Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2865/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
Ngày ban hành: 18/11/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2865/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11của Quốc hội ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 của Quốc hội ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị quyết số 62/2013/NĐ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình ngày 18 tháng 7 năm 2013 về việc thông qua Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-CT ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình kiêm Báo cáo thẩm định số 1309 /TTr-SXD ngày 28 tháng 10 năm 2013 kèm theo hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi và thời hạn lập quy hoạch

1.1. Phạm vi lập quy hoạch: Phạm vi quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Quảng Bình - 8.065 km,2 gồm thành phố Đồng Hới và 6 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, được giới hạn như sau:

- Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh;

- Phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị;

- Phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào;

- Phía Đông giáp biển Đông.

1.2.Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020; giai đoạn dài hạn 2020 - 2030.

2. Tính chất và mục tiêu phát triển

2.1.Tính chất vùng:

- Là vùng kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - dịch vụ- du lịch - nông - lâm - ngư nghiệp, kinh tế biển;

- Là trung tâm tiểu vùng Bắc Trung Bộ (duyên hải Trung Bộ);

- Là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thuỷ, trao đổi thương mại với các nước bạn Lào, Thái Lan thông qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và cảng biển Hòn La;

- Là vùng có các khu vực sinh thái quan trọng, trong đó có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với các tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, đồng thời là vùng có khả năng phát triển các loại hình du lịch văn hoá, lịch sử cách mạng mang ý nghĩa Quốc gia và quốc tế;

- Là vùng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học. Vùng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nông, lâm, ngư nghiệp...

- Là vùng có các khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của Quốc gia.

2.2. Mục tiêu phát triển:

- Cụ thể hoá các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

- Phát huy có hiệu quả mối quan hệ nội, ngoại vùng, các thế mạnh về du lịch, năng lượng, khoáng sản, nông, lâm nghiệp, văn hoá, sinh thái, vị trí địa lý để phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

- Xác định các vùng động lực, các trục kinh tế động lực.

- Định hướng quy hoạch tổ chức không gian đô thị, phát triển dân cư, xây dựng mô hình phát triển không gian vùng tỉnh, hình thành hệ thống đô thị, phân loại, phân cấp đô thị, xác định tính chất đô thị cải tạo, xây mới, nâng cấp... Lựa chọn mô hình phát triển. Định hướng phân bố không gian xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội, và các điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, du lịch… trong đó xác định các vùng phát triển không gian, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội theo hướng cân bằng và bền vững.

- Tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn trong tỉnh, xây dựng các chương trình kế hoạch và hoạch định các chính sách phát triển, các dự án đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực.

- Xác định khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng làm cơ sở cho việc phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, và các khu chức năng khác trong vùng.

3. Các dự báo phát triển

- Dự báo quy mô dân số:

+ Năm 2020: Tổng dân số khoảng 950.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 306.000 người (chiếm 32,2%), dân số nông thôn khoảng 644.000 người (chiếm 67,8%);

+ Năm 2030: Tổng dân số khoảng 1.070.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 498.500 người (chiếm 46,6%), dân số nông thôn khoảng 571.500 người (chiếm 54,4%).

- Dự báo đất xây dựng đô thị: Năm 2020 khoảng 9.200 - 9.600 ha; năm 2030 khoảng 16.500 - 17.500 ha.

- Dự báo đất xây dựng các khu dân cư nông thôn: Năm 2020 khoảng 6.000-6.500 ha; năm 2030 khoảng 5.800-6.000 ha.

4. Định hướng phát triển vùng

4.1. Định hướng phát triển không gian vùng:

a. Phân vùng phát triển không gian kinh tế - đô thị:

- Tiểu vùng kinh tế động lực trung tâm: Gồm thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và khu vực phía Bắc huyện Quảng Ninh (thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, xã Vĩnh Ninh). Diện tích khoảng 234.000 ha, dân số khoảng 304.459 người. Thành phố Đồng Hới là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình, là trung tâm của tiểu vùng. Là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó dịch vụ thương mại, du lịch chất lượng cao, công nghiệp đa ngành đóng vai trò chủ đạo; phát triển du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế kết hợp bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển kinh tế vùng gò đồi (trồng cây công nghiệp, xây dựng mô hình trang trại…), khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ, bảo vệ và phát triển bền vững biên giới, biển và hải đảo.

- Tiểu vùng động lực phía Bắc: Gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Diện tích 317.800 ha. Dân số. 334.435 người. Trong đó, đô thị trung tâm tiểu vùng là cụm Khu Kinh tế Hòn La và thị xã Ba Đồn. Là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó: Cảng biển, công nghiệp đa ngành, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, giao thương kinh tế thương mại - cửa khẩu là chủ đạo; phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản và các dịch vụ thương mại tổng hợp khác. Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và hải đảo. Khai thác lợi thế vùng Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình, hành lang kinh tế Đông - Tây, quốc lộ 12A nối thông cửa khẩu với cảng biển nước sâu, hợp tác phát triển giữa các Khu kinh tế Hòn La, Cha Lo, Vũng Áng, Cầu Treo. Hình thành các đô thị dọc tuyến QL12A, đường Hồ Chí Minh, khu vực Hòn La, Cha Lo.

- Vùng sinh thái nông - lâm nghiệp phía Nam: Gồm huyện Lệ Thủy và các xã của huyện Quảng Ninh (trừ thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh và Vĩnh Ninh đã đưa vào Tiểu vùng động lực trung tâm). Diện tích 254.700ha. Dân số 219.030 người. Thị trấn Kiến Giang được xác định là trung tâm của tiểu vùng. Là vùng có tiềm năng về phong điện, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, cầu nối với các đô thị và các tỉnh phía Nam. Khai thác lợi thế địa hình để phát triển kinh tế vùng gò đồi (trồng cây công nghiệp và xây dựng mô hình trang trại).

b. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn

- Giai đoạn đến 2020: Dự kiến có 13 đô thị, gồm:

+ 01 đô thị loại II: Thành phố Đồng Hới, đô thị loại II (trước năm 2016) là đô thị trung tâm cấp vùng tỉnh, đô thị động lực của tiểu vùng kinh tế động lực trung tâm, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

+ 03 đô thị loại IV gồm có:

* Đô thị Ba Đồn (trở thành thị xã trong năm 2013): là đô thị trực thuộc tỉnh, trung tâm tiểu vùng phía Bắc. Phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và du lịch.

* Đô thị Hoàn Lão, nâng cấp lên đô thị loại IV trước 2020 (thị xã trước năm 2030): Là đô thị huyện lỵ thuộc huyện Bố Trạch; trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa huyện Bố Trạch, đô thị thương mại, dịch vụ, công nghiệp và du lịch hỗ trợ thành phố Đồng Hới

* Đô thị Kiến Giang, nâng cấp lên đô thị loại IV (thị xã trước năm 2020): Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Lệ Thủy. Phát triển không gian đô thị theo hướng Đông Tây (mở rộng về phía Đông đường Quốc lộ 1A), liên kết với khu công nghiệp Bang, Cam Liên và không gian sinh thái nông nghiệp, du lịch tâm linh, khu du lịch suối nước khoáng Bang. Do Kiến Giang thuộc vùng đất trũng nên không gian đô thị sẽ phát triển theo hướng kết nối khu vực đô thị hiện hữu với các khu vực mới, đan xen là vùng sinh thái nông nghiệp.

+ 09 đô thị loại V, trong đó 5 đô thị hiện có và 4 đô thị xây dựng mới, gồm có:

* Đô thị Đồng Lê: Là đô thị huyện lỵ thuộc huyện Tuyên Hóa; trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa huyện Tuyên Hóa. Phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp và khai thác lợi thế tuyến hành lang xuyên Á qua cửa khẩu Cha Lo.

* Đô thị Quy Đạt: Là đô thị huyện lỵ thuộc huyện Minh Hóa; trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa huyện Minh Hóa. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, dịch vụ, thương mại.

* Đô thị Quán Hàu: Là đô thị huyện lỵ thuộc huyện Quảng Ninh; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Ninh. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ thành phố Đồng Hới.

* Đô thị Việt Trung: Là thị trấn nông trường huyện Bố Trạch.

* Đô thị Lệ Ninh: Là thị trấn nông trường huyện Lệ Thuỷ. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ thị trấn Kiến Giang.

* Đô thị Hòn La - Quảng Phú: Là đô thị thuộc Khu Kinh tế Hòn La. Phát triển dịch vụ tổng hợp, thương mại, công nghiệp, dịch vụ cảng biển.

* Đô thị Quảng Phương: Là thị trấn huyện lỵ mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Trạch.

* Đô thị Phong Nha: Là đô thị du lịch huyện Bố Trạch. Phát triển các dịch vụ du lịch hỗ trợ bão tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

* Đô thị Dinh Mười: Là đô thị mới huyện Quảng Ninh.

- Giai đoạn đến năm 2030 dự kiến có 19 đô thị, gồm có:

+ 01 đô thị loại II là thành phố Đồng Hới;

+ 05 đô thị loại IV, gồm có: Hòn La - Quảng Phú, Ba Đồn, Kiến Giang, Hoàn Lão, Đồng Lê.

+13 đô thị loại V, gồm có 6 đô thị hiện hữu và đô thị đã quy hoạch trong giai đoạn năm 2020 là: Quy Đạt, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh, đô thị du lịch Phong Nha, Quảng Phương, Dinh Mười và 7 đô thị xây dựng mới là: Đô thị cửa khẩu Cha Lo - Bãi Dinh huyện Minh Hóa, đô thị Hóa Tiến thuộc huyện Minh Hóa, đô thị Tiến Hoá thuộc huyện Tuyên Hóa, đô thị Thanh Hà (Thanh Khê) huyện Bố Trạch, đô thị Áng Sơn thuộc huyện Quảng Ninh, đô thị Phúc Trạch thuộc khu vực Troóc huyện Bố Trạch, và thị trấn Lâm trường Cà Roòng thuộc xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch.

c. Định hướng tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn

Thực hiện theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

4.2. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

a. Giao thông

* Đường bộ:

- Tuyến Cao tốc Bắc Nam (1 phần trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông): xây dựng đạt quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe.

- Tuyến quốc lộ 1A: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II, có 4 làn xe cơ giới, 2 làn mô tô. Xây dựng thêm đoạn tuyến quốc lộ 1A từ phía Nam cầu Quán Hàu đến huyện Lệ Thuỷ. Mở rộng một số đoạn có lưu lượng lớn, đoạn qua đô thị thực hiện theo quy hoạch chung đô thị. Thay toàn bộ các cầu yếu trên QL1A.

- Quốc lộ 12A, 12C, QL15 (đoạn không trùng với đường Hồ Chí Minh): nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

- Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nắn tuyến đoạn qua xã Phúc Trạch và Sơn Trạch để không làm ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng: Toàn tuyến đạt quy mô đường cấp IV miền núi.

- Xây dựng tuyến đường mới từ Đồng Hới đi cửa khẩu Cà Roòng; sử dụng tuyến đường 20 Quyết Thắng và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là đường chuyên dụng phục vụ bảo vệ rừng và du lịch.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp đường Quốc lộ 9B từ Quán Hàu - Vĩnh Tuy - Vạn Ninh - Tăng Ký - Cửa khẩu Chút Mút (nối Quốc lộ 1A đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và cửa khẩu Chút Mút).

- Nâng cấp đường tỉnh 565(Tỉnh lộ 16 cũ) đoạn từ Quốc lộ 1A (ngã ba Cam Liên) đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây lên thành Quốc Lộ.

- Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp V- cấp III tuỳ theo yêu cầu từng đoạn. Đường liên xã, đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A.

- Đường tuần tra biên giới thực hiện phù hợp với Quyết định 313/QĐ-TTg ngày 14-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo.

- Giao thông đô thị: Xây dựng theo cấp hạng đô thị và theo QH đô thị.

- Giao thông nông thôn: Theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Bến bãi đỗ xe: Xây dựng 17 bến xe phục vụ cho toàn tỉnh.

* Đường sắt:

- Đường sắt thống nhất Bắc Nam: nâng cấp các nhà ga, trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông.

- Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao từ Hà Tỉnh qua Quảng Bình sang nước bạn Lào (hướng tuyến cụ thể sẽ được Chính phủ phê duyệt sau). Xây dựng tuyến đường sắt từ cảng Hòn La đến cụm công nghiệp Tiến - Châu- Văn Hoá.

* Cảng biển, Đường thuỷ nội địa:

- Cảng biển: Thực hiện theo Quyết đinh số 1743/QĐ-BGTVT ngày 03/8/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Đường thuỷ nội địa: Thực hiện theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

* Đường không:

Đến năm 2020 nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới lên thành Cảng Hàng không quốc tế.

b. Chuẩn bị kỹ thuật:

- Khống chế cao độ xây dựng cho các đô thị theo các tiêu chí đảm bảo an toàn ngập lũ, chống sạt lở. Thực hiện quản lý các cao độ xây dựng và khống chế các trục tiêu chính trong vùng (sông, suối, kênh trục chính);

- Hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cho các đô thị, tiến tới đạt 100% đường nội thị của các đô thị có cống thoát nước mưa, 70% đường ngoại thị có cống thoát nước mưa.

c. Thủy lợi:

- Để đáp ứng nhu cầu cấp nước lâu dài, tất cả các hồ trên địa bàn tỉnh sẽ được đưa vào quy hoạch khai thác, sử dụng phục vụ nông nghiệp. Nâng cấp 5 hồ sau để sử dụng phục vụ công nghiệp và sinh hoạt: Hồ Vực Tròn, hồ Sông Thai, hồ Vực Nồi, hồ Phú Vinh, hồ Phú Hoà. Riêng hồ Bàu Tró chỉ khai thác sử dụng mục đích sinh hoạt.

- Các hồ lớn quy hoạch nâng cấp bao gồm: Hồ Khe Văn, hồ Cầu Vồng (Quảng Ninh); hồ Rào Nan, hồ Khe Am (Quảng Trạch); Hồ Nước Nóng (Minh Hoá).

- Lập dự án quy hoạch phòng chống thiên tai, trong đó đề xuất các giải pháp Phù hợp với Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 24/10/2012.

d. Cấp nước:

- Tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt:

Giai đoạn 2020: Thành phố Đồng Hới đạt 150 l/người/ngày đêm đáp ứng 90% dân số. Thị xã Ba Đồn, Khu kinh tế Hòn La đạt 120 l/người/ngày đêm đáp ứng 90% dân số. Các đô thị loại V đạt 100 l/người/ngày đêm đáp ứng 85% dân số. Khu vực nông thôn đạt 60 l/người/ngày đêm đáp ứng 85% dân số.

Giai đoạn 2030: Thành phố Đồng Hới đạt 180 l/người/ngày đêm đáp ứng 95% dân số. Thị xã Ba Đồn, Khu kinh tế Hòn La và các đô thị loại IV đạt 150 l/ng.ngđ đáp ứng 95% dân số. Các đô thị loại V đạt 120 l/người/ngày đêm đáp ứng 90% dân số. Khu vực nông thôn đạt 80 l/người/ngày đêm đáp ứng 90% dân số.

- Công nghiệp tập trung đạt 22- 40m3/ha.ng.đ đáp ứng 70% diện tích.

- Nhu cầu cấp nước: Giai đoạn 2020, khu vực đô thị và công nghiệp cần 115.578m3/ng.đ. Khu vực nông thôn cần 35.649m3/n.đ. Giai đoạn 2030, khu vực đô thị và công nghiệp cần 184.709m3/ng.đ. Khu vực nông thôn cần 45.009m3/ng.đ.

- Nguồn nước: Thành phố Đồng Hới lấy từ Hồ Phú Vinh, hồ Bàu Tró, hồ Rào Đá, hồ Tróoc Trâu; đô thị Quy Đạt lấy từ sông Tân Lý; đô thị Hóa Tiến lấy từ Hồ thủy điện La Trọng hoặc sông Gianh; đô thị Cha Lo - Bãi Dinh, đô thị Đồng Lê lấy từ Sông Gianh; đô thị Tiến Hóa lấy từ sông Rào Trổ; thị xã Ba Đồn lấy từ nguồn nước ngầm, sông Rào Nan và hồ Tiên Lang; đô thị Hòn La lấy từ nguồn nước ngầm, hồ sông Thai, hồ Vực Tròn; đô thị Quảng Phương lấy từ sông Rào Nan, hồ Bàu Sen; đô thị Hoàn Lão lấy từu hồ Vực Nồi; đô thị nông trường Việt Trung lấy từ sông Dinh; đô thị Thanh Hà, đô thị Thượng Trạch (Cà Ròong) lấy từ nguồn nước ngầm; đô thị Phong Nha, đô thị Phúc Trạch lấy từ sông Son; đô thị Kiến Giang, đô thị Dinh Mười lấy từ sông Kiến Giang; đô thị Áng Sơn lấy từ hồ Rào Đá; đô thị nông trường Lệ Ninh lấy từ hồ Cẩm Ly.

e. Cấp điện:

- Nhu cầu cấp điện:

+ Giai đoạn năm 2020 cần 373,9 MW tương đương 439,8 MVA.

+ Giai đoạn năm 2030 cần 609,6MW tương đương 717,1 MVA.

- Nguồn điện:

+ Lấy từ lưới điện Quốc gia; xây mới Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, giai đoạn 1 công suất 2x600MW, giai đoạn 2 công suất 2x600MW sử dụng nhiên liệu than đá và dầu DO. Bổ sung bằng nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối.

- Phương án cấp điện:

+ Xây mới trạm nguồn 220KV Ba Đồn: 2x250MVA; trạm 220KV Ba Đồn: 2x250MVA, trạm 220KV Hòn La: 2x250MVA, trạm 220KV Kiến Giang: 250MVA.

+ Xây mới các trạm 110 KV cấp điện cho các phụ tải tập trung tại: Các khu công nghiệp, nhà máy xi măng…

+ Xây mới nhánh rẽ cấp điện cho các trạm 220KV xây mới, tiết diện dây dẫn ACSR-400.

+ Hoàn thành kết cấu lưới 110KV, đảm bảo nguyên tắc mạch kết cấu lưới mạch vòng, được cấp điện ít nhất từ 2 nguồn riêng biệt để đảm bảo an toàn cung cấp điện, tiết diện AC-240.

f. Thông tin liên lạc: Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông công nghệ hiện đại, phủ rộng toàn tỉnh, với băng thông lớn, tốc độ cao và chất lượng thông tin đảm bảo độ tin cậy.

g. Thoát nước thải:

- Thành phố Đồng Hới, các đô thị Hoàn Lão và Ba Đồn, đô thị Phong Nha xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp. Khu kinh tế cửa khẩu Cha lo, Khu kinh tế Hòn La, các khu đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Các đô thị khác sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng. Xây dựng trạm xử lý tập trung cho từng đô thị.

- Khu vực nông thôn xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học tự nhiên, các khu vực miền núi xử lý bằng bể tự hoại cải tiến. Mỗi khu công nghiệp tập trung xây dựng trạm xử lý nước thải riêng. Khu TTCN, làng nghề xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nước thải y tế nguy hại phải xây dựng trạm xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn hiện hành mới được xả vào hệ thống cống chung.

h. Xử lý chất thải rắn (CTR)

- Đối với chất thải rắn thông thường:

+ Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Lý Trạch, Bố Trạch quy mô 35ha để phục vụ cho thành phố Đồng Hới, các thị trấn Hoàn Lão, Nông trường Việt Trung và một số xã thuộc huyện Bố Trạch.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch quy mô 25ha, phục vụ cho thị xã Ba Đồn, thị trấn huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch, các xã phía Bắc huyện và khu kinh tế Hòn La. Đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế, tái sử dụng CTR theo công nghệ như đốt thu hồi năng lượng, chế biến phân vi sinh tại các khu liên hiệp tại Quảng Lưu và Lệ Thủy.

+ Tại các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, xây dựng nâng cấp các bãi xử lý CTR hiện có, quy mô từ 1ha - 3ha với bán kính phục vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của từng địa phương.

- Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại sẽ được xử lý bằng lò đốt đặt tại 3 khu xử lý tập trung tại các huyện: Minh Hóa (xử lý cho huyện Minh Hóa và huyện Tuyên Hóa), Quảng Trạch (xử lý cho huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Hòn La), Quảng Ninh (xử lý cho thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy). Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý bằng lò đốt đặt tại 8 bệnh viện, gồm bệnh viện Việt Nam – Cu Ba và 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

k. Nghĩa trang:

Xây dựng nghĩa trang phục vụ cho thành phố Đồng Hới phù hợp theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1538/QĐ-CT ngày 06/7/2012. Xây dựng các nghĩa trang phân tán tại các huyện phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương. Dự kiến quy mô xây dựng giai đoạn đầu là: (2-3)ha/huyện; giai đoạn tiếp theo thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chung tại thị xã, thị trấn.

l. Bảo vệ môi trường:

- Bảo vệ môi trường ven biển từ Hòn La đến Lệ Thuỷ: Kiểm soát ô nhiễm dầu, đổi mới công nghệ, mô hình nuôi trồng thuỷ hải sản sạch, nuôi hữu cơ, luân canh, sử dụng chế phẩm sinh học.

- Bảo vệ môi trường khu vực phát triển đô thị - nông thôn

+ Thiết lập các vành đai cây xanh trong thành phố và trong Khu công nghiệp. Tăng cường trồng cây xanh hai bên đường, dải phân cách.

+ Ưu tiên các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường: Công nghiệp dệt may, da giầy, chế biến nông lâm sản xuất khẩu.. khuyến khích và tiến tới sử dụng vật liệu không nung, sử dụng công nghệ xanh.

+ Bảo vệ vùng di sản văn hoá và bảo tồn đa dạng sinh học: Tăng cường quản lý, tạo việc làm cho người dân, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên. Thực hiện quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giá trị di tích, rừng phòng hộ ven biển...

+ Tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển, trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển ở các đoạn xung yếu nhất; đầu tư các dự án chống ngập tại các đô thị; định hướng phát triển nền công nghiệp xanh, đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời.

+ Thu gom nguồn nước thải, rác thải, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

5. Chương trình Dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020

5.1. Chương trình:

- Phát triển đô thị toàn tỉnh

- Phát triển và nâng cấp các đô thị Đồng Hới, Kiến Giang, Hoàn Lão, xây dựng mới các đô thị: Phong Nha, Quảng Phương, Dinh Mười, Hòn La.

- Xây dựng cơ sở vật chất của Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

- Phát triển các vùng du lịch.

- Xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Tăng cường cơ sở vật chất dân cư nông thôn: giao thông, cấp nước sạch, cấp điện.

- Bảo vệ môi trường (trồng rừng, rừng đầu nguồn, các biện pháp bảo vệ nguồn nước, giải quyết ô nhiễm công nghiệp); phòng chống, hạn chế tác hại thiên tai, lũ, lụt, biến đổi khí hậu.

- Cải tạo và xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội: y tế, trường học, dịch vụ thương mại công cộng.

- Phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp; nhà ở tái định cư, ổn định dân cư các vùng có dự án đầu tư phát triển; Xây dựng nhà ở kiên cố cho dân vùng ven biển, cửa sông....

- Xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng: Các công trình giao thông đường bộ, đường thủy; đường sắt, hàng không.

5.2. Dự án đầu tư:

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị Đồng Hới, Kiến Giang, Hoàn Lão.

- Xây dựng mới Đô thị Phong Nha, Quảng Phương, Dinh Mười, Hòn La.

- Xây dựng Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha.

- Xây dựng hệ thống HTKT để sớm hình thành cửa khẩu Chút Mút.

- Xây dựng tuyến đường mới từ Đồng Hới đi cửa khẩu Cà Roòng.

- Nâng cấp tuyến QL9B Quán Hàu - cửa khẩu Chút Mút.

6. Cơ chế chính sách

- Hoàn thiện, bổ sung và xây dựng mới những quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị - nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; cơ chế hợp tác với Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cầu Treo và các khu kinh tế khác trong cả nước.

- Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn việc triển khai bảo vệ các vùng cảnh quan ven biển, khu bảo tồn thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

7. Quy định quản lý

Việc quản lý thực hiện quy hoạch được quy định cụ thể trong "Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030" ban hành kèm theo đồ án này.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức công bố công khai quy hoạch để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giao thông -Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá Thể Thao và Du lịch; thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TVTU, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, CVXDCB.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2865/QĐ-UBND ngày 18/11/2013 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Bình đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.276

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.60.29
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!