởng rất nhanh, sau khi trồng 6 tháng đến 1 năm đã cho quả, đến 5 năm cho năng suất ổn định. Chu kỳ sống là 30-40 năm. Cây có thể cho quả quanh năm (2 - 4 vụ quả) nếu được chăm sóc đầy đủ. Năng suất quả phụ thuộc vào giống và kỹ thuật canh tác, năng suất biến động từ 3 -10 tấn hạt/ha với tỷ lệ dầu trong hạt cũng rất khác nhau từ 25 - 38%, sản lượng ép thành dầu diesel sinh học từ 1- 3 tấn dầu thô/ha không cần chế biến phức tạp, có thể dùng cho động cơ diesel mà không cần có thay đổi gì về máy móc.

Ngoài ra cây Cọc rào còn chế biến ra một số sản phẩm có giá trị khác nữa như từ dầu ép thô làm nguyên liệu sản xuất xà phòng, thắp sáng, vecni, dầu bóng trong sản xuất sơn; từ bã khô dầu có thể làm phân hữu cơ chất lượng cao, nếu khử được độc tố (Phytotoxin, Phorbolester) trong bã sẽ chế biến thành thức ăn gia súc; từ nhựa cây có thể chế biến thuốc nhuận tràng, sổ tẩy, cầm máu; lá cây có thể dùng làm thức ăn nuôi tằm...; ở Việt Nam hiện nay chủ yếu trồng làm hàng rào vì dễ trồng và không bị gia súc phá hại.

II. THỰC TRẠNG NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG SẢN PHẨM NHIÊN LIỆU SINH HỌC NÓI CHUNG VÀ DIESEL SINH HỌC NÓI RIÊNG

1. Trên thế giới

- Nghiên cứu về nhiên liệu sinh học (biofuels) được bắt đầu thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Hiện nay đã có khoảng 50 nước trên thế giới đã và đang khai thác sử dụng nhiên liệu sinh học với các mức độ khác nhau.

- Năm 2005 Mỹ có Luật chính sách năng lượng đề ra tiêu chuẩn bắt buộc trong xăng tiêu dùng phải pha nhiên liệu sinh học với tỷ lệ tăng dần hàng năm. Trong giai đoạn 2001-2007, năng lực sản xuất ethanol của Mỹ tăng trưởng 220% từ 1,9 tỷ lên đến 6,1 tỷ gallon và dự báo đến 2009 sẽ đạt 10 tỷ gallon, còn diesel sinh học 2 năm gần đây cũng đạt đến 500 triệu gallon/năm. Trong luật chính sách năng lượng của Mỹ có 10 chương trình lớn huy động trên 4,2 tỷ đô la hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển nhiên liệu sinh học. Theo luật, tín thuế (là việc khấu trừ thuế đã nộp trước, khoản thuế này được trừ vào nghĩa vụ thuế phải nộp sau này) cho những người pha trộn ethanol là 51 cent/1 gallon và 1 đôla/1 gallon đối với pha trộn diesel sinh học.

- Braxin là quốc gia hàng đầu về sản xuất và sử dụng ethanol với mức năng lượng cồn chiếm 40% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô ở nước này, còn diesel sinh học mới được chú ý gần đây. Từ tháng 12/2004 Chính phủ bắt đầu thực hiện Chương trình quốc gia về sản xuất và sử dụng diesel sinh học (PNPB), theo đó thành lập Ủy ban điều hành quốc gia có 14 Bộ tham gia. Braxin đã ban hành luật 11.097 ngày 13/1/2005 quy định tỷ lệ pha trộn bắt buộc tối thiểu 5% diesel sinh học vào nhiên liệu hóa thạch, với tỷ lệ này nhu cầu diesel sinh học là khoảng 800 triệu lít/năm. Mức thuế ưu đãi là giảm 68% đối với diesel sinh học sản xuất từ nguyên liệu thô bởi các hộ gia đình, các trang trại quy mô nhỏ, mục đích của chế độ ưu đãi thuế là tăng cường sự tham gia của các hộ nông dân vào việc cung cấp nguồn nguyên liệu thô.

- Trong khối EU nhiên liệu sinh học là một ưu tiên trong chính sách môi trường. Nghị viện châu Âu đã ban hành Nghị quyết số 2003/30/EC về việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông. Các nước thành viên trong khối đều đầu tư mạnh cho phát triển nghiên cứu và công nghệ nhiên liệu sinh học, đều đã xử lý được thế hệ nhiên liệu sinh học đầu tiên và chuẩn bị cho ra đời thế hệ thứ hai. Mức độ phát triển loại hình nhiên liệu sinh học có khác nhau, trong khi diesel sinh học chiếm khoảng 1,6% thị trường diesel thì ethanol mới chỉ đạt 0,4% thị trường xăng. Tất cả các nước đều miễn thuế đối với nhiên liệu sinh học và không đặt ra mức không chế được miễn thuế.

- Trong tầm nhìn 2020 về năng lượng, Ấn Độ quyết định đầu tư trồng 5 - 10 triệu hecta cây Cọc rào (Jatropha) để sản xuất 7,5 triệu tấn diesel sinh học/năm, tạo thêm công ăn việc làm cho 5 triệu người. Nước này là nước tiêu thụ diesel lớn (40 triệu tấn hàng năm) và đã có kế hoạch phát triển trồng cây Cọc rào ở những vùng đất khô cằn chỉ để cung cấp nguyên liệu sản xuất BDF. Ngoài ra các công ty như Công ty liên doanh Bio - Oil Ltd (50% của Ấn Độ và 50% của Anh) đầu tư 30 triệu USD trồng cây Cọc rào ở bang Tamil Nadu Ấn Độ. Công ty BP đầu tư 9,4 triệu USD cho Viện nghiên cứu và Tài nguyên Ấn Độ nghiên cứu trồng 8.000 ha cây Cọc rào. Theo Uỷ ban kế hoạch Ấn Độ, nước này phấn đấu đến 2011-2012 dầu sinh học sẽ thay thế 20% lượng dầu mỏ. Năm 2007 Ấn Độ dự kiến sản xuất 1,5 triệu tấn hạt cây Cọc rào để sản xuất 480.000 tấn dầu.

- Indonesia đã phải trợ cấp khoảng 7 tỷ USD cho năng lượng. Nước này đặt mục tiêu đến năn 2010 nhiên liệu sinh học đáp ứng 10% nhu cầu cho ngành điện và giao thông. Hiện nay ở đây phần lớn xe buýt và xe tải chạy bằng dầu diesel sinh học- một hỗn hợp dầu cọ với nhiên liệu hoá thạch - do Công ty dầu khí quốc doanh Pertamina cung cấp. Công ty điện lực PLN đang sử dụng dầu cọ trong dự án thí điểm nhằm hướng tới chuyển tất cả các nhà máy điện trong nước dùng dầu diesel sinh học vào năm 2010.

Chính phủ nước này cũng dự kiến đưa diện tích cây có dầu như Jatropha, Cọ dầu lên 5,25 triệu ha vào năm 2010. Đầu năm 2007 Công ty Năng lượng sinh học Thụy Điển đã ký kết đầu tư 103 triệu EU để trồng 100.000ha cây Jatropha tại tỉnh Đông Nusa Tenggara của Inđônêsia.

- Trung Quốc đã lên kế hoạch đến năm 2010 sản xuất được 2 triệu tấn dầu diesel sinh học. Chính phủ Trung quốc có chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ như miễn 5% thuế tiêu thụ, chính phủ chịu tất cả các khoản thua lỗ do quá trình sản xuất, vận chuyển và bán nhiên liệu sinh học (Bộ tài chính cung cấp một khoản bù lỗ đặc biệt). Đối với các hộ gia đình trồng cây Jatropha trên đất lâm nghiệp, Chính phủ hỗ trợ 1 khoản 200 tệ/mẫu trung quốc (tương đương khoảng 6,5 triệu đồng/ha).

- Malaysia hiện có 3 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học với công suất 276.000 tấn /năm. Chính phủ nước này đặt chỉ tiêu sản xuất 1 triệu tấn dầu diesel sinh học xuất khẩu vào năm 2007-2008. Hiện nay Malaysia đã trồng được 10 ngàn ha cây Jatropha. Tuy nhiên, một khó khăn lớn đối với nước này là quỹ đất đã được dùng để trồng cây Dầu cọ chiếm gần hết, nên diện tích đất cho phát triển cây Jatropha không nhiều, các công ty đang có kế hoạch nhập hạt về chế biến dầu.

- Thái Lan đã xây dựng chương trình phát triển năng lượng thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch. Bộ Năng lượng Thái Lan năm 2004 đã thiết lập một dự án đầu tiên tại San Sai - Chiang Mai để trồng và xây dựng Trạm sản xuất diesel sinh học từ cây Cọc rào công suất 2.000 lít, tiến hành thử nghiệm trên một số loại xe taxi bán tải, cơ sở này cho đến nay mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 1.700 lít diesel sinh học. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan và Liên đoàn công nghiệp Thái Lan phối hợp đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cây Jatropha, dự kiến diện tích sẽ lên tới 2 triệu Rai (320 nghìn ha) trong những năm tới.

2. Ở Việt Nam

Đối với nước ta việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học cho đến nay còn là vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Nhằm thúc đẩy các hoạt động về lĩnh vực này, ngày 20 tháng 11 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025 tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg.

Về mặt nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao một đề tài nghiên cứu khoa học về cây Cọc rào do Trung tâm công nghệ sinh học lâm nghiệp thuộc Viện khoa học lâm nghiệp thực hiện với thời hạn 4 năm (2007-2010). Nội dung của đề tài bao gồm xây dựng 5 ha mô hình thử nghiệm về các biện pháp kỹ thuật thâm canh, mật độ trồng và kỹ thuật tạo tán cho cây Cọc rào; đã khảo nghiệm 8 xuất xứ giống (4 xuất xứ nội và 4 xuất xứ ngoại) tại 3 địa điểm là Vĩnh Phúc, Ninh Thuận và Phú Thọ; tiến hành chọn cây trội được 30 cây mẹ tốt nhất trong đó có cây mẹ đạt đến 5 kg hạt khô/cây và có cây mẹ đạt hàm lượng dầu trong hạt đến 38%, như vậy bước đầu đã có triển vọng tốt, nhưng đáng tiếc là cây mẹ có năng suất cao lại không trùng với cây mẹ có hàm lượng dầu cao, cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề này thông qua lai tạo giống hoặc chuyển đổi gen. Đề tài cũng đang hợp tác với Công ty GreenEnergy nghiên cứu công nghệ chế biến dầu diesel sinh học quy mô nhỏ.

Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm của Trường Đại học Thành Tây đã xây dựng được 1 ha vườn sưu tập giống bao gồm 16 xuất xứ của Việt Nam và 5 giống được tuyển chọn của Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia, Ấn Độ, Malaixia và thiết lập một vườn ươm diện tích 4 ha tại khu vực Lương Sơn – Hòa Bình để sản xuất cây con từ hạt giống nhập của Trung quốc. Ngoài ra Trường Đại học Thành Tây còn tiến hành phân tích chất lượng dầu trong hạt Cọc rào ở 2 mẫu hạt, đối với mẫu hạt nguồn gốc Việt Nam (giống xô bồ chưa được tuyển chọn) thì hàm lượng dầu chỉ có 29%, trong khi mẫu hạt của giống được tuyển chọn nguồn gốc Trung Quốc hàm lượng dầu đạt đến 37,53%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng giống chất lượng cao trong sản xuất nguyên liệu với quy mô lớn.

Về mặt sản xuất, hiện nay có khoảng 10 Công ty trong nước và 5 Công ty nước ngoài đang tiến hành trồng quy mô nhỏ để thăm dò hoặc đang xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư lớn. Công ty TNHH Núi Đầu đã trồng được 150 ha tại Lạng Sơn, Công ty GreenEnergy trồng được 10 ha tại Sơn La và 5 ha ở Ninh Thuận, Công ty TNHH Thành Bưởi trồng 2 ha ở Bình Thuận,...Công ty VM-AGROTECH của Malaixia đang làm các thủ tục với tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận để đầu tư trồng 60.000 ha và xây dựng nhà máy chế biến dầu. Tập đoàn nhiên liệu sinh học Pan Asia của Canada có kế hoạch đầu tư vào trồng và chế biến ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, trong đó riêng Việt Nam đề xuất trồng 200.000 ha. Công ty Jatro của Đức đã đến chào Phó Chủ tịch nước ta và gặp Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT trình bày kế hoạch dự án đầu tư trồng 200.000 ha và xây dựng nhà máy tinh lọc dầu diesel sinh học từ cây Jatropha. Công ty Han Hwa của Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Thành Tây để trồng 25.000 ha và xây dựng nhà máy chế biến công suất 100.000 tấn/năm ở Lạng Sơn và Sơn La trong 3 năm 2008-2010. Công ty cổ phần IGC của Nhật Bản cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Thành Tây về trồng 200.000 ha đến năm 2010 và mua toàn bộ hạt Jatropha theo giá thị trường, ngoài ra đã ký hợp đồng tài trợ 1 triệu USD ngay trong năm 2008 để sản xuất cây con chuẩn bị cho trồng diện tích lớn. Tập đoàn Basown của Hồng Kông có ý tưởng về một dự án lớn tại Việt Nam trong đó hợp phần về cây Jatropha đề xuất trồng đến 5 triệu ha. Công ty liên doanh D1-BP Fuel Crops của Anh đã đầu tư trồng 175.000 ha tại Châu Phi, Ấn Độ và Đông nam á, hiện nay đang đặt vấn đề với Cục Lâm nghiệp giúp đỡ để đầu tư trồng Jatropha ở các tỉnh ven biển nước ta.

III. TÍNH KHẢ THI VÀ MỨC ĐỘ RỦI RO CỦA ĐỀ ÁN

1- Tính khả thi của đề án

Để làm rõ tính khả thi của đề án cần phải xét đến các khía cạnh mang tính chất quan trọng nhất như sau:

a/- Về xu thế thị trường và giá cả nguyên liệu

Theo công bố của Ủy ban châu Âu (tháng 1/2007) tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng gấp đôi từ 10 tỷ tấn/năm như hiện nay lên 22 tỷ tấn/năm đến năm 2050. Theo Trung tâm năng lượng ASEAN dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng của khu vực châu Á sẽ tăng từ 280 triệu tấn (2001) lên đến 583 triệu tấn vào năm 2020. Theo tính toán của Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì ở Việt Nam đến năm 2020 mới có khả năng cung cấp khoảng 13,96 triệu tấn xăng dầu, còn thiếu khoảng 4,9 triệu tấn phải nhập khẩu. Hơn nữa dầu thô tăng giá liên tục trong những năm gần đây (số liệu từ Petrolimex năm 2001 giá 1 thùng dầu thô trên thế giới là 20 USD, đến tháng 6 năm 2007 là 70 USD/thùng và đến tháng 11/2007 đã đạt xấp xỉ 100USD/thùng, hiện nay tháng 5 năm 2008 đã vượt mức 130USD/thùng). Tất cả những điều đó nói lên mức độ khủng hoảng trầm trọng về nguồn năng lượng dầu mỏ trong tương lai gần và việc cần thiết phải có nguồn bổ sung năng lượng mới đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Ở Việt Nam thời điểm hiện tại, tuy thị trường còn rất sơ khai nhưng Công ty thương vụ Long Thủ Đạt tỉnh Quý Châu-Trung Quốc đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Núi Đầu tỉnh Lạng Sơn-Việt Nam mua hạt Jatropha trong 10 năm liền và 3 năm đầu đảm bảo với giá 1,65 tệ/kg (khoảng 3.500 đ/kg) giao tại cửa khẩu, các năm sau sẽ theo giá thị trường tại thời điểm đó, đồng thời yêu cầu phía công ty Việt Nam phải trồng được 70.000 ha trong vòng 3 năm kể từ 2008. Công ty Jatro của Đức có kế hoạch thu mua tại Việt Nam với giá 200 USD/tấn hạt (khoảng 3.200 đ/kg) và dự tính bán dầu diesel sinh học với giá 900 USD/tấn ở thị trường EU (trung bình 3 tấn hạt chế biến được 1 tấn dầu).

Với dự kiến như vậy 1 ha cho thu nhập tạm tính khoảng 9-10 triệu đồng VN /năm trong điều kiện bình thường, nếu trồng bằng giống được tuyển chọn và thâm canh đúng kỹ thuật năng suất hạt và hàm lượng tinh dầu sẽ tăng lên.

Từ những yếu tố nói trên có thể nhận định là thị trường nhiên liệu sinh học cả trước mắt lẫn lâu dài vừa có nhu cầu rất lớn vừa có thể được chấp nhận về giá cả.

b/- Về quỹ đất để phát triển gây trồng cây Cọc rào:          

Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27/2/2007 tổng diện tích đất chưa sử dụng trên phạm vi toàn quốc là 5.065.884 ha, bao gồm cả đất đồi núi và đất bằng chưa sử dụng. Đó là chưa kể đến hàng triệu ha đất vườn tạp cần được cải tạo, đất nương rãy đang canh tác kém hiệu quả và diện tích trồng sắn, ngô trên đất dốc gây xói mòn nghiêm trọng cần phải chuyển sang để trồng cây Cọc rào nếu sản xuất có hiệu quả, cạnh tranh được với các cây sắn, ngô.

Xét về lợi ích tổng thể, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, cà phê, chè ...và một số loại cây rau, hoa, cây ăn quả cao cấp có hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy cần dành tối đa quỹ đất để phát triển các loại cây này.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây lương thực và thủy sản để đảm bảo an ninh lương thực và phát huy thế mạnh xuất khẩu.

4 vùng sinh thái có lợi thế cạnh tranh để trồng cây Cọc rào là Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Riêng 4 vùng này diện tích đất chưa sử dụng chiếm gần 4 triệu ha, đặc biệt là 2 vùng Tây Bắc và Đông Bắc đang có rất nhiều khó khăn, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nỗ lực tìm kiếm lối ra về kinh tế cho vùng này, nhưng cho đến nay vẫn lúng túng chưa xác định được ngành hàng sản xuất nông lâm nghiệp mang tính hàng hóa. Còn 2 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ có rất nhiều diện tích đất trống trọc ở cả phía tây và vùng cát ven biển hiện sử dụng chưa có hiệu quả.

c/- Về nguồn lao động:

Theo số liệu thống kê hàng năm ở nước ta có hàng triệu người lao động mới cần việc làm, đó là chưa kể đến số lao động cũ chưa có hoặc chưa đủ việc làm, đặc biệt ở các vùng nông thôn hiện nay thời gian nông nhàn của phần lớn người nông dân chiếm đến 1/3 quỹ thời gian lao động cả năm. Do vậy nếu thực hiện đề án sẽ sẵn sàng có đủ lực lượng lao động ở nông thôn cho việc phát triển vùng nguyên liệu và nhân công cho công nghiệp chế biến dầu diesel sinh học, kể cả công việc sơ chế tại chỗ sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn nước ta.

d/. Về mặt kỹ thuật

Đối chiếu với đặc tính sinh thái của loài cây Jatropha về cả yêu cầu khí hậu và đất đai thì hầu hết các vùng ở Việt Nam đều thích hợp với việc gây trồng. Đặc biệt trên thực tế đã chứng minh đây là loài cây rất dễ trồng, dễ sống. Vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới là phải chọn tạo được các giống tốt cho năng suất hạt và hàm lượng dầu cao thích hợp với từng vùng sinh thái. Một lợi thế là cây Cọc rào nhanh ra hoa kết quả nên việc nghiên cứu sẽ có kết quả sớm.

2- Rủi ro của đề án

Có 2 vấn đề có thể gây ra rủi ro cho việc thực hiện đề án.

Thứ nhất thuộc về vấn đề kỹ thuật, tất cả các kết quả tạo giống mới cây Jatropha đều mới ở quy mô thí nghiệm và chưa có hiện trường ở mức độ sản xuất lớn với tuổi cây nhiều năm, các số liệu năng suất 10 tấn hạt/ha/năm đều được mô tả trong các tài liệu của nước ngoài. Duy nhất có giống G 188 của Malaixia đã có nhân chứng người Việt Nam thăm hiện trường với quy mô sản xuất đạt được 3 tấn hạt/ha/năm với hàm lượng dầu trong hạt đạt 40% ở tuổi trồng năm đầu tiên và theo lý thuyết năng suất hạt sẽ tăng dần lên ở các năm sau. Như vậy chưa được biết hiện trường thực tế ở quy mô sản xuất để khẳng định chắc chắn năng suất hạt sẽ đạt 10 tấn/ha/năm. Để phòng ngừa rủi ro này, trong đề án cũng chỉ tính toán theo năng suất 3 tấn hạt/ha/năm và cần thực hiện giải pháp về nghiên cứu để tạo ra các giống mới có năng suất trên 10 tấn/ha/năm giống như tài liệu mô tả để đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngành hàng mới này.

Thứ hai thuộc về giá cả kinh doanh của mặt hàng diesel sinh học, hiện nay giá buôn bán trên thị trường mặt hàng này chưa thông dụng và mỗi nước một khác do còn quá mới mẻ. Để phòng ngừa rủi ro này, trong đề án chưa đề cập đến giá cả mặt hàng diesel sinh học, mà chỉ quan tâm đến giá mua nguyên liệu dựa trên cơ sở các hợp đồng hoặc thỏa thuận đã có tại thời điểm này. Ngoài ra cần thực hiện chính sách ưu đãi về thuế như trong phần các giải pháp của đề án đề cập tới để đảm bảo trong giai đoạn đầu hỗ trợ cho việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng diesel sinh học không bị thua lỗ.

Phần Thứ Hai:  

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

Việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các sản phẩm từ cây Cọc rào ngoài các mục tiêu kinh tế còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, nghiên cứu, phát triển và sử dụng phải gắn với thị trường, đa mục đích, tạo ra nhiều loại sản phẩm, gắn với tăng thu nhập nâng cao sinh kế của người dân tham gia, góp phần xoá đói giảm nghèo ở những vùng nông thôn, miền núi. Huy động rộng rãi nguồn lực của hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn/bản, tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đầu tư nghiên cứu phát triển các mô hình công nghiệp chế biến vừa và nhỏ tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn, sản xuất sản phẩm trực tiếp hoặc sơ chế nguyên liệu cho các nhà máy lớn, liên doanh với các vùng khác với quy mô phù hợp với khả năng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cá nhân, hộ gia đình… ; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tập trung vào lĩnh vực giống và chế biến dầu diesel sinh học.

2. Mục tiêu của đề án

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo ra một ngành sản xuất nông nghiệp mới thông qua việc hình thành vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến dầu diesel sinh học có hiệu quả cao, quy mô ngày càng lớn trên cơ sở sử dụng hiệu quả đất đai ở các vùng hoang hóa, khô cằn, đất trống đồi núi trọc và những nơi canh tác nông nghiệp năng suất thấp, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở các vùng khó khăn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể từng giai đoạn

a/. Giai đoạn 2008-2010:

- Triển khai thực hiện có kết quả chương trình nghiên cứu toàn diện từ giống, biện pháp kỹ thuật gây trồng đến chế biến và sử dụng dầu diesel sinh học từ hạt Jatropa.

- Trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất thử ở các vùng sinh thái khác nhau đạt quy mô diện tích khoảng 30.000 ha. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dây chuyền chế biến công suất nhỏ 3.000 – 5.000 tấn dầu thô/năm.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ và thông thoáng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm diesel sinh học.

- Từng bước đáp ứng đủ nhân lực cho quản lý, sản xuất và nghiên cứu trong lĩnh vực diesel sinh học.

b/. Giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến 2025:

- Từng bước mở rộng sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, đến năm 2015 có thể đạt diện tích gây trồng trong cả nước khoảng 300.000 ha và định hướng tiềm năng đến 2025 có thể đạt diện tích 500.000 ha.

- Mở rộng quy mô chế biến dầu diesel sinh học và các sản phẩm phụ phù hợp với phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2015 tổng công suất chế biến đạt khoảng 300.000 tấn/năm và định hướng tiềm năng đến 2025 tổng công suất chế biến có thể đạt 1 triệu tấn dầu thô/năm, đảm bảo thay thế khoảng 10-15% lượng dầu diesel nhập khẩu.

- Góp phần vào kim ngạch xuất khẩu và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân và giảm sức ép vào rừng tự nhiên.

- Góp phần phòng hộ đất đai và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm.

3. Căn cứ để xây dựng đề án

- Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.

- Căn cứ vào Quyết định số 47/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu giai đoạn 2007 - 2010

- Căn cứ kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27/2/2007 .

- Căn cứ vào “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY CỌC RÀO Ở VIỆT NAM TỚI NĂM 2025

Lộ trình cho nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào ở Việt Nam đến năm 2025 được xác định làm 2 giai đoạn

1- Giai đoạn 1 (từ 2008-2010)

- Tập trung nghiên cứu toàn diện về cây Jatropha từ chọn tạo giống, kỹ thuật gây trồng đến chế biến và sử dụng các sản phẩm của cây Cọc rào. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu sẽ hoàn thiện các quy trình kỹ thuật gây trồng và chế biến cây Cọc rào.

- Trồng khảo nghiệm trên diện rộng ở các vùng sinh thái trong cả nước, sản xuất thử ở quy mô nhỏ dự kiến tổng diện tích trồng trong giai đoạn này khoảng 30.000 ha.

- Khảo nghiệm, lựa chọn công nghệ tinh lọc dầu diesel sinh học tiên tiến và có hiệu quả nhất.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách và quản lý đối với ngành hàng dầu diesel sinh học.

Định hướng cho nghiên cứu:

Tiến tới hình thành một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cây Cọc rào làm nòng cốt tập hợp lực lượng đông đảo các đơn vị và cá nhân trong cả nước cùng thực hiện một chương trình nghiên cứu tổng thể cấp nhà nước về cây Cọc rào. Chương trình này sẽ bao gồm toàn diện các vấn đề kinh tế -kỹ thuật nhằm đảm bảo đưa cây Cọc rào trở thành một ngành hàng mũi nhọn, có thể là những vấn đề sau:

- Thu thập các xuất xứ của giống nội địa, nhập khẩu các giống ngoại tốt nhất, tiến hành khảo nghiệm giống ở các vùng sinh thái khác nhau để xác định các giống phù hợp cho từng vùng.

- Nghiên cứu lai tạo giống mới có hàm lượng dầu trong hạt >40% và năng suất hạt đạt hơn 10 tấn/ha/năm, cùng với kỹ thuật nhân giống hoàn thiện. Đồng thời tiến hành nghiên cứu tạo các giống mới bằng công nghệ sinh học (ưu tiên công nghệ gen).

- Nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học tác động đến quá trình hình thành hoa cái và tỷ lệ đậu quả .

- Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh (chú ý đến loại phân bón và liều lượng bón vì có thông tin nếu bón phân có gốc Sunphat sẽ làm tăng năng suất khoảng 10%, ngoài ra cần quan tâm đến các biện pháp điều chỉnh mật độ và tạo tán, tạo ngọn vì đây là loài ra hoa quả ở đầu cành…) và vấn đề bảo quản hạt sau thu hoạch.

- Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến chiết xuất dầu diesel sinh học; thử nghiệm tỷ lệ dầu diesel sinh học trên các động cơ đốt trong và các loại động cơ khác.

- Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến các loại sản phẩm phụ của cây Cọc rào (như khử độc tố trong bã hạt làm thức ăn gia súc, sử dụng thân cây làm nút lie hoặc làm nguyên liệu giấy, giá thể nuôi nấm...).

- Nghiên cứu về cơ chế chính sách và dự báo thị trường đối với các sản phẩm của cây Cọc rào.

2- Giai đoạn 2 (từ 2011-2025):

Trong giai đoạn này có thể chia làm 2 bước:

- Từ 2011 đến 2015: Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu được khẳng định và nhu cầu của các nhà đầu tư sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết các vùng trồng tập trung gắn với các nhà máy chế biến dầu diesel sinh học. Trong giai đoạn này dự kiến mở rộng trồng khoảng 300.000 ha.

- Từ 2015 trở đi: Trồng đại trà để đạt diện tích khoảng 500.000 ha trên toàn quốc, sử dụng diesel sinh học với tỷ lệ bắt buộc trong diesel dầu mỏ, quảng bá sử dụng các sản phẩm phụ từ cây Cọc rào.

Định hướng phát triển sản xuất:

Từ những bài học kinh nghiệm đã có trong hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới ở nước ta đối với chỉ đạo phát triển nông lâm nghiệp, ngành sản xuất diesel sinh học từ cây Cọc rào phải dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp và kinh tế hộ nông dân, dứt khoát không làm theo kiểu phong trào và mệnh lệnh hành chính, mà phát triển theo hướng tạo điều kiện cho dân và doanh nghiệp làm, dân và doanh nghiệp hưởng lợi, Nhà nước đảm bảo có đủ các chính sách vĩ mô để tạo chỗ dựa và xóa bỏ mọi rào cản gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp. Cách làm là từng bước, trước hết phải nhanh chóng tiến hành nghiên cứu, sản xuất thử, sau khi có kết quả mới tổng kết rút kinh nghiệm để quyết định mở rộng quy mô và dựa vào các doanh nghiệp hỗ trợ cho dân làm, đảm bảo đầu ra. Quy mô 500.000 ha chỉ mang tính định hướng tiềm năng, việc thực hiện cụ thể sẽ do hiệu quả sản xuất và thị trường quyết định.

Trong giai đoạn 1 trồng khoảng 30.000 ha và xây dựng các cơ sở chế biến nhỏ chiết xuất dầu diesel sinh học từ hạt cây Cọc rào có công suất 3.000 - 5.000 tấn dầu thô/năm, dựa vào các dự án đã được chuẩn bị của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sau đó, tổng kết rút kinh nghiệm để phát triển trồng và sản xuất dầu ở các giai đoạn sau với quy mô lớn.

Phương thức trồng cây Cọc rào nên theo 2 hướng. Thứ nhất là trồng thâm canh, lấy mục tiêu kinh tế là chính, năng suất hạt phải đạt từ 10tấn/ha/năm, năng suất dầu thô phải đạt 2-3 tấn/ha/năm. Thứ hai là trồng ở một số nơi khó khăn lấy mục tiêu phục hồi sinh thái là chính (bao gồm chống sa mạc hóa, các đường băng cản lửa để phòng chống lửa rừng) yêu cầu năng suất hạt khoảng 1 tấn/ha/năm. Ngoài ra có thể khuyến khích trồng phân tán quanh nhà, ven đường... kể cả ở vùng đồng bằng cũng sẽ tạo ra một lượng đáng kể nếu làm tốt.

- Trong một vài năm đầu có thể phải chấp nhận việc bán nguyên liệu thô để tạo thị trường cạnh tranh. Đồng thời ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nhỏ công suất 3.000 – 5.000 tấn dầu thô/năm ở các vùng nguyên liệu trong cả nước. Nhưng cũng cho phép các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy tinh luyện dầu với công suất lớn hàng 100 ngàn tấn/năm.

Chu trình sản xuất và kinh doanh diesel sinh học từ cây Cọc rào có thể tóm tắt như sau: các hộ nông dân được sự hỗ trợ của Nhà nước (hoặc doanh nghiệp) thực hiện việc gây trồng và thu hoạch hạt; các doanh nghiệp hoặc đại lý thu mua nguyên liệu thô để sơ chế ngay tại chỗ bằng máy ép loại nhỏ (lúc này sản phẩm là dầu thô và bã); dầu thô sẽ được bán cho các dây chuyền chế biến nhỏ ở từng vùng hoặc nhà máy công suất lớn để tinh chế (lúc này sản phẩm gồm diesel sinh học và Glyxeryl); bã sẽ được trực tiếp chế biến thành phân bón hữu cơ chất lượng cao hoặc nếu nghiên cứu thành công việc khử Phytoxis sẽ chế biến thành thức ăn gia súc.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về đất đai

Số liệu thống kê trên sổ sách về diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, nhưng trên thực tế việc đưa những diện tích này vào sử dụng lại không hề đơn giản, đây chính là yếu tố hạn chế hiện nay cần phải được giải quyết theo hướng tạo điều kiện cho dân và doanh nghiệp có đất để trồng trên diện tích lớn và tập trung, không áp dụng cứng nhắc quy định về mức hạn điền. Có thể thực hiện các giải pháp sau:

- Hoàn thành giao đất trống đồi trọc cho hộ gia đình, cá nhân;

- Những nơi còn quỹ đất trống lớn tập trung chưa giao thì chính quyền lập các dự án cho thuê đất;

- Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư và nông dân có đất, hai bên cùng có lợi

- Thông thoáng về thủ tục chuyển nhượng đất, khuyến khích tích tụ đất, không hạn chế với diện tích đất trống đồi trọc.

- Đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu diesel sinh học được ưu tiên bố trí đất trong các khu công nghiệp hoặc khu vực do doanh nghiệp đề nghị phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

2. Giải pháp về Chính sách

- Chính sách hỗ trợ đầu tư:

Hỗ trợ hạt giống hoặc cây giống cho tất cả các hộ dân có đất đai phù hợp và tự nguyện tham gia trồng cây Cọc rào trong giai đoạn đầu tiên đến năm 2010.

Ưu đãi về vốn vay cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động gây trồng và chế biến các sản phẩm sinh học từ cây Cọc rào.

- Chính sách thuế: thực hiện theo Luật đầu tư, các Luật thuế hoặc có thể áp dụng một trong 2 cách sau để khuyến khích các doanh nghiệp.

Thứ nhất, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một khoản gọi là thưởng môi trường theo đầu tấn sản phẩm dầu diesel sinh học được sản xuất ra, khoản này bằng tiền chênh lệch giữa giá bán diesel dầu mỏ với giá bán diesel sinh học (trong trường hợp giá bán diesel sinh học thấp hơn, coi đây là khoản trợ cấp ưu đãi để khuyến khích).

Thứ hai, Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sản xuất diesel sinh học trong thời gian đầu khi giá thành diesel sinh học còn cao hơn giá thành diesel dầu mỏ.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến nông

Với lợi thế là thời gian ra hoa kết quả chỉ sau khi trồng 6 tháng nên việc nghiên cứu cây Cọc rào sẽ nhanh cho những kết quả phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để giải quyết một cách toàn diện và triệt để mọi vấn đề cho phát triển năng lượng diesel sinh học, Nhà nước cần đầu tư một Chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm diesel sinh học mang tính lâu dài (có thể trong khoảng thời gian 10-15 năm), trong đó đối tượng có thể không chỉ là cây Jatropha. Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học, nhất là công nghệ gen để tạo ra giống Jatropha đột biến có năng suất cao và hàm lượng dầu cao hơn hẳn những giống hiện có.

Trước mắt giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có thể là Trung tâm công nghệ sinh học lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam hiện nay) đứng làm đầu mối để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu. Dần dần tùy theo sự phát triển của khoa học và yêu cầu của sản xuất có thể hình thành một Trung tâm (hoặc Viện) nghiên cứu chuyên đề về cây Jatropha và diesel sinh học, đơn vị này có thể do Nhà nước thành lập, cũng có thể do doanh nghiệp thành lập, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Nhà nước có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước bỏ vốn nghiên cứu khoa học về nhiên liệu sinh học.

- Xây dựng một chương trình khuyến nông về cây Jatropha thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2015.

- Nhà nước đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực cây trồng các sản phẩm sinh học.

4. Giải pháp về thị trường

Nhà nước có quy định về tỷ lệ bắt buộc diesel sinh học pha trong diesel dầu mỏ được tiêu thụ trên thị trường, như một số nước đã thực hiện, có thể theo lộ trình từ 2010-2015 phải sử dụng từ B1 đến B5 (tức từ 1-5% diesel sinh học pha với 99-95% diesel dầu mỏ), sau đó là B10 tiến tới B20 tùy theo tình hình phát triển của sản xuất trong nước và sức ép về năng lượng dầu mỏ trên trường quốc tế.

Nước ta đã tham gia Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu toàn cầu, cho nên việc thực hiện quy định bắt buộc sử dụng diesel sinh học là một hành động chứng minh với thế giới việc thực thi nghiêm chỉnh những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời tạo ra khung pháp lý bắt buộc các nhà kinh doanh buôn bán sản phẩm dầu diesel phải thực hiện sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất diesel sinh học yên tâm về thị trường trong nước và khuyến khích được quan hệ cung-cầu phát triển.

IV. NHU CẦU VỀ VỐN ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

Tổng nhu cầu vốn cho thực hiện đề án ước tính khoảng 2.320 tỷ đồng Việt Nam, trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 220 tỷ đồng Việt Nam; còn lại 2.100 tỷ đồng Việt Nam sẽ là nguồn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.

1- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước

Nhà nước đầu tư cho các công việc: nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, đào tạo và hỗ trợ cây giống cho hộ dân trồng trong thời kỳ đầu khi chưa có thị trường.

Nguồn vốn được lấy từ vốn sự nghiệp khoa học, vốn khuyến lâm, vốn sự nghiệp đào tạo và hàng năm bố trí một khoản vốn ngân sách riêng cho chương trình này.

2- Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước:

- Các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho các dự án gây trồng, chế biến và phát triển các sản phẩm sinh học.

- Tính trung bình suất đầu tư cho trồng 1 ha cây Cọc rào là 4 triệu đồng thì để đạt được 500.000 ha cần 2.000 tỷ đồng. Một dây chuyền thiết bị chế biến diesel sinh học có công suất 3.000 tấn dầu thô/năm giá là 120.000 USD, như vậy suất đầu tư cho chế biến diesel sinh học khoảng 40 USD/tấn.

- Nguồn vốn lấy từ vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng thương mại và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Biểu 1- Nhu cầu vốn cho cả thời kỳ 2008 – 2025

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nội dung

Tổng số

Vốn NS

Vốn ngoài NS

Chương trình nghiên cứu tổng thể

100

100

 

Chương trình khuyến nông

20

20

 

Đầu tư gây trồng nguyên liệu

2.000

100

1.900

Đầu tư chế biến dầu diesel sinh học

200

 

200

Tổng cộng

2.320

220

2.100

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.)ở Việt Nam là một lĩnh vực mới có nhiều tiềm năng, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do đó để thực hiện thành công đề án cần phải có tổ chức chặt chẽ và phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như sau:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án về nghiên cứu, gây trồng, chế biến, thử nghiệm và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật của cây Cọc rào thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phát triển vùng nguyên liệu. Giao cho các cơ quan thuộc Bộ thực hiện ngay các công việc cụ thể từ năm 2008 như sau:

+ Vụ Khoa học công nghệ xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể về cây Jatropha và các đề tài chi tiết phục vụ chương trình này.

+ Cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh giải quyết vấn đề đất đai cho trồng nguyên liệu và xây dựng các chính sách phát triển trồng cây Jatropha. Đồng thời xây dựng một số mô hình trồng cây Cọc rào ở các vùng sinh thái trọng điểm, bao gồm cả mô hình trồng băng cản lửa bảo vệ rừng trồng.

+ Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối phối hợp với các đơn vị và Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng quy hoạch công nghiệp chế biến và tìm hiểu thông số về công nghệ chế biến dầu diesel sinh học.

+ Trung tâm khuyến nông Quốc gia xây dựng chương trình khuyến lâm phát triển cây Cọc rào trên vùng đất dốc.

- Với Bộ Công Thương: quy hoạch và chỉ đạo xây dựng cơ sở tiêu thụ diesel sinh học và tổ chức thử nghiệm, công bố tiêu chuẩn về dầu diesel sinh học và các sản phẩm từ cây Cọc rào thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương.

- Với Bộ Khoa học và Công nghệ: Xây dựng chương trình nghiên cứu tổng thể về cây trồng cho diesel sinh học để thực hiện.

- Với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực các cấp phục vụ cho quản lý, nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học.

- Với các Bộ, Ngành khác (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,Tài nguyên và môi trường) phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án trong các lĩnh vực liên quan thuộc Bộ, Ngành phụ trách.

- UBND các tỉnh có trách nhiệm:

Chủ động kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến dầu diesel sinh học trên địa bàn tỉnh, nhất là giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đất đai.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả dự án trên địa bàn tỉnh. Phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về biện pháp giải quyết.

VI. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Về kinh tế

Hàng năm nguồn năng lượng diesel sinh học từ cây Cọc rào bổ sung và thay thế một lượng lớn dầu diesel truyền thống.

Cây Cọc rào có hàm lượng dầu diesel trong hạt từ 30÷ 38%, trên 1 ha có thể cho từ 1÷ 2 tấn dầu diesel sinh học/năm. Nếu thực hiện đề án chúng ta có thể đáp ứng cho sự thiếu hụt từ 10÷ 15% dầu diesel nhập khẩu, giảm bớt sản lượng nhập khẩu và tiết kiệm hàng trăm triệu USD cho nhà nước (giá dầu diesel từ cây Cọc rào tại Ấn Độ là 0,4 Đôla Mỹ / 1 lít khoảng 6.000 đồng Việt Nam chưa có thuế thời điểm 2006, tại Thái Lan từ 20 – 25 bạt/ 1lít khoảng 8.000 đồng Việt Nam thời điểm 2006). Ngoài ra Nhà nước sẽ thu được một khoản thuế không nhỏ (sau một vài năm miễn giảm ưu đãi) từ công nghiệp chế biến và kinh doanh thương mại dầu diesel sinh học.

Đối với các hộ nông dân trồng Jatropha sẽ có thu nhập ròng khoảng 6 – 7 triệu đồng/ha ngay sau khi trồng một năm (theo cách tính: suất đầu tư 3 triệu đồng/ha, giá bán hạt 3.200 – 3.500 đ/kg, năng suất đạt 3 tấn hạt/ha). Các năm sau sẽ tăng lên nhiều nếu như năng suất hạt tăng, thậm chí giả sử năng suất vẫn giữ nguyên thì các chi phí sản xuất cũng giảm nhiều vì không phải trồng lại.

2. Về xã hội 

Giảm đói nghèo cho người dân lao động ở những vùng núi cao, trung du, đồng bằng và các vùng đất canh tác khó khăn, thu hút hàng vạn lao động ở 2 khâu: trồng rừng và chế biến. Nông dân có cơ hội tăng thu nhập từ tham gia đề án, đây là cơ sở để thực hiện chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, tạo bư­ớc chuyển dịch mới trong cơ cấu kinh tế nông thôn (tạo công ăn việc làm cho 50 lao động thường xuyên cho 100ha trồng cây Cọc rào).

3. Về môi tr­ường

Cây Cọc rào là cây có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng, phát triển trên đất khô cằn, nhất là các vùng đất cát như ở Miền Trung, đất trồng đồi núi trọc và vùng đất nghèo dinh dưỡng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Khả năng hấp thụ CO2 của cây Cọc rào cao, có thể hấp thụ 10 tấn khí thải CO2/ha/năm (2005, Lê Võ Định Tường).

Diesel sinh học từ cây Cọc rào có đặc tính là khó cháy nổ, có thành phần ô xy trong phân tử và không có sunphua nên được đốt cháy hết, giảm thiểu 40 - 80% khí gây hiệu ứng nhà kính.

Tăng độ ẩm cho môi trường, tăng dự trữ nước và cải tạo đất tốt.

Tạo vi khí hậu cho vùng trồng xen hoa màu, các loại cây kinh tế khác.

Góp phần nâng độ che phủ của thảm cây xanh, tăng cư­ờng phòng hộ đồng ruộng, đê điều, bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi và cải thiện đư­ợc môi trư­ờng sinh thái.

Đây là nguồn năng lượng có khả năng tái tạo có tính ổn định và bền vững cao.

Phần Thứ Ba:

 KẾT LUẬN

- Đây là một đề án có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước. Với các hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường của đề án và xu thế chung của quốc tế về phát triển nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, vì vậy sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các nhà khoa học và quần chúng nhân dân trong cả nước.

- Xây dựng và thực hiện đề án thành công sẽ góp phần giải quyết đáng kể những bức xúc hiện nay về nhu cầu nhiên liệu trong nước cả trước mắt và lâu dài, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đóng góp vào quá trình thực hiện Nghị định thư Kyoto và Công ước chống sa mạc hóa mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

THE MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No: 1842/QD-BNN-LN

Hanoi, June 19, 2008

 

DECISION

APPROVAL OF THE SCHEME "RESEARCH, DEVELOPMENT AND USAGE PRODUCTS OF JATROPHA CURCAS L. IN VIETNAM IN THE PERIOD 2008-2015 AND WITH A VISION TO 2025"

THE MINISTER OF THE MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

Pursuant to the Government Decree No. 01/2008/ND-CP of January 03, 2008 which specifies functions, duties, authorities and organization of the Ministry of Agriculture and Rural development;

Pursuant to the Prime Minister Decision No. 177/2007/QD-TTg of November 20, 2007, approved "scheme on development of biofuels up to 2015, with a vision to 2025";

Pursuant to the writing comments of the ministries and the appraisement of the Ministry of Justice for the scheme" "research, development and usage products of Jatropha Curcas L. in Vietnam in the period 2008-2015 and with a vision to 2025";

Pursuant the government announcement No. 3226/VPCP-KTN of May 20, 2008 in which the Vice Prime Minister Hoang Truing Hay directs MARD to approve the Scheme "research, development and usage products of Atrophy Carcass L. in Vietnam in the period 2008-2015 and with a vision to 2025";

At the proposal of the Forestry Department,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1: To approve the scheme "research, development and usage products of Atrophy Carcass L. in Vietnam in the period 2008-2015 and with a vision to 2025" (below referred to as scheme for short) with the following principle contents:

I. OBJECTIVE

1. General Objectives:

To create new agricultural production through establishing of the material area that stitches to the development of bio-diesel processing with the high efficiency, gradually growing scale based on the efficiency usage of uncultivated land, barren, unused land, bared mountain and forest and the cultivated area with low productivity. This is to improve people's living conditions in the poor areas, and is also to protect ecological environment.

2. Specific objectives for each period:

a. From 2008-2010:

To develop the comprehensive program research of seeds, planting technical measurements, processing and usage of biodiesel that made of Jatropha seeds.

To do test, experimental planting and test production of different ecological areas that achieves the area of about 30,000 ha. To encourage the enterprises to invest in setting up processing lines with small capacity 3.000 - 5.000 of raw diesel tons per year.

To establish and complete synchronous and clear mechanisms and policy to encourage all economic components to invest into planting, processing and trade of biodiesel products.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. Period 2011 - 2015, with the vision of 2025:

To step by step improve large scale production according to market requirement, the planting area can be reached to 300.000 ha up to 2015 and can be reached to 500.000 ha up to 2025.

To improve processing scale of biodiesel and secondary products of Jatropha Curcas L. in the accordance with the development of material area, the total processing capacity will be reached about 300.000 tones raw diesel/year up to 2015 and with potential direction the total processing capacity can be reached 1 million tones raw material /per year, to ensure to replace 10-15% imported diesel.

To contribute into export turnover, creation of jobs, increasing income for laborers, hunger elimination and poverty reduction, people's life stabilization and pressure reduction of natural forests.

To contribute into land protection, ecological environment protection and pollution protection.

II. MAIN TASKS:

1. Experimental plantation and test production of the available breeds

Research units: to collect origins of the domestic breeds, to import foreign good available breeds, to proceed breeds experiment on different ecological areas to determine suitable breeds for each area. Enterprises: to carry out test production with small scale to reach 30.000 hectares up to the year of 2010.

2. Research and application of plantation, biodiesel processing and other products of Jatropha Circus L.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To spread production, to create material area that stitches to the processing in the accordance with the market demand

On the basic of the affirmed research results and the investors' demand, it is to proceed details plan of the concentrated planting area that stitches to bodies processing factories. Up to 2010, about 30.000 tons/per year of the crude oil can be produced. Up to 2015, step by step to spread the planting area of about 300.000 hectares, to encourage enterprises to invest in biodiesel processing with the total capacity reaches about 300.000 tons of crude oil/per year.

From 2015 to 2025, the orientation is to plant on a large scale so that the planting area can be reached to 500.000 hectares in the whole country , to increase the biodiesel processing capacity up to 1 million tons of crude oil/per year and to use biodiesel of the compulsory rate mixed with petroleum.

4. To establish and complete institutions, policies

To establish institutions and policies to ensure the management and to encourage the all economic components to participate into research and production investment, biodiesel processing.

5. To train man power for the management, research and production in the
biodiesel field

To establish short-term, long-term training program and plan of bioenergy in general, of biodiesel in particular at different levels of university, secondary school and vocational training.

III. SOME MAIN MEASURES:

1. Measures on land

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For those areas where there are large concentrated areas of unalloted land, the local authorities have to set up projects for leasing;

- To encourage for joint-venture, joint-corporation between investors and farmers who own land in the win-win investment;

- To simplify procedures on land transfer; to encourage for gathering land without limitation for free, bare land;

- Those enterprises who invest in establishing factories for processing biodiesel, shall get priority for land in industrial parks or in the areas proposed by the enterprises in accordance with the province's master plan.

2. Measure on policies

- Investment-support policies:

To support seeds or seedlings for those families who own suitable land and voluntarily contribute in planting Jatropha Circus L. in the first stage up to 2010.

To provide incentives in loan for organizations, individuals who invest in plantation and processing biological products from Jatropha Circus L.

- Tax policies:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Measures on science, technology and agriculture encouragement

The Government invests in the Program on long-term research and development of biodiesel products. To strengthen research on application of bio-technology, especially of gene technology used to create suddenly changed Jatropha breed which provides much higher capacity and much higher oil concentration of seeds compared with the recent breeds.

In accordance with science development and production requirement, a centre (institute) can be established to carry out special study on Jatropha trees and bio-diesel. This centre/institute can be established by the Government or by enterprises.

The Government issues incentive policies to encourage scientists, scientific organizations, domestic and foreign private enterprises to invest in research on biological energy. To establish agriculture-encouragement program on Jatrpha trees in the period 2009-2015.

The Government shall invest in training of strengthening capacity for management cadres and researchers who work in the field of plantation and processing of bio-products.

4. Marketing measures

The Government stipulates the compulsory percentage of bio-diesel in diesel used in the market, from Bl to B5 (e.g. 1-5 % of bio-diesel with 99-95 % oil diesel), in accordance with development of domestic production and with pressure of oil diesel in the international market.

IV. FINANCIAL NEED FOR THE PROJECT

The total capital for the Project is estimated around VND 2,320 billion, in which about VND 220 billion from national budget and about VND 2,100 billion from domestic and foreign economic groups, enterprises, individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Government invests in science research, forestry encouragement, training and seeds supporting for the families at the first stage.

The capital resources are from recurrent scientific, training capital, forestry encouragement capital and every year the part of the national budget is reserved for this program.

2. The capital out of the national budget

Enterprises, individuals invest in the projects of planting, processing of bio-products development.

The capital resources are from enterprises, commercial bank loan and sponsored fund of domestic and foreign economic groups, individuals.

V. IMPLEMENTATION

1. Ministry of agriculture and rural development (MARD)

MARD is the focal point to direct the implementation, examination, supervision and cooperation with ministries, concemed units and peoples' committee of the provinces in the process of implementation of this project on research, planting, processing, testing and standards announcement of Jatropha Curcas L that belongs to the field of agriculture, rural development and material zone development. To allot units, bodies of MARD to implement concrete tasks from 2008 as follows:

+ The Science, Technology and Environment Department establishes overall research program on Jatropha Curcas L and details projects for this program.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ The Department of Processing, Trade of agricultural and fishery products and Salt industry coordinates with concemed units, ministries, branches to establish master plan of processing industry and to find index of processing technology of biodiesel.

+ The National Centre of Agriculture and Fishery encouragement establishes the program of forestry encouragement to develop Jatropha Curcas L on the slip and uncultivated land.

Other Ministries, branches:

- The Ministry of Industry and Trade (MOIT): To Plan and direct the establishment of biodiesel consuming units, to organize experiment, announcement standards of biodiesel and Jatropha Curcas L products that belongs to the field of the management of MOIT.

The Ministry of Science and Technology (MOST): To establish overall research program on biodiesel plants.

The Ministry of Education and Training (MOET): To establish program and plan of human resources training at different levels for the management, research and production in the biodiesel field.

The Ministries of Planning and Investment (MPI), Finance (MOF), Natural Resources and Environment (MONRE) coordinate, support Scheme implementation in the concerned fields that belong to the management of each Ministry, Branch.

2. Peoples' Committees:

To attract enterprises and provide favorable conditions for them to implement projects of investment into material areas and biodiesel processing units in the provincial areas, to quickly solve all procedure of land in accordance with the master plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2: The Chief of the Office Bureau, The Directors of the Forestry Department, Forestry Inspection Department, Plant Protection Department, Processing Department, Trade of Agricultural, Forestry and Fishery products and Salt industry , Directors of Planning Department, Finance Department, Science, Technology and Environment Department, the National Centre of agriculture and fishery encouragement; Directors of Provincial Agricultural and Rural Development Departments and Heads of concerned units, organizations and individuals are responsible to implement this Decision./.

 

 

MINISTER




Cao Duc Phat

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1842/QĐ-BNN-LN ngày 19/06/2008 về việc phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.700

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.16.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!