Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2286/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Hoàng Ngọc Đường
Ngày ban hành: 09/12/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2286/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số: 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số: 1890/QĐ-TTg ngày 14/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số: 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Công văn số: 2224/BCT-KH ngày 16/3/2011 của Bộ Công Thương về góp ý kiến dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn;

Căn cứ Thông báo số: 320-TB/TU ngày 18/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn  giai đoạn giai đoạn từ 2010-2020, có xét đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số: 2784/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2015, có xét đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số: 1161/UBND-TH1 ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc đồng ý cho Sở Công Thương lập Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số: 10/TB-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2011 kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Du Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025;

Căn cứ thông báo số: 320-TB/TU ngày 18/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn  từ 2010 - 2020, có xét đến năm 2025

Xét đề nghị của Sở Công Thương Bắc Kạn tại Tờ trình số: 885/TTr-SCT ngày 30 tháng 11 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch công nghiệp), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời kỳ đến năm 2020 để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Phát triển công nghiệp nằm trong tổng thể phát triển KTXH của tỉnh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2020, có sự gắn kết với sự phát triển chung của Vùng trung du miền núi Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

- Tập trung đầu tư có tính đột phá nhằm phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế một cách nhanh, bền vững và có tính khả thi cao. Lựa chọn bước đi thích hợp cho từng ngành công nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp hóa nông thôn và phát huy được lợi thế của từng địa phương. Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần công nghiệp chế biến đặc biệt là chế biến gỗ, nông sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp phục vụ du lịch.

- Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển đô thị, hình thành các khu đô thị nhỏ trên các trục giao thông, gần các đô thị lớn, gần các khu công nghiệp... tạo ra các trung tâm kinh tế và các điểm đô thị làm hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy kinh tế của vùng. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, phát triển nông thôn, bảo đảm gìn giữ các di sản thiên nhiên, các công trình văn hoá, lịch sử có giá trị của dân tộc, phù hợp với yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.

2. Mục tiêu phát triển:

* Mục tiêu chung:

- Đưa Bắc Kạn ra khỏi tình trạng chậm phát triển, trình độ sản xuất hạn chế. Phấn đấu đưa mức GDP bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh gần bằng mức trung bình của cả nước. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và hiệu quả hơn các thời kỳ trước; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Đảm bảo Bắc Kạn có một cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hiện đại, hiệu quả với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao. Đảm bảo nền kinh tế của tỉnh đủ khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác một cách có hiệu quả các quan hệ kinh tế đối ngoại.

* Mục tiêu cụ thể ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn:

Chỉ tiêu

Đơn vị

2010

2015

2020

2025

Giá trị gia tăng (VA - giá 94)

Tỷ đồng

120,45

390

785

1.632

Giá trị SXCN (GO - giá 94)

Tỷ đồng

264

867

2.777

5.014

Tăng trưởng VA bình quân giai đoạn 5 năm

%/năm

 

26,5

15

15,78

Tăng trưởng GTSXCN bình quân giai đoạn 5 năm

%/năm

 

26,84

26,23

12,55

* Định hướng phát triển:

- Công nghiệp trên địa bàn phải phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, con người, hỗ trợ phát triển và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh đặc biệt là trong các ngành chế biến nông-lâm sản, công nghiệp sản xuất VLXD, khai thác và chế biến khoáng sản, gia công kim loại, chế tạo máy, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ cho du lịch.

- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp để hỗ trợ cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KTXH của Nghị quyết ĐHĐB tỉnh. Tập trung đầu tư có trọng điểm, đồng bộ và có tính khả thi cao vào ngành chế biến lâm sản; đối với các ngành công nghiệp truyền thống như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cần đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị và hiệu quả; đa dạng hoá các mặt hàng công nghiệp trên nền các sản phẩm truyền thống của tỉnh. Từng bước hiện đại hoá nền công nghiệp trên địa bàn.

3. Quy hoạch các ngành công nghiệp chủ yếu:

3.1. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy với mục tiêu phát triển như sau:

Nghành CN chế biến gỗ, giấy (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

50,43

352,09

708,17

1.147,10

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

18,79

47,50

15,00

10,13

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

19,1

40,6

25,50

22,87

Một số dự án phát triển:

* Giai đoạn 2011-2015:

- Đầu tư xây dựng 1 Nhà máy sản xuất gỗ MDF quy mô công suất ban đầu 100 - 140 nghìn m3/năm.

- Đầu tư Nhà máy chế biến gỗ (ván xẻ thanh, ván bóc) công suất 3.000m3 sản phẩm/năm.

- Đầu tư xây dựng 1 Nhà máy Ván sàn tre, công suất đến 100.000m3/năm.

* Giai đoạn 2016 - 2020:

- Xem xét đầu tư thêm 1 đến 2 Nhà máy sản xuất gỗ MDF quy mô công suất 100 - 120 nghìn m3/năm.

- Đầu tư nâng cấp các nhà máy sản xuất gỗ MDF đạt quy mô công suất khoảng 180.000-200.000m3/năm.

- Đầu tư 2 Nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất 15.000 -20.000m3/năm.

- Đầu tư xây dựng 1 Nhà máy Ván sàn tre, công suất đến 100.000m3/năm.

3.2. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm - đồ uống với mục tiêu phát triển như sau:

Chế biến NS, thực phẩm-đồ uống (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

15,4

61

195

220

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

16,37

31,69

26,17

2,44

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

5,83

7,04

7,02

4,39

Các dự án phát triển:

- Chế biến miến từ dong riềng:

Giai đoạn 2011- 2015: đầu tư cơ sở chế biến tinh bột và miến dong riềng quy mô vừa với tổng công suất khoảng 10.000 - 20.000 tấn SP/năm, mở rộng đầu tư theo quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2016 - 2020: đầu tư mới nhà máy chế biến miến dong riềng chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu, công suất  20.000 tấn/năm.

- Chế biến tinh bột ngô:

Xây dựng nhà máy chế biến tinh bột ngô công suất 5.000 tấn/năm đến năm 2015 và 15.000 tấn đến năm 2020.

- Chế biến thức ăn chăn nuôi:

Xây dựng 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, công suất ban đầu khoảng 5.000 tấn/năm. Giai đoạn 2016-2020: Nâng công suất đạt 10.000 tấn/năm.

- Chế biến súc sản:

Giai đoạn 2011- 2015: Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy cổ phần chế biến thịt có công nghệ linh hoạt, chế biến được nhiều sản phẩm từ gia súc, gia cầm, công suất khoảng 2.000 tấn/năm. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư mở rộng công suất nhà máy đã được xây dựng trong giai đoạn 2006-2010 lên 4.000 tấn/năm.

- Chế biến rau quả, nước quả, rượu, bia và đồ uống khác:

Giai đoạn 2011-2015: đầu tư xây dựng các dây chuyền chế biến nước quả ép với tổng công suất 5 triệu lít/năm; đầu tư cơ sở chế biến khoai môn Bắc Kạn, hồng không hạt… Bố trí tại cụm công nghiệp khu vực thị xã Bắc Kạn hoặc Bạch Thông, chế biến nấm tại Ngân Sơn. Giai đoạn 2016-2020: đầu tư các cơ sở sơ chế rau quả (kho lạnh, sấy khô, xử lý bằng nước ôzôn...) công suất 5.000-10.000 tấn/năm.

3.3. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản với mục tiêu phát triển như sau:

Ngành khai thác chế biến KS (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

63,1

89,74

189,245

252,43

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

-2,53

7,30

16,09

5,93

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

23,9

10,35

6,81

5,03

Các dự án phát triển:

- Khai thác quặng sắt:

Giai đoạn 2011- 2015: Đầu tư khai thác và chế biến quặng sắt tại các mỏ sắt: Bản Phắng - huyện Ngân Sơn, Sỹ Bình - huyện Bạch Thông, Bản Cuôn - huyện Chợ Đồn, Nà Nọi - huyện Ngân Sơn, Bản Lác - huyện Chợ Đồn để nâng cấp các cơ sở chế biến khác đến năm 2015 đạt tổng sản lượng 500.000 tấn quặng tinh. Giai đoạn 2016 - 2020: nâng công suất các mỏ hiện tại thêm 400 ngàn tấn và giai đoạn 2020-2025: nâng công suất các mỏ hiện tại thêm 400 ngàn tấn.

- Khai thác quặng kẽm-chì và kim loại màu khác:

Giai đoạn 2011-2015: Nâng công suất các cơ sở khai thác chế biến đến năm 2015 đạt 30.000 tấn tinh quặng chì kẽm và tiến hành thăm dò trữ lượng khoáng sản có giá trị và tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020: nâng công suất các mỏ hiện tại đạt công suất 15.000 tấn tinh quặng chì và 50.000 tấn tinh quặng kẽm và tiếp tục thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản hữu ích.

- Khai thác đá các loại:

Nâng công suất đạt 200.000m3/năm và đầu tư khai thác mỏ đá vôi phục vụ sản xuất xi măng. Giai đoạn 2016-2025: Nâng công suất các mỏ hiện tại thêm 0,5 triệu m3, đến năm 2020 đạt 1 triệu m3.

3. 4. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mục tiêu phát triển phát triển như sau:

Ngành CN sản xuất VLXD  (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

32

66

503

1.043

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

-3,3

15,00

50,00

15,70

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

12,48

7,65

18,12

20,81

Các dự án phát triển:

- Xi măng: Giai đoạn 2011 - 2015: Thay đổi cơ cấu sản phẩm của nhà máy xi măng lò đứng. Giai đoạn 2016 - 2020: xây dựng nhà máy sản xuất xi măng lò quay công nghệ hiện đại, công suất 1.1 triệu tấn/năm tại huyện Chợ Mới, Nhà máy sản xuất bột đá vôi làm xi măng và vật liệu xây dựng đạt sản lượng 1 triệu tấn/năm.

- Vật liệu xây dựng: Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng hai nhà máy gạch tuynen, tổng công suất 40 triệu viên/năm; sản xuất gạch không nung, gạch terazo được ép từ cát, xi măng và bột đá với công suất 20 triệu viên năm. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư nâng công suất các cơ sở hiện có để đến năm 2020 đạt: 50 triệu viên gạch nung và 50 triệu viên gạch không nung.

- Các dự án sản xuất VLXD khác: Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng nhà máy sản xuất tấm lợp phiboro công suất 200.000m2/năm; dự án sản xuất bê tông đúc sẵn, công suất 10.000m3/năm. Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư các nhà máy sản xuất gạch ốp lát, tổng công suất 200.000m2/năm và nâng công suất các cơ sở hiện có.

3.5. Công nghiệp dệt-may-da-giày với mục tiêu phát triển như sau:

Ngành CN dệt may-da giày (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

27,48

28

36

48

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

34,64

0,38

5,00

5,92

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

10,41

3,23

1,29

0,95

Các dự án phát triển:

- Giai đoạn 2011-2015: Đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH may công nghiệp Bắc Kạn.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư mở rộng Công ty may công nghiệp đạt công suất 2,2 tr.SF/năm.

3.6. Công nghiệp luyện kim, chế tạo máy và gia công kim loại với mục tiêu phát triển:

Ngành L.Kim, chế biến các sp từ KL (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

16

181,0

1.016,9

2.123,9

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

17,97

62,45

41,22

15,87

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

6,1

20,9

36,62

43,35

Các dự án phát triển:

- Sản xuất gang thép:

Giai đoạn 2011 - 2015: Đầu tư nâng cao chất lượng gang đúc; Dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép tại KCN Thanh Bình công suất sản phẩm cuối dự kiến 250.000 tấn thép thỏi/năm; nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 60 vạn tấn/năm; Dự án nhà máy luyện kim phi cốc xây dựng tại KCN Thanh Bình, công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm. Giai đoạn 2016 - 2020: nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở hiện có; tiếp tục đầu tư khu liên hợp gang thép tại KCN Thanh Bình, sản xuất phôi thép đạt CS 20 vạn tấn/năm, thép cán đạt sản lượng 5 vạn tấn/năm.

- Sản xuất chì-kẽm:

Giai đoạn 2011 - 2015: nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở hiện có; xây dựng cơ sở điện phân chì-kẽm, công suất khoảng 31.000 tấn chì-kẽm kim loại/năm. Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở hiện có; đầu tư hoàn thiện các cơ sở điện phân chì kẽm.

- Về chế tạo máy và gia công kim loại:

Giai đoạn 2011 - 2015: nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở hiện có; hoàn thiện dây chuyền lắp ráp và đóng mới ô tô tải nhỏ, công suất 500 xe/năm.

3.7. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước:

Mục tiêu phát triển:

Ngành CN sản xuất điện, nước (giá ss 94)

2010

2015

2020

2025

Giá trị SXCN ngành (tỷ đồng)

16,78

35

47

60

Tốc độ tăng (bình quân 5 năm-%)

11,06

15,95

6,00

5,00

Tỷ trọng trong cơ cấu CN (%)

6,36

4,06

1,69

1,20

* Quy hoạch phát triển sản xuất điện:

- Nguồn điện:

Giai đoạn 2011-2015: Hoàn thành xây dựng công trình thủy điện Nặm Cắt huyện Bạch Thông công suất dự kiến đạt 3,2MW; xây dựng các công trình thủy điện: Sông Năng, công suất dự kiến là 8,6MW; Thác Giềng 1 công suất dự kiến 4,5MW. Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Bằng Thành huyện Pác Nặm, công suất dự kiến đạt 2,6MW và công trình thủy điện Pác Cáp thuộc huyện Na Rì có công suất dự kiến là 3,2MW.

- Phát triển lưới và trạm điện:

Giai đoạn 2011-2015: Xây dựng đường dây 220 kV Nho Quế -Cao Bằng 2x100km, TBA 220kV Cao Bằng 1x125MVA, đường dây 220kV Cao Bằng - Bắc Kạn dài 70km, trạm cắt 220kV Bắc Kạn (theo kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Xây dựng đường dây 110kV Na Hang - Chợ Đồn (AC240-60km); Xây dựng mới trạm biến áp 110kV Chợ Mới với quy mô 2x16MVA; Xây dựng trạm biến áp 110kV KCN Thanh Bình với quy mô 1x25MVA và duy trì công suất các trạm hiện có.

Giai đoạn 2016-2020: Xây dựng trạm 220kV Bắc Kạn đặt tại vị trí trạm cắt Bắc Kạn; Nâng công suất trạm biến áp 110kV KCN Thanh Bình từ 1x25MVA lên 2x25MVA; Nâng công suất trạm áp 110kV Chợ Đồn từ 1x25MVA lên 2x25MVA; duy trì công suất trạm biến áp110kV Chợ Mới 2x16MVA, trạm biến áp110kV Bắc, xây dựng mới trạm biến áp 110kV Nà Phặc với quy mô 1x16MVA và trạm biến áp 110kV Na Rì với quy mô 1x16MVA.

* Quy hoạch phát triển sản xuất nước:

- Giai đoạn 2011-2015: Dự án nâng cao chất lượng nước, bổ sung hạng mục lọc than hoạt tính và ô xy hóa chất hữu cơ bằng ô zôn.

- Giai đoạn 2016-2020: Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước nhà máy xử lý nước mặt tại Bắc Kạn công suất tăng thêm 6.000m3/ngày/đêm (tổng công suất của nhà máy là 12.000 m3/ngày/đêm).

3.8. Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp-làng nghề:

* Giai đoạn 2011-2015:

- Phát triển 3 dự án làng nghề mới gồm: Dự án chế biến nông, lâm sản; dự án mây tre đan; Trồng và chế biến nấm.

- Đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở hiện có.

* Giai đoạn 2016-2020:

- Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tại các cơ sở hiện có.

- Rút kinh nghiệm từ các dự án phát triển các làng nghề ở giai đoạn trước, nghiên cứu lựa chọn phát triển thêm khoảng 4 làng nghề.

- Nghiên cứu xây dựng và phát triển một số dự án nghề mới: Trồng và chế biến dược liệu tại huyện Ba Bể và thị xã Bắc Kạn và dự án trồng và chế biến chè sạch ở huyện Chợ Mới và Chợ Đồn, quy mô nhỏ.

3.9. Quy hoạch phát triển khu, cụm, điểm công nghiệp tỉnh:

Tổng hợp dự báo nhu cầu đất công nghiệp và lao động cần có của toàn tỉnh như bảng sau:

Hạng mục

2010

2015

2020

2025

Diện tích phát triển khu, cụm CN (ha)

73

252,7

439,45

526,45

Nhu cầu lao động (người)

8.000

15.000

40.000

42.000

* Giai đoạn 2011-2015:

- Đầu tư dự án xây dựng các cụm, điểm công nghiệp Huyền Tụng, Lũng Hoàn (TX Bắc Kạn); Nam Bằng Lũng (Huyện Chợ Đồn); Cẩm Giàng (Bạch Thông); Pù Pết - xã Bằng Vân (Huyện Ngân Sơn); Côn Minh (Na Rì)… với tổng diện tích khoảng 179,7ha.

- Đầu tư dự án xây dựng KCN Thanh Bình giai đoạn II: 80ha.

Đến năm 2020 tại tỉnh Bắc Kạn sẽ có khoảng 15 đô thị và tụ điểm dân cư bao gồm 01 thành phố (TP Bắc Kạn), 03 thị xã (Chợ Rã, Chợ Mới, Chợ Đồn) và 11 thị trấn. Tại các khu đô thị mới này sẽ xây dựng các cụm, điểm công nghiệp tập trung có diện tích từ 10ha đến 30ha. Tổng diện tích các cụm, điểm xây dựng mới khoảng 186,75ha.

4. Ưu tiên đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng,hạ tầng kỹ thuật:

- Dự án nhà máy chế biến nông, lâm sản (gỗ MDF, chế biến thực phẩm miến dong);

- Dự án XD hạ tầng Khu CN Thanh Bình;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Huyền Tụng - Tx. Bắc Kạn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Lũng Hoàn, xã Xuất Hoá - Tx. Bắc Kạn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng - Tx. Bắc Kạn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Nam Bằng Lũng - Huyện Chợ Đồn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Ngọc Phái - huyện Chợ Đồn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Bản Thi - huyện Chợ Đồn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Cẩm Giàng - huyện Bạch Thông;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Vằng Mười, xã Hảo Nghĩa - huyện Na Rì;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Côn Minh - huyện Na Rì;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Pù Pết, xã Bằng Vân - huyện Ngân Sơn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Pù Lùng, xã Trung Hoà - huyện Ngân Sơn;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Lủng Điếc, xã Bành Trạch - huyện Ba Bể;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Phúc Lộc, xã Phúc Lộc - huyện Ba Bể;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Nghiên Loan - huyện Pác Nặm;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Yên Hân - huyện Chợ Mới;

- Dự án XD hạ tầng Cụm CN Khe Lắc - huyện Chợ Mới;

- Dự án nhà máy xi măng lò quay;

- Các dự án công nghiệp luyện kim đen, màu như KTCB sắt và chì kẽm.

5. Vốn đầu tư:

Tổng hợp dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từng thời kỳ và tỷ trọng so với tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh như trong bảng.

Hạng mục

Đơn vị

2011-2015

2016-2020

2011-2020

Nhu cầu vốn đầu tư toàn XH (giá hh)

Tỷ đồng

11.500

17.140

28.640

Quy ra USD (tỷ giá 20.000 VNĐ=1USD)

tr. USD

575

857

1.432

Nhu cầu vốn đầu tư CN (giá hh)

Tỷ đồng

5.976

6.340

12.136

Quy ra USD (tỷ giá 20.000 VNĐ=1USD)

tr. USD

298

317

606

Tỷ lệ đầu tư cho CN/đầu tư toàn tỉnh

%

50

36

42

6. Các giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu:

6.1. Về huy động và thu hút nguồn vốn cho phát triển công nghiệp

- Nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như: vốn từ ngân sách cho đầu tư để phát triển công nghiệp, nguồn vốn tín dụng và vốn góp cổ phần, nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA…

6.2. Giải pháp về thị trường

- Quan tâm và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; thúc đẩy công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của tỉnh;

- Thắt chặt mối quan hệ  với các tỉnh trong vùng, tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên doanh và trao đổi bổ sung hàng hóa để phát triển. Cần hướng mạnh hơn nữa về thị trường nông nghiệp, nông thôn.

6.3. Giải pháp về phát triển vùng nguyên liệu

- Tăng cường phối hợp giữa 02 ngành công nghiệp và nông nghiệp với Liên minh HTX tỉnh nhằm xây dựng, hình thành mối liên kết giữa nhà máy và người sản xuất nông nghiệp cùng các nhà khoa học nghiên cứu triển khai xây dựng một số vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là nguyên liệu gỗ rừng trồng, dong riềng, dược liệu; đảm bảo đầu ra cho nông sản hàng hóa.

- Nghiên cứu đầu tư khoa học, công nghệ, đảm bảo cung cấp cây, con giống phù hợp cho công nghiệp chế biến với năng suất - chất lượng cao, giá thành.

6.4. Giải pháp về công nghệ

- Lựa chọn đúng công nghệ cần đổi mới, tư tưởng cần quán triệt là sử dụng công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại. Do đó, trong chuyển giao công nghệ cần khuyến khích, tranh thủ tối đa việc tiếp nhận công nghệ hiện đại; kiên quyết ngăn chặn việc nhập công nghệ lạc hậu. Công nghệ sản xuất gỗ, ván, chế biến nông sản, xi măng quy mô lớn phải tiên tiến, hiện đại. DN quy mô vừa và nhỏ phải phù hợp. Thông qua đổi mới công nghệ, chuyển từ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

6.5. Giải pháp về khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh

- Tiếp tục tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thân thiện với doanh nghiệp, có chính sách thống nhất, không phân biệt các thành phần kinh tế và đây sẽ là giải pháp có tác động rất lớn cho quá trình phát triển công nghiệp.

- Vận dụng triệt để chính sách ưu đãi: miễn giảm thuế, hỗ trợ tiếp thị, xây dựng thương hiệu; kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút khuyến khích đầu tư với sức hấp dẫn cao; xây dựng kết cấu hạ tầng hợp lý phục vụ cho phát triển công nghiệp. Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt vốn, công nghệ, thông tin môi trường đầu tư v.v... nhằm khơi dậy các tiềm năng trong các thành phần kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Dành một khoản kinh phí thích đáng cho công tác hỗ trợ, đầu tư và phát triển TTCN - nhất là ở khu vực nông thôn và các làng nghề, nhân cấy nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

6.6. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp

- Mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo có trang bị hiện đại trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp có sử dụng lao động góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí theo qui định ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Tạo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, các cơ quan tư vấn về phát triển kinh tế-kỹ thuật công nghệ, các doanh nghiệp với các trường đại học, các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật để hỗ trợ nhau trong vấn đề đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực một cách có hiệu quả nhất.

- Có kế hoạch cập nhật kiến thức mới về tiến bộ khoa học công nghệ cho đội ngũ công nhân trong tỉnh. Rà soát lại lực lượng kỹ sư - CNKT được đào tạo trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh để có kế hoạch điều chỉnh phân công hợp lý, nhằm tăng cường thêm nhân lực cho các cơ sở công nghiệp của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người có khả năng được học tập, có chính sách khuyến khích tài năng trẻ đi vào nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng những thành quả công nghệ mới.

6.7. Giải pháp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

- Tích cực đầu t­ư triển khai các dự án quan trọng, các công trình chủ chốt trên địa bàn tỉnh như: hệ thống đường giao thông, hạ tầng điện để khai thác được lợi thế so sánh của Bắc Kạn và tuyến Hành lang kinh tế quốc lộ 3.

- Tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, có chính sách thu hút khuyến khích phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng.

6.8. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường. Cần có quy hoạch chung về hệ thống xử lý rác thải công nghiệp và rác sinh hoạt. Khi phê duyệt dự án đầu tư nhất thiết phải đánh giá được tác động của dự án đối với môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

- Tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các ban quản lý các khu, cụm công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Giao các Sở, Ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện, thị triển khai nội dung của quy hoạch và triển khai các dự án công nghiệp kêu gọi đầu tư theo Quy hoạch này.

Dự thảo, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan và tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng của quy hoạch.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, vận động khuyến khích các doanh nghiệp Trung ương đầu tư sản xuất công nghiệp theo định hướng của quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các danh mục ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích; các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư.

Theo dõi, đề xuất kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (nếu có).

Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp phát triển. Hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, cung cấp thông tin về chính sách, các rào cản kinh tế, kỹ thuật của các nước nhập khẩu và biện pháp xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp để chủ động tổ chức sản xuất, phòng tránh rủi ro.

Tổ chức thực hiện tốt các hạng mục đầu tư phát triển ngành. Đồng thời có giải pháp theo sát các dự án đầu tư, nhất là các dự án khai thác và chế biến khoáng sản để có thể điều chỉnh, thậm chí kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép nếu không thực hiện đúng các cam kết khi xin phép đầu tư.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xem xét cân đối và huy động các nguồn lực; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách theo kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm; trình UBND tỉnh phê duyệt để đảm bảo thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, nếu có phát sinh cần tính toán điều chỉnh và thông báo cho các ngành cùng thực hiện.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn ngân sách đảm bảo thực hiện các mục tiêu quy hoạch mà ngân sách đã cân đối; vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng phát triển các khu, cụm công nghiệp hàng năm, 5 năm; phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tổng hợp phê duyệt các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, các dự án xây dựng hạ tầng chính, hệ thống xử lý chất thải dùng chung, vốn ưu đãi... nhằm đảm bảo tài chính thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh ban hành.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở kế hoạch đăng ký sử dụng đất phục vụ phát triển CN-TTCN tại các vùng đã có chủ trương quy hoạch của các địa phương theo quy định.

Hướng dẫn các Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp, các chủ dự án đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức xét duyệt, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các khu, cụm công nghiệp và từng dự án đầu tư theo quy định.

Tổ chức hệ thống quan trắc, kiểm tra kiểm soát tác động ô nhiễm môi trường của các dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao như các dự án luyện kim, chế biến giấy, khai thác và chế biến khoáng sản.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và lập các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ theo quy định.

6. Sở Xây dựng

Phối hợp các Sở, Ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng theo định hướng của quy hoạch.

Thẩm định hoặc hướng dẫn các cơ quan liên quan thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, hạng mục công trình trên địa bàn, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp theo quy định hiện hành.

Thẩm định, phê duyệt (theo ủy quyền) hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quy hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các vùng nguyên liệu với năng suất và chất lượng đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến. Sớm triển khai kế hoạch ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.

Chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

8. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch làng nghề; phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương liên quan đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường một số làng nghề kết hợp du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển hàng lưu niệm, hợp đồng sản xuất với các cơ sở làng nghề, tổ chức các điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch.

9. Sở Giao thông Vận tải

Lập kế hoạch và thực hiện xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, xây dựng nâng cấp các đầu mối giao thông phù hợp với quy hoạch phát triển của từng thời kỳ.

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp hướng dẫn xây dựng các đường gom các khu, cụm công nghiệp đấu nối với quốc lộ và các tỉnh lộ đúng quy định.

Quy hoạch phát triển lực lượng vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Triển khai quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Lập kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật phục vụ quá trình phát triển của các ngành công nghiệp theo định hướng quy hoạch.

11. Ban Quản lý các khu công nghiệp, các Trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ các khu công nghiệp.

Thực hiện đầu tư và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đồng thời giải quyết mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp với thời hạn nhanh nhất.

Quản lý doanh nghiệp, các công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp.

12. Các ngành Điện, Nước

Có kế hoạch đưa điện, nước đến các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp phù hợp với tiến độ thực hiện và đảm bảo nguồn cung cấp điện, nước theo nhu cầu phát triển.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Quán triệt quy hoạch, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch. Chỉ đạo và tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi bố trí các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn; Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn; Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và cấp nước Bắc Kạn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Đường

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2286/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ nay đến năm 2020, có xét đến năm 2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.348

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.191.169
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!