Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 338TP/PBGDPL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Nguyễn Duy Lãm
Ngày ban hành: 26/03/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 338TP/PBGDPL
V/v Phổ biến Pháp lệnh dân số

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2003

 

Kính gửi:

 

- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành.

Ngày 9 tháng 1 năm 2003, Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam đã thông qua pháp lệnh dân số. Đây là một pháp lệnh có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng đồng bộ, thống nhất, toàn diện về dân số. pháp lệnh Dân số được ban hành  sẽ bảo đảm hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác dân số của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cho việc thực hiện chính sách dân số của toàn dân, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Đất nước.

Bộ Tư pháp biến soạn đề cương giới thiệu Pháp lệnh dân số để làm tài liệu giúp các sở Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành phổ biến, giới thiệu pháp lệnh này. Đề nghị các sở tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức quán triệt và phổ biến Pháp lệnh Dân số một cách sâu rộng đến từng cán Bộ, công chức, các lực lượng  vũ trang và toàn thể nhân dân.

 

 

TL BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
VỤ TRƯỞNG VỤ PBGDPL




Nguyễn Duy Lãm

 

 

 


BỘ TƯ PHÁP

VỤ PLGDPL-VỤ CC, GĐ, HT, LLTP ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH DÂN SỐ

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG PHÁP LỆNH DÂN SỐ

Pháp lệnh dân số được Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam  khoá XI thông qua ngày 09/01/2003 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 01/2003/L/CTN ngày 22 tháng 01 năm 2003.

Pháp lệnh dân số là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất từ trước tới nay trong lĩnh  vực Dân số, có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng thống nhất, toàn diện  về dân số như quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư.

1. Những yêu cầu khách quan đòi hỏi ban hành Pháp lệnh dân số

Pháp lệnh dân số được xây dựng và ban hành dựa trên sự phân tích sâu sắc tình hình  dân số đất nước. Dưới đây xin trình bày một số đặc điểm dân số nước ta hiện nay nhằm góp phần làm rõ cơ sở khách quan của việc ban hành Pháp lệnh.

1.1. Quy mô dân số lớn, phát triển nhanh:

Theo tổng điều tra, năm 1999,Việt Nam có 76,328 triệu người, mật độ lên tới 231 người trên 1km2. Như vậy, ở Việt Nam, mật độ dân số gấp khoảng 5-6 lần “mật độ chuẩn” và so với mật độ dân số Trung Quốc cũng gấp đôi. Căn cứ vào chỉ báo này, có thể khẳng định rằng: Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn.

Mặc dù vậy, dân số nước ta phát triển ngày càng nhanh, theo nghĩa: số dân tăng thêm hàng năm ngày càng lớn, mặc dù công tác KHHGĐ đã được triển khai mạnh hơn theo các giai đoạn (Theo tạp chí Thông tin dân số, 4-2000) như sau:

- Giai đoạn: 1945-1955 có dân số tăng; 0,44 triệu người.

- Giai đoạn 1955-1965; có dân số tăng: 0,99 triệu người.

- Giai đoạn 1965-1975 có số dân tăng 0,26 triệu người.

- Giai đoạn 1975-1985 có số dân tăng 1,23 triệu người

- Giai đoạn 1985-1995 có số dân tăng 1,41 triệu người

Do đó, đẩy mạnh KHHGĐ vẫn là một nội dung cần ưu tiên hàng đầu trong chính sách dân số nói riêng và chính sách kinh tế nói chung ở nước ta.

1.2. Mức sinh đã giảm mạnh nhưng còn rất khác nhau giữa các vùng.

Mức sinh của Việt Nam bắt đầu giảm từ những năm 1970. Đặc biệt  giảm nhanh từ năm 1993 trở lại đây, như từ tổng tỷ suất sinh hoạt giai đoạn 1969-1974 là: 6.1 con xuống còn 2.33 con vào năm 1999.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về mức sinh giữa nông thôn, thành thị, giữa các vùng  địa lý kinh tế, giữa các tỉnh và giữa các nhóm xã hội như: Thành thị:1,59; Nông thôn: 2,54; Tây nguyên: 4,05; Đông nam bộ: 1,84; đồng bằng sông Cửu Long:1,95 (theo số liệu tại Vấn đề Dân số hôm nay-Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số 3 tháng 5-6/1999).

Năm 1997, ở nước ta có tới 75% các  cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai. ở nước ngoài, với mức này, người ta đã đạt mức sinh “thay thế”.

Do đó, Chương trình KHHGĐ cần có sự tập trung, ưu tiên trước hết cho Tây nguyên, Duyên hải Miền trung, Miền núi Trung du Bắc bộ nói riêng và nông thôn nói chung.

1.3. Sự mất cân đối giới tính, nhìn chung đã dần thu hẹp, Tuy nhiên, đối với trẻ em và trẻ sơ sinh sự mất cân đối giới tính lại càng tăng lên.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ số giới tính của dân số (số Nam tương ứng với 100 nữ) thấp và không ổn định.

Năm 1999, tỷ số giới tính chung là: 96,7; Tuy nhiên đối với nhóm từ 0 đến 4 tuổi, tỷ số giới tính lại  không ngừng tăng lên, nghĩa là trẻ em trai ngày càng nhiều hơn trẻ em gái cùng nhóm tuổi. Tỷ số giới tính ở độ tuổi này là 109,0 (theo: TĐTDS 1999).

Đặc biệt, Tỷ số giới tính của Trẻ sơ sinh của nhiều tỉnh rất cao, ở mức không bình thường như: An Giang: 128, Kiên Giang: 125; kon Tum:124; Sóc Trăng: 124; Trà vinh: 124; Thái Bình: 120, Ninh thuận: 119, Bình Phước: 119, Quảng Ninh: 118; Thanh hoá: 116; Lai châu: 116; Hải dương: 116...

1.4. Dân số phân bổ không đều: mô hình di dân thay đổi, Tăng nhanh nhịp độ đô thị hoá

Trong 8 vùng kinh tế-sinh thái, 40% dân số tập trung ở đồng bằng sông Hồng và Sông Cửu long. Mật độ ở các tỉnh rất khác nhau. Năm 1999, ở Thái Bình có 1.194 người/km trong khi đó ở kon tum chỉ có 32 người/km2, tức là kém Thái Bình gần 40 lần. Vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn 1988-1998 vào Đồng bằng sông Hồng gấp 176 lần Tây nguyên, còn Đông nam bộ thì gấp 307 lần, thêm nữa, thiên tai nghiêm trọng xảy ra dồn dập ở một số vùng. Những tình trạng trên chứa  đựng tiềm năng di cư lớn.

Quy mô di chuyển dân số đang diễn ra ngày càng lớn: riêng giai đoạn 1990-1997, đã có 1,2 triệu dân di chuyển  tới các vùng theo dự án. ở thành phố Hồ Chí Minh, luồng di dân tự do không ngừng tăng lên. Thí dụ, giai đoạn 1981-1985, bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm 130.000 người, giai đoạn 1986-1990: 185.000 người, giai đoạn 1991-1996: 213.000 người.

Di dân từ nông thôn ra đô thị diễn ra mạnh mẽ nên nhịp độ đô thị hoá đã tăng nhanh. Tỷ lệ dân đô thị hầu như giữ nguyên suốt 25 năm từ năm 1970-1994, nay đã đột biến tăng thêm 3,6%. Như vậy cần có chính sách phân bổ cơ sở kinh tế hợp lý, cân đối với tài nguyên  môi trường của các vùng kinh tế sinh thái để tạo ra được sự phân bố dân cư hợp lý, tránh sự tập trung quá đông vào một khu vực. Đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ sinh sản của người di cư nói chung và di dân tự do nói riêng, đặc biệt phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

1.5. Chất lượng dân số chưa cao:

Trên phạm vi toàn quốc, 41,51 trẻ em thuộc diện thấp còi (thấp hơn so với lứa tuổi), 40,1 trẻ em có cân nặng theo tuổi thấp (Điều tra mức sống dân cư 1997-1998). Ngoài ra, còn hàng triệu trẻ em tàn tật, bị mắc bệnh bẩm sinh, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, bệnh tâm thần...ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi.

Mặc dù tỷ lệ biết đọc, biết viết của dân số từ 10 tuổi trở nên khá cao (91,2% năm 1999), nhưng số người thôi học với trình độ tiểu học, trung học cơ sở, còn nhiều. 92,4% dân số từ 13 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tội phạm, tiêu cực xã hội có xu hướng gia tăng.

Do vậy, nâng cao chất lượng dân số phải  là một nội dung cơ bản của chính sách dân số hiện nay. Chuyển mục tiêu “2 con” bằng mục tiêu “2 con chất lượng cao”. để đạt được mục tiêu này cần có chương trình cải thiện nòi giống Việt Nam, thông qua yêu cầu về sức khoẻ khi kết hôn, tư vấn, kiểm soát về gien, trước hết đối với nhóm có nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo...

2. Những bất cập của cơ sở pháp lý về dân số trước khi pháp lệnh dân số được ban hành.

Để quản lý sự phát triển dân số, Nhà nước ta đã sớm ban hành và không ngừng hoàn thiện những văn bản quy phạm nhằm tác động đến các quá trình dân số như:

- Hiến pháp năm 1992 đã đề cập vấn đề kế hoạch hoá gia đình để điều chỉnh mức sinh (điều 40) ,bảo vệ sức khoẻ nhân dân nhằm giảm thấp mức chết (Điều 61), hôn nhân (Điều 64) và vấn đề di cư (Điều 68)

- Các luật đã chi tiết hoá, cụ thể hoá Hiến pháp nhằm điều chỉnh từng lĩnh vực  dân số, Chẳng hạn: Luật bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Các luật hôn nhân và gia  đình năm 1959, năm 1986, năm 2000; Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988

 Tuy nhiên lĩnh vực kế hoạch hoá gia đình, điều chỉnh sinh đẻ  và di cư chưa có luật riêng, mà mới chỉ được điều chỉnh bởi các điều luật và các văn bản dưới luật. Do đó đã dẫn tới các tình trạng sau:

a. Chính sách dân số chưa thống nhất

Do hiến pháp chỉ quy định những  điều chung, lại thiếu văn bản cụ thể hoá và chi tiết hoá nên các ngành, các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn. tại công văn số 627-bmte ngày 30/9/1993 của Bộ Y tế quy định đối tượng được triệt sản bao gồm những người có 2 con trở lên nhưng trong thông tư 01 ubqgds ban hành ngày 15/01/1994 của Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ lại quy định chỉ cần đủ số con mong muốn, nghĩa là  có thể đình sản khi ít hơn 2 con. Do vậy, đã dẫn đến những “Trục trặc” trong việc phối hợp giữa các  cơ quan dân số, y tế khi tổ chức dịch vụ đình sản. Việc cấm nhập cư vào nội thành, nội thị và các khu công nghiệp tập trung tại Điều 6 Quyết định 162/HĐ bộ Tài chính-Tổng cục Thuế ban hành ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng cũng chưa phù hợp với quyền tự do cư trú được quy định trong Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, năm 1992.

b. Một số điểm trong chính sách dân số hiện hành còn chưa hợp lý:

Điều 2, Quyết định 162/HĐBT quy định “người có 2 con nhưng 2 con bị dị tật thì được đẻ con thứ 3”. điều này cần được xem xét lại dưới góc độ bảo vệ sức khoẻ, hoàn thiện giống nòi. Hiện nay, ở nước ta, hàng chục ngàn cháu bé bị nhiễm chất độc màu da cam, bị dị tật bẩm sinh, gây đau khổ cho bản thân các cháu, gia đình và là gánh nặng của xã hội. Vì vậy, luật pháp phải góp phần ngăn chặn tình trạng này.

c. Cơ sở pháp lý của công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình vẫn còn nhiều khoảng trống.

Việc tuyên truyền, giáo dục về  kế hoạch hoá gia đình nói riêng và sức khoẻ sinh sản nói chung vốn là lĩnh vực tế nhị và nhạy cảm. nó dễ bị xung đột với văn hoá truyền thống và bị hiểu lầm là khiêu dâm nếu không giới hạn mức độ cần thiết. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, đặc biệt  là đình sản và nạo phá thai có liên quan đến sức khoẻ, quyền lợi, tính mạng của đối tượng, vợ (hoặc chồng) và gia đình đối tượng. Việc khen thưởng và xử phạt cũng liên quan đến lợi ích vật chất và tinh thần của những người tham dự vào chương trình dân số- Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ). Chính vì vậy, luật pháp nhiều nước đã quy định nhiều điểm liên quan đến việc tuyên truyền, cung cấp dịch vụ KHHGĐ. ở nước ta, các vấn đề nói trên chưa được quy định. Những vấn đề như ai có quyền được cung cấp dịch vụ đình sản? dịch vụ này phải được tiến hành ở đâu? (Bệnh viện hay trạm xá). Do ai tiến hành? (Bác sĩ, Y sĩ...), ai có quyền cho phép đình sản? Thủ tục, tính pháp lý như thế nào? là những vấn đề quan trọng. Việc thiếu các quy định chặt chẽ về những vấn đề này đã góp phần làm cho tỷ lệ tai biến đình sản ở nước ta còn cao.

Nhiều vấn đề khác (đã gây hậu quả nghiêm trọng cho tình trạng dân số ở một vài nước) mà luật pháp nước ta cần sớm quan tâm, xem xét. Chẳng hạn, ở một số nước có tập quán “ưu thích con trai”, lại thêm chính sách dân số “một con” và kỹ thuật siêu âm chẩn đoán sớm giới tính của thai nhi, đã dẫn đến tình trạng nạo phá thai nhi gái. Kết quả là cơ cấu dân số theo giới tính bị mất cân đối nghiêm trọng. Người ta ước tính rằng đến 100 triệu thanh niên Trung quốc không lấy được vợ trong thế kỷ tới.Chúng ta vẫn chưa xem xét cụ thể về cơ sở pháp lý cho vấn đề này, cũng như một số vấn đề cũng có thể sẽ nảy sinh ở nước ta trong tương lai như: mang thai và đẻ thuê...

Do không có văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh nên ở các địa phương vấn đề xử phạt các đối tượng vi phạm chính sách dân số được quy định rất khác nhau và cũng khó thực hiện. Có nơi thực hiện mạnh mẽ, đưa ra hàng loạt các biện pháp xử phạt như: cảnh  cáo, phạt tiền, đuổi việc, cắt lao động tiên tiến, cắt tiền  thưởng, khai trừ khỏi Đảng, hạ bậc lương...nhưng có nơi lại không có biện pháp gì đối với những người vi phạm dẫn đến tình trạng không công bằng trong xã hội. Mặt khác, đã xảy ra sự nhầm lẫn giữa các quy định về dân số và chính sách phân phối theo lao động.

Một số phân tích trên cho thấy tính cấp bách phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cho chương trình DS-KHHGĐ và Pháp lệnh Dân số được soạn thảo.

Với pháp lệnh Dân số, đây là lần đầu tiên, Nhà nước ta ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, giải quyết đầy đủ, đồng bộ, cân đối các lĩnh vực của công tác dân số và cũng chính là đòi hỏi, thách thức của công tác DS-KHHGĐ mà Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ IX chỉ rõ “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mo và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản-kế hoạch hoá gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực”.

II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH DÂN SỐ.

Trong quá trình soạn thảo Pháp lệnh dân số, Ban soạn thảo đã quán triệt những nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo dưới đây:

1. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VII) về chính sách DS-KHHGĐ là: công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; giải pháp cơ bản để thực hiện công tác DS-KHHGĐ là vận động, tuyên truyền và giáo dục, gắn liền với đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân, có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho người chấp nhận gia đình ít con, tạo động lực thúc đẩy phong trào quần chúng thực hiện KHHGĐ, huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ.

2. Cụ thể hoá điều 40 của hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH 10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình”. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, đặt con người vào vị trí trung tâm trong sự phát triển của xã hội; xem xét yếu tố cá nhân trong mối quan hệ với xã hội; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, là điều kiện tiên quyết, vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách dân số.

3. Bảo đảm các quy định của Dự án Pháp lệnh phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và có tính đến sự hài hoà với pháp luật trong khu  vực và trên thế giới.

4. Góp phần thực hiện cam kết quốc tế về Chương trình hành động về Dân số và phát triển, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, trong đó đặc biệt liên quan đến quyền sinh sản.

III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA PHÁP LỆNH DÂN SỐ

Pháp lệnh dân số gồm: Phần mở đầu, 7 chương với 40 điều.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Gồm 7 điều, từ  Điều 1 đến Điều 7.

Chương này tập trung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh: Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh gồm những vấn đề cơ bản về dân số như quy mô, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số,các biện pháp thực hiện công tác dân số và quản lý Nhà nước về dân số. đối tượng áp dụng là mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức  xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân. Pháp lệnh cũng được áp dụng đối với tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác.

Nguyên tắc chỉ đạo của công tác dân số nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân dựa trên sự chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định quyền và nghĩa vụ của công dân về công tác dân số. Việc xác định rõ quyền và trách nhiệm của công dân trong công tác dân số thể hiện tư tưởng chủ đạo coi con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa định hướng của Nhà nước với tính tự nguyện của công dân, giữa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Xác định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức trong công tác dân số, bảo đảm tính  hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của pháp luật về dân số.

Pháp lệnh còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động DS-KHHGĐ; quy định này nhằm hạn chế việc lợi dụng công tác dân số để thực hiện những hành vi trái với quy định của pháp luật, trái với đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chương 2:

QUY MÔ, CƠ CẤU DÂN SỐ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ

Gồm 12 điều, từ Điều 8 đến Điều 19

Mục I, Quy mô dân số: gồm 5 điều, Từ điều 8 đến Điều 12.

Mục này điều chỉnh về quy mô dân số, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm xây dựng chương trình, dự án về chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa quy mô dân số và đảm bảo quyền sinh sản của công dân.

Quy định quyền và nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở tự nguyện  để kết hợp hài hoà giữa quyền sinh sản và nghĩa vụ đối với người con được sinh ra trong hiện tại, tương lai và nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Mục II. Cơ cấu dân số: Gồm 3 điều, từ Điều 13 đến Điều 15

Các quy định của mục này nhằm duy trì cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên. Chính sách dân số với các gia đình ít con đã gây ra tình trạng mất cân bằng giữa nam và nữ, dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra mục này còn nhằm đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý về giới tính, độ tuổi, ngành nghề  và bảo vệ các dân tộc thiểu số, là cơ  sở để Nhà nước hoạch định chính sách, lập kế hoạch phát triển  và đáp ứng nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho các dân tộc thiểu số.
Mục 3. Phân bố dân cư: gồm 4 điều, Từ Điều 16 đến Điều 19 nhằm điều chỉnh sự phân bố dân cư hợp lý giữa các vùng lãnh thổ, giữa các vùng nông thôn và giữa nông thôn với thành thị, giữa đồng bằng với  miền núi, hải đảo; tránh hiện tượng di cư tự phát để phù hợp với tiềm năng, sự phát triển của các vùng địa lý trong cả nước. Ngoài ra, mục này còn quy định về vấn đề di cư quốc tế.

Chương 3

CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ

Gồm 6 điều từ Điều 20 đến Điều 25

Các quy định của chương này nhằm nâng cao chất lượng con người, chất lượng dân số của cộng đồng, nâng cao chỉ số phát triển con người, đạt mức trung bình tiên tiến. Đây là những định hướng cơ bản và toàn diện, từ việc bảo đảm quyền cơ bản của con người, quyền được phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần nhằm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc  và bền vững.

Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, chương trình này còn đề cập việc Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho đôi nam nữ được kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn, xét nghiệm gen đối với người có nguy cơ bị khuyết  tật về gen, nhiễm chất độc hoá học...hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghệ hỗ trợ sinh sản nhằm giảm tỷ lệ  dân số thiểu năng trí tuệ, dị tật, vô sinh, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản, hiv, aids.

Đồng thời, Nhà nước còn có những chính sách, biện pháp loại trừ phân biệt giới tính, bảo đảm quyền bình đẳng giữa phụ nữ  và nam giới, khuyến khích xây dựng gia đình nhiều thế hệ để bảo vệ bản sắc dân tộc; mở rộng các  dịch vụ xã hội phù hợp với các hình thức gia đình; các thành viên trong gia đình có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong công việc thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình nhằm nâng cao đời sống vật chất  và tinh thần cho từng thành viên.

Chương  4.

CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ

Gồm 7 điều, Từ Điều 26 đến Điều 32

Đây là chương đặc thù của công tác dân số. Các quy định của chương này nhằm cụ thể hoá quan điểm, đường lối  của Đảng, Nhà nước về những biện pháp thực hiện công tác dân số, mang tính tổng thể, có định hướng, nhưng có ý nghĩa lớn đối với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện công tác dân số như:

- Nhà nước đưa quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Quốc gia nhằm đảm bảo quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, tài nguyên và môi trường.

- Huy động mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác dân số để từng bước thực hiện việc xã hội hoá công tác dân số.

- Nhà nước có chính sách và cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư cho công tác dân số. Thành lập quỹ dân số ở cấp trung ương từ các nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Thực hiện việc giáo dục dân số bằng cách đưa chương trình, nội dung tuyên truyền về công tác  dân số vào các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số trên các phương diện: Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về dân số; tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân số; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại trong lĩnh vực dân số, đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về dân số...

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, chú trọng đến đội ngũ cộng tác viên cơ sở, ổn định đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên cơ sở phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của mỗi địa phương

- Nghiên  cứu khoa học, ứng dụng khoa học  trong lĩnh vực dân số.

Chương 5.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DÂN SỐ

Gồm 4 điều. Từ Điều 33 đến Điều 36

Chương này quy định những nội dung cơ bản về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân số như: xây dựng, tổ chức, chỉ đạo thực hiện chiến lược, đăng ký dân số, ban hành và tổ chức thực Pháp lệnh dân số; hướng dẫn về tổ chức bộ máy, về nghiệp vụ thu thập, khai thác, lưu trữ thông tin, bồi dưỡng cán bộ về hệ cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Pháp lệnh giao cho Uỷ ban Dân số, Gia đình và trẻ em việc quản lý nhà nước về dân số. Các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về dân số trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình.

Pháp lệnh còn quy định Nhà nước tổ chức xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất  trong phạm vi cả nước. Hệ cơ sở dữ liệu về dân cư là tài sản chung của quốc gia, là số liệu dùng chung cho các ngành có liên quan, trong đó có các thông tin về cá nhân của công dân được mã hoá thành số định danh riêng thông qua đăng ký  dân số...Việc khai thác, sử dụng thông tin, số liệu từ Hệ cơ sở Dữ liệu này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG 6,

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Gồm 2 điều: từ Điều 37 đến Điều 38

Chương này quy định việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân  có thành tích trong việc thực hiện công tác dân số và xử lý vi phạm pháp luật  về công tác  dân số.

Với phương châm thực hiện công tác dân số là vận động, tuyên truyền và giáo dục nên Chính phủ sẽ  có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho người thực hiện tốt chính sách dân  số và sẽ có chế tài cụ thể đối với  những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về dân số.

CHƯƠNG 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Gồm 2 điều, từ Điều 39 đến Điều 40, quy định Pháp lệnh Dân số có hiệu lực từ ngày 1/5/2003, các quy định trước đây trái với  Pháp lệnh  dân số đều bị bãi bỏ. Để Pháp lệnh đi vào đời sống, Pháp lệnh quy định trách nhiệm của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 Một số nội dung trọng tâm  của Pháp lệnh dân số cần được tập trung phổ biến

a. Quyền và nghĩa vụ của công dân về công tác DS-KHHGĐ

Lần đầu tiên, quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực DS-KHHGĐ được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao.

Nguyên tắc của công tác dân số là bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức các nhân trong lĩnh vực dân số, bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong kiểm soát sinh sản, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lựa chọn nơi cư trú và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số. Trong thực tiễn cuộc sống, khi bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số một cách cứng nhắc thì đôi khi lại không đảm bảo được việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong việc thực hiện các mục tiêu dân số  một cách thụ động thì có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội bằng việc thực hiện gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và bền vững.

Công dân có quyền được cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ dân số có chất lượng cao, lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ, lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định pháp luật.

Công dân có các nghĩa vụ  như: Thực hiện KHHGĐ, xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền  vững, thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ của bản thân và các thành viên trong gia đình trên cơ sở luôn tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng.

Việc quy định quyền, nghĩa vụ của công dân về công tác dân số trong pháp lệnh dân số thể hiện tư tưởng chủ đạo coi con người là mục tiêu, là động lực của  sự phát triển, bảo đảm quyền lựa chọn các biện pháp để thực hiện quyền con người của chính bản thân mỗi người, bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi công dân không chỉ đam lại lợi ích cho bản thân mình, mà còn đem lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và cộng đồng.

b. Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác DS-KHHGĐ:

Nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách, biện pháp để triển khai công tác dân số, thực hiện xã hội hoá công tác dân số, lồng ghép các yếu tố dân số trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Các cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực dân số phải dựa trên nguyên tắc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân tố tích cực của mỗi thành viên,tập thể đạt được hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu chính đáng của mỗi thành viên nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

c. Các hành vi bị cấm trong công  tác DS-KHHGĐ

Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Pháp lệnh Dân số. Pháp lệnh quy định các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm sự tự nguyện của nhân dân,tránh việc lợi dụng công tác dân số để có những hành vi trái với quy định của pháp luật như tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những thông tin có nội dung lành mạnh, trái với chính sách dân số, với truyền thống đạo đức tốt đẹp  của dân tộc, làm ảnh hưởng xấu đến công  tác dân số và đời sống xã hội.

Pháp lệnh nghiêm cấm việc cản trở, cưỡng bức việc thực hiện KHHGĐ; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cung cấp các phương tiện tránh thai giả, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành, cấm việc di cư và cư trú bất hợp pháp.

Đặc biệt, Pháp lệnh nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức như xem số, xem bói, bắt mạch, xét nghiệm máu, gen, nước bọt hoặc các tế bào trên cơ thể để kết luận giới tính của thai nhi, siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi...

Pháp lệnh nghiêm cấm nhân bản vô tính người, khẳng định rõ ràng thái độ của Nhà nước trước các thí nghiệm khoa học gây các cuộc tranh cãi hiện nay trên thế giới. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh  con theo phương pháp khoa học đã nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính ở người.

IV. MỘT SỐ CÔNG TÁC CẦN TRIỂN KHAI ĐỂ THỰC HIỆN TỐT PHÁP LỆNH DÂN SỐ

Để đưa Pháp lệnh dân số vào cuộc sống, trước mắt cần tập trung vào một số công việc sau đây:

1. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giới thiệu các quy định của pháp lệnh dân số đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là công việc quan trọng trước tiên đối với  công tác DS-KHHGĐ vì tuyên truyền, vận động nhân dân là giải pháp cơ bản của công tác DS-KHHGĐ nhằm đưa các quy định của pháp lệnh này đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân cũng như các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh, tham gia tích cực,có hiệu quả vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

2. Khẩn trương ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số gồm Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh Dân số gồm Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều Luật của Pháp lệnh Dân số, Nghị định đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Củng cố tổ chức, lực lượng cán bộ, công chức tham gia công tác DS-KHHGĐ

4. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ  cho cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên về công tác dân số để thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ.

5. Bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn số 338TP/PBGDPL ngày 26/03/2003 ngày 26/03/2003 của Bộ Tư pháp về việc Phổ biến Pháp lệnh dân số

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.655

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.187.121
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!